Công nghệ 5G đã trở thành một phần thiết yếu của cuộc cách mạng chăm sóc sức khỏe ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
(Baonghean.vn) -Là thế hệ tiếp theo của công nghệ mạng di động, công nghệ 5G hứa hẹn sẽ cách mạng hóa ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là trong ứng dụng chẩn đoán từ xa và phẫu thuật từ xa.
Với 5G, các cơ sở y tế sẽ cải thiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà như kết nối video tốt hơn giữa người chăm sóc và người bệnh qua mạng di động 5G và thông tin được bảo mật.
Ngoài ra, 5G sẽ cho phép một loạt thiết bị đeo theo dõi tình trạng sức khoẻ từ xa khác được kỳ vọng sẽ là chìa khóa để chăm sóc sức khỏe tại nhà trở thành một lựa chọn điều trị và phục hồi mang tính khả thi cao. Với độ trễ thấp của dịch vụ 5G sẽ cho phép điều dưỡng và bác sĩ theo dõi bệnh nhân theo thời gian thực.
Nhờ những tiến bộ trong 5G, bệnh nhân có thể nhận được đơn thuốc được mã hóa kỹ thuật số từ bác sĩ của họ mà không phải rời khỏi nhà. Và 5G cũng đã mở ra cánh cửa cho các bác sĩ và chuyên gia y tế tiếp cận bệnh nhân từ xa, đặc biệt là những người sống ở các vùng nông thôn, nơi mà bệnh nhân sẽ không thể tiếp cận các kiến thức chuyên môn cần thiết để giúp điều trị bệnh của họ nếu không có kết nối 5G.
Với kết nối 5G tốc độ cao, độ trễ cực thấp, đảm bảo các hoạt động gần như theo thời gian thực sẽ giúp cho các bác sĩ thực hiện các cuộc phẫu thuật, hội chẩn từ xa một cách hiệu quả. Qua đó giúp cho bệnh nhân dễ dàng tiếp cận được với đội ngũ bác sĩ giỏi với chi phí hợp lý hơn.
Châu Á - Thái Bình Dương được xem khu vực luôn đi đầu trong tiến bộ và đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, chính những thách thức chưa từng có do đại dịch COVID-19 mang lại đã buộc các hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn khu vực phải đánh giá lại chiến lược của họ. Trong thời đại thay đổi và thích ứng sâu sắc này, việc tích hợp công nghệ 5G vào chăm sóc sức khỏe đã nổi lên như một động lực mang tính biến đổi.
COVID-19 là chất xúc tác
Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những lỗ hổng đáng kể trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của cả các quốc gia tiên tiến và đang phát triển ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đại dịch COVID-19 cũng đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng, bất kỳ căn bệnh truyền nhiễm mức độ cao nào cũng có thể nhanh chóng làm sụp đổ cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe và gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng.
Điều này nhấn mạnh thực tế là các hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện tại không được trang bị để xử lý một đại dịch ở quy mô lớn. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng đã tạo ra sự thay đổi theo hướng áp dụng công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data) trong ngành chăm sóc sức khỏe trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Những đổi mới công nghệ kỹ thuật số này đã cho phép các nhà hoạch định chính sách hình dung ra một ngành chăm sóc sức khỏe kết hợp, nơi các bệnh viện và hệ thống chăm sóc sức khỏe truyền thống hợp nhất với các hệ thống công nghệ kỹ thuật số.
Các quốc gia trong khu vực thúc đẩy đổi mới chăm sóc sức khỏe dựa trên công nghệ 5G như thế nào?
Công nghệ 5G đã trở thành một phần thiết yếu của cuộc cách mạng chăm sóc sức khỏe ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Một số quốc gia đã thực hiện các bước đổi mới để tăng cường khả năng tiếp cận và nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Trung Quốc
Chính phủ đang thực hiện chiến lược “Trung Quốc khoẻ mạnh 2030”, nhằm cải cách Hệ thống an ninh y tế. Đây được xem là văn kiện đầu tiên của Trung Quốc đề cập một cách có hệ thống và toàn diện về chiến lược tổng thể, mục tiêu tổng quát và cụ thể, phương hướng chung, những nhiệm vụ chủ yếu để xây dựng một đất nước khỏe mạnh đáp ứng sự nghiệp cải cách, mở cửa trong bối cảnh mới.
