Nỗi nguy hiểm khi ngày càng gia tăng tình trạng kháng thuốc

Thành Chung 16/10/2023 09:41

(Baonghean.vn) - Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không cần thiết đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh.

Bệnh nhân sống dở, chết dở

Tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, mỗi năm lại có hàng chục trường hợp bệnh nhân nhập viện do ngộ độc thuốc chữa bệnh. Hầu hết các bệnh nhân đều tổn thương nặng về gan, thận hoặc các bộ phận khác của cơ thể, có nguy cơ tử vong cao. Còn có những trường hợp “sống dở, chết dở”, mang bệnh suốt đời do tình trạng kháng thuốc.

bna _ Tình trạng kháng thuốc kháng sinh dễ xảy ra đối với những người mắc bệnh mãn tính, dễ nhiễm trùng.jpeg
Tình trạng kháng thuốc kháng sinh dễ xảy ra đối với những người mắc bệnh mãn tính, dễ nhiễm trùng. Ảnh: Thành Chung

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thuỷ, Trưởng khoa Chống độc, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho hay: Rất nhiều trường hợp ngộ độc, dị ứng thuốc do không sử dụng theo chỉ định của bác sĩ đã xảy ra. Nhiều trường hợp điều trị mãi mà không khỏi, chỉ qua xét nghiệm mới phát hiện bệnh nhân có vi khuẩn đa kháng thuốc kháng sinh.

Mới đây, bệnh viện có tiếp nhận 1 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, tiền sử suy tim, tăng huyết áp. Sau 3 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân vẫn phải thở máy, sốt cao liên tục. Bệnh nhân này bị viêm phổi kháng thuốc và kháng tất cả các loại kháng sinh hiện có. Bệnh nhân có thể khoẻ lại hay không chỉ có thể trông chờ vào hệ miễn dịch của chính bản thân.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thuỷ: Tình trạng kháng thuốc kháng sinh dễ xảy ra đối với những người mắc bệnh mãn tính, dễ nhiễm trùng như người có tiền sử đái tháo đường, gút. Những người này đã tự ý sử dụng kháng sinh điều trị nhiều lần… Với những bệnh nhân mắc các bệnh lý do vi khuẩn kháng kháng sinh, tỷ lệ tử vong cao hơn rất nhiều bệnh nhân bình thường, từ 30-90%. Đặc biệt với những bệnh do vi khuẩn đa kháng thuốc thì tỷ lệ tử vong lên tới 99%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc, đó là: Việc người dân sử dụng kháng sinh tùy tiện khi không có đơn của bác sĩ, tin và sử dụng thuốc theo các “thầy thuốc online”. Việc người dân sử dụng kháng sinh rộng rãi, kéo dài, lạm dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt.

Ngoài ra, còn có những bác sĩ ở phòng khám tư muốn bệnh nhân khỏi bệnh thật nhanh mà cho bệnh nhân sử dụng phổ kháng sinh rất rộng, diệt nhiều loại vi khuẩn, khiến quần thể vi khuẩn thay đổi, biến đổi gen để chống lại kháng sinh phổ rộng. Có tình trạng dược sĩ kiêm cả vai trò bác sĩ để tư vấn, khám chữa bệnh, kê đơn và bán kháng sinh vô tội vạ. Có tình trạng, thầy lang sử dụng thuốc kháng sinh thế hệ cũ để làm thuốc hoàn, tán bán cho bệnh nhân.

Tình trạng kháng thuốc kháng sinh không chỉ xảy ra ở người lớn mà đáng buồn là số lượng trẻ kháng thuốc kháng sinh đang có xu hướng ngày càng cao. Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Anh Sơn, Trưởng khoa Hô Hấp Bệnh viện Sản Nhi thông tin: Bệnh viện có tham gia đề tài tình trạng kháng kháng sinh ở trẻ em dưới 5 tuổi. Qua 2 năm thực hiện, đã có 600 bệnh nhân được lựa chọn nghiên cứu. Kết quả, 18% bệnh nhân kháng từ 1 loại kháng sinh trở lên. Nhiều trường hợp bệnh nhân kháng thuốc đa kháng (kháng 3 kháng sinh trở lên). Trẻ bị kháng thuốc kháng sinh thì rất khó để tìm được loại thuốc điều trị. Điều trị bệnh nhân đa kháng càng khó hơn, nhiều khi phải chấp nhận những thuốc có thể để lại tác dụng phụ nhằm bảo toàn tính mạng bệnh nhân.

Ở hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh với số lượng vi khuẩn kháng thuốc và mức độ kháng ngày càng gia tăng. Bác sĩ Ngô Nam Hải - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc - thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh cho hay: Trước đây, ở Bệnh viện Đa khoa thành phố rất ít vi khuẩn kháng thuốc nhưng bây giờ vi khuẩn kháng thuốc rất nhiều. Vi khuẩn có ở những bệnh nhân nặng. Nhiều vi khuẩn kháng hết tất cả các loại kháng sinh, rất khó điều trị khỏi...

Tăng cường công tác phòng, chống

Kháng thuốc là tình trạng các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng… có khả năng tạo ra cách chống lại thuốc kháng sinh làm cho loại thuốc này không thể tiêu diệt hoặc làm giảm sự phát triển của chúng. Vấn đề đề kháng với thuốc của vi khuẩn là quá trình có tích lũy, do đó, nếu sử dụng thuốc nhiều loại hoặc nhiều lần thì mức độ đề kháng với thuốc sẽ tăng lên, nếu càng nhiều loại thì cơ thể sẽ đề kháng càng nhiều thuốc. Cho nên, khi cần thuốc để diệt vi khuẩn hoặc quá trình điều trị bệnh sẽ khó khăn hơn ở các lần tiếp theo.

bna _ Ngày càng có nhiều bệnh nhân  kháng đa thuốc. Nguyên nhân do việc tự ý dùng thuốc bữa bãi.Rất khó để các bác sĩ có thể điều trị khỏi. JPG (3).JPG
Ngày càng có nhiều bệnh nhân kháng đa thuốc, nguyên nhân do việc tự ý dùng thuốc bừa bãi, rất khó để các bác sĩ có thể điều trị khỏi. Ảnh: Thành Chung

Kháng thuốc đang ngày càng trở nên nguy hiểm đối với sức khỏe người dân. Theo điều tra của WHO tại Việt Nam, 83% vi khuẩn Pneumococal (vi khuẩn gây ra viêm phổi, viêm màng não…) đã kháng với kháng sinh penicillin. Có tới 72% vi khuẩn Ecoli gây các bệnh về tiêu chảy và đường ruột đã kháng ceftriaxon. Nếu nhiễm các vi khuẩn này, những thế hệ kháng sinh phổ biến trước đây như penicillin hay ceftriaxon sẽ không còn tác dụng. Việt Nam đang được xếp vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc cao trên thế giới.

Để ngăn chặn tình trạng này, ngày 25/9/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1121/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; với mục tiêu “làm chậm sự tiến triển kháng thuốc và ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của các vi sinh vật kháng thuốc, bệnh truyền nhiễm, đồng thời đảm bảo sự sẵn có, liên tục các thuốc kháng vi sinh vật và sử dụng thuốc kháng vi sinh vật hợp lý để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người và động vật, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”.

Chiến lược đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, gồm: Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và hiểu biết của nhân viên y tế, thú y và người dân về phòng, chống kháng thuốc; củng cố hệ thống giám sát kháng thuốc để cảnