Phương Tây cảnh giác trước 'người bạn mới' của Tổng thống Putin

Mỹ Nga 14/10/2023 13:58

(Baonghean.vn) - Hai quốc gia sản xuất dầu mỏ có quan điểm chính trị đối lập nhau, đều nắm giữ chìa khóa quyết định giá dầu. Đó là Nga và Ả rập Xê-út.

1209083.jpg
Thái tử Ả rập Xê-út Mohammed bin Salman và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS

Ria Novosti dẫn bài phân tích trên tờ National Interest cho biết, vào thời điểm thế giới đang phải cố gắng đối phó với tình trạng lạm phát mạnh mẽ, chi phí sinh hoạt tăng cao, hậu quả của cuộc xung đột quân sự ở Ukraine, và giờ là cuộc khủng hoảng ở Israel, giá dầu Brent tăng 30-40% kể từ tháng 7. Điều này đã kéo theo những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và chính trị. Giá mỗi thùng đang dần tiến tới mức 100 USD/thùng.

Nguyên nhân của việc tăng giá này là gì?

Hai quốc gia sản xuất dầu mỏ có quan điểm chính trị đối lập nhau, đều có khả năng ảnh hưởng đến giá dầu. Đó là Nga và Ả rập Xê-út. Trong khi Ả rập Xê-út là đồng minh của Mỹ, thì Nga là đối thủ của Washington. Tuy nhiên, trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ mở rộng (OPEC+), Nga và Ả rập Xê-út đang cùng “bắt tay” hành động, cắt giảm sản lượng dầu. Ả rập Xê-út đã cắt giảm sản lượng dầu gần 2 triệu thùng/ngày, và Nga giảm khoảng nửa triệu thùng/ngày. Những động thái này đã gây ra tình trạng thiếu nguồn cung trên thị trường toàn cầu.

Tờ National Interest cho rằng, cả hai nước đều bị thúc đẩy bởi mong muốn kiếm được nhiều lợi nhuận hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cái “bắt tay” giữa Nga và Ả rập Xê-út còn thể hiện sự bất hòa với Mỹ.

Hơn nữa, Thái tử Mohammed bin Salman của Ả rập Xê-út đang tích cực đa dạng hóa chính sách đối ngoại của nước này. Thái tử không muốn phá hủy hoàn toàn mối quan hệ đặc biệt với Mỹ, bởi Washington là người đảm bảo an ninh cho chính Riyadh trong khu vực. Bên cạnh đó, Mohammed bin Salman đang tìm cách tăng cường quan hệ với Trung Quốc và Nga. Riyadh còn nhận được lời mời tham gia BRICS và mong muốn gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Thái tử cũng gây dựng mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với Tổng thống Vladimir Putin. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Nga rất coi trọng sự hợp tác với Ả rập Xê-út, coi đây là quốc gia sản xuất dầu lớn nhất và có sức ảnh hưởng nhất trong OPEC+.

Amin Saikal - Giáo sư danh dự tại Đại học Quốc gia Australia chia sẻ với National Interest: “Chừng nào lợi ích của Nga và Ả rập Xê-út còn trùng khớp, giá dầu khó có thể giảm trong thời gian tới. Vậy nên, người tiêu dùng sẽ phải đối mặt thời kỳ khó khăn ở phía trước”.

Mỹ Nga