Chiến lược này nhằm mục đích tập hợp các bên liên quan khác nhau từ các lĩnh vực y tế, dược phẩm và bảo hiểm y tế. Mục tiêu chính của nó là giải quyết sự mất cân bằng giữa cung và cầu dịch vụ y tế và sức khỏe, cuối cùng là cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng cho người dân.
Chiến lược này thừa nhận tầm quan trọng của việc khai thác, sử dụng dữ liệu lớn và các công nghệ mới nổi trong chuẩn đoán, quản lý khám và chữa bệnh. Nhu cầu chính của người tiêu dùng đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số bao gồm mua thuốc trực tuyến, thanh toán trực tiếp cho bảo hiểm và tư vấn thuốc theo toa trực tuyến.
Năm 2020, Trung Quốc đã khởi xướng dự án tiêu chuẩn hóa, tập hợp các bệnh viện cùng viện nghiên cứu và các nhà cung cấp 5G hàng đầu để nghiên cứu thiết lập tiêu chuẩn ứng dụng 5G trong ngành y. Dự án này giúp xây dựng mạng y tế 5G dựa trên các tiêu chuẩn thống nhất để củng cố cơ sở hạ tầng của bệnh viện thông minh.
Trong đại dịch COVID-19, Trung Quốc cũng đã triển khai hệ thống theo dõi, giám sát dịch bệnh dựa trên công nghệ 5G tiên tiến, bao gồm giám sát hình ảnh nhiệt 5G+, rô-bốt thông minh 5G, máy bay không người lái 5G, xe cứu thương 5G,…
Hơn 700 bệnh viện ở Trung Quốc đã triển khai 5G và bắt đầu thực hiện các dự án thử nghiệm hoặc ứng dụng cho mục đích thương mại. Bằng cách trang bị cho các thiết bị hiện có mô-đun 5G và tích hợp mô-đun 5G vào thiết bị mới, rất nhiều dịch vụ 5G đã được triển khai tại ngày càng nhiều bệnh viện.
Ấn Độ
Là quốc gia đông dân thứ hai thế giới, hiện nay Ấn Độ xem việc ứng dụng kỹ thuật số là cách duy nhất để giải quyết gánh nặng của hệ thống y tế công cộng. Với việc ứng dụng công nghệ, y tế từ xa (telemedicine) không chỉ để chẩn đoán bệnh mà còn theo dõi người bệnh từ xa, được nhắc đến khi khi Ấn Độ bắt đầu số hóa lĩnh vực y tế trong nhiều năm qua.
Năm 2020, chính phủ Ấn Độ đã tuyên bố khởi động dự án lưu trữ thông tin sức khỏe cho toàn dân mang tên “Sứ mệnh y tế kỹ thuật số quốc gia”. Theo đó, mỗi người dân Ấn Độ sẽ có một số định danh (ID) lưu hồ sơ sức khỏe cá nhân bao gồm các xét nghiệm y tế, tiền sử bệnh, đơn thuốc cùng các thông tin y tế khác.
Việc kết nối mạng 5G tốc độ cao với các kiến trúc hiện có có thể giúp chuyển các tệp dữ liệu hình ảnh y tế khổng lồ một cách nhanh chóng và đáng tin cậy, điều này có thể cải thiện cả khả năng tiếp cận dịch vụ và chất lượng chăm sóc.
Một sự đổi mới đáng chú ý được thực hiện bởi nhà khai thác viễn thông Bharti Airtel của Ấn Độ phối hợp với Bệnh viện nổi tiếng Apollo để cho ra mắt xe cứu thương được kết nối 5G. Trong những năm tới, 5G cũng sẽ hỗ trợ trong kết nối với công nghệ thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) để giúp các bác sĩ giải thích các chẩn đoán và hỗ trợ phẫu thuật cho bệnh nhân từ xa.
Nhật Bản
Nhật Bản đang tích cực thúc đẩy số hóa lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của mình, đặc biệt là ứng dụng các công nghệ tiên tiến như 5G, trí tuệ nhân tạo vào quá trình điều trị và chăm sóc sức khoẻ bệnh nhân. Công nghệ 5G sẽ phá vỡ và biến đổi ngành chăm sóc sức khỏe tại Nhật Bản, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế từ xa, thiết bị chăm sóc sức khỏe có thể đeo và sử dụng thực tế ảo cho chăm sóc sức khỏe.
Nhà khai thác di động, NTT DoCoMo và công ty khởi nghiệp về chăm sóc người già, “Tellus You Care” đã hợp tác để tiến hành thử nghiệm công nghệ giám sát từ xa những người trong cơ sở chăm sóc người già. Công nghệ này sử dụng thiết bị đeo, liên lạc không dây có khả năng phát hiện các hoạt động của con người ở các địa điểm trong nhà và thông báo cho các thành viên gia đình hoặc bác sĩ về những tình huống bất thường. Công nghệ này sẽ có thể giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân viên y tế ở Nhật Bản; bác sĩ hoặc y tá có thể theo dõi bệnh nhân của họ, bất kể ở đâu.
5G có thể cung cấp độ ổn định, độ tin cậy và hiệu suất ổn định cần thiết cho các thiết bị điện tử kết nối với dữ liệu bệnh nhân. Do đó, 5G sẽ có thể giải quyết các xu hướng vấn đề xã hội đang gia tăng hiện nay ở Nhật Bản như dân số già đi ngày càng tăng. Công nghệ 5G dự báo sẽ tiếp tục phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho sự đổi mới trong ngành chăm sóc sức khỏe tại Nhật Bản trong những năm tới.
Hàn Quốc
Hàn Quốc cũng đã thực hiện các bước toàn diện trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số, bao gồm các sáng kiến như theo dõi liên lạc, cấp vắc xin, y tế từ xa. Chính phủ cũng đang cập nhật luật về quyền riêng tư và cung cấp hỗ trợ tài chính để khuyến khích sự tham gia của các công ty khởi nghiệp và công nghệ trong việc phát triển và triển khai công nghệ.
Tại Hàn Quốc, phạm vi phủ sóng 5G đã tương đối rộng rãi, với khoảng hơn 80% dân số được phủ sóng và nhu cầu về dịch vụ 5G của người dùng cao hơn hầu hết các quốc gia khác. Do đó, Hàn Quốc là một thị trường tiềm năng để các công ty viễn thông đầu tư vào lĩnh vực y tế kỹ thuật số.
Trong các năm qua, hai nhà khai thác viễn thông hàng đầu đất nước là SK Telecom và KT Telecom đã thiết lập quan hệ đối tác để cung cấp các giải pháp chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số tiên tiến nhằm cải thiện trải nghiệm của bệnh nhân và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
SK Telecom cũng có kế hoạch trang bị các loại thiết bị trong phòng bệnh nhân tại bệnh viện hỗ trợ 5G của họ, thiết bị này đang được phát triển với sự hợp tác của Hệ thống Y tế Đại học Yonsei. Điều này sẽ cho phép bệnh nhân kiểm soát các tính năng như ánh sáng và vị trí giường bằng giọng nói của họ cũng như gọi hỗ trợ. Các đối tác đã ký một biên bản ghi nhớ vào tháng 4 năm 2019 và có kế hoạch sử dụng kết nối 5G để kích hoạt các tính năng như công nghệ lập bản đồ 3D và hệ thống nhận dạng khuôn mặt để theo dõi bệnh nhân và khách đến thăm.
Ngoài kế hoạch của SK Telecom và Đại học Yonsei về xây dựng một bệnh viện hỗ trợ 5G, KT Telecom cũng đã công bố hợp tác xây dựng một trung tâm y tế hỗ trợ 5G với Trung tâm Y tế Samsung (SMC) ở Seoul. Dự án hợp tác này sử dụng thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) cho giáo dục theo thời gian thực cũng như phân tích bệnh lý kỹ thuật số. Điều này sẽ tận dụng băng thông cao và độ trễ thấp do 5G cung cấp để mang lại trải nghiệm AR và VR chất lượng cao, đồng thời cho phép truyền tải khối lượng lớn dữ liệu nhạy cảm một cách nhanh chóng và đáng tin cậy giữa các bên để phân tích.
Singapore
Singapore được biết đến với cơ sở hạ tầng tiên tiến và tiến bộ công nghệ. Với sự ra đời của 5G, đất nước này sẽ chứng kiến sự chuyển đổi đáng kể trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm chăm sóc sức khỏe, giáo dục và giao thông vận tải.
Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào và Singapore cũng không ngoại lệ. Với sự ra đời của 5G, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ có thể tận dụng kết nối nhanh hơn và đáng tin cậy hơn để cải thiện hoạt động chăm sóc bệnh nhân. Một trong những lợi ích chính của 5G trong chăm sóc sức khỏe là khả năng truyền lượng lớn dữ liệu trong thời gian thực. Điều này có nghĩa là các chuyên gia y tế có thể truy cập ngay vào hồ sơ bệnh nhân, kết quả xét nghiệm và các thông tin quan trọng khác, bất kể họ ở đâu.
Vào đầu năm 2023, nhà khai thác di động M1 của Singapore đã hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ Fullerton Health để giới thiệu các dịch vụ y tế từ xa hỗ trợ 5G cho ngành hàng hải của Singapore.
Dịch vụ y tế từ xa chính thức ra mắt vào tháng 7 năm 2023 và được cung cấp cho tất cả thuyền viên hoặc nhân viên của các công ty vận tải biển ở Singapore, cả trên đất liền và tại nơi neo đậu miễn là họ được kết nối với mạng 5G của M1. Các cuộc tư vấn từ xa trực tiếp với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe trên bờ và máy bay không người lái hỗ trợ 5G để hướng dẫn sử dụng thuốc cho thủy thủ đoàn từ bờ biển.
Thái Lan
Chuyển đổi số trong ngành y tế là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược 4.0 của Thái Lan. Bộ Y tế Thái Lan đã ký một biên bản ghi nhớ với Công ty viễn thông Huawei (Trung Quốc) vào tháng 9 năm 2021, với mục tiêu chủ yếu sử dụng công nghệ 5G để thúc đẩy cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe ở Thái Lan.
Vào cuối năm 2021, Thái Lan đã triển khai dự án bệnh viện thông minh 5G mới tại Bệnh viện Siriraj ở Bangkok, đánh dấu dự án bệnh viện 5G đầu tiên ở Thái Lan và ở Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Với dự án này, các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Siriraj sẽ được tiếp cận trọn gói các dịch vụ kỹ thuật số như xe cứu thương 5G, chẩn đoán sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và tư vấn y tế từ xa.
Dự án bệnh viện 5G này đã bắt đầu thí điểm sử dụng hộp y tế di động, phương tiện không người lái, xe đẩy y tế và giường bệnh thông minh dựa trên công nghệ 5G. Khoảng 30 ứng dụng y tế 5G đã và đang được phát triển và đưa vào sử dụng trên toàn Thái Lan.
Dự án Bệnh viện thông minh 5G đẳng cấp thế giới Siriraj bao gồm 9 tiểu dự án như phòng cấp cứu thông minh, dịch vụ y tế khẩn cấp, hệ thống chẩn đoán bệnh lý với 5G và trí tuệ nhân tạo, thiết lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, dịch vụ hậu cần thông minh với xe tự lái 5G, điện toán biên đa truy cập và hệ thống đám mây...
Tóm lại, sự kết hợp giữa công nghệ 5G và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một bước phát triển đáng kể trong sự tiến bộ của ngành chăm sóc y tế. Sự tích hợp này đang dẫn đến việc sử dụng y tế từ xa, cho phép chẩn đoán nhanh hơn và chính xác hơn, giải quyết các khoảng trống trong khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và đưa khu vực đến gần hơn với mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Tuy nhiên, điều quan trọng là cần phải có các biện pháp bảo mật dữ liệu mạnh mẽ và khuôn khổ quản trị hiệu quả đi kèm với việc triển khai 5G trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Khi các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục thích ứng và đổi mới, sự chuyển đổi do 5G mang lại trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hứa hẹn về một tương lai lành mạnh hơn và kết nối hơn cho khu vực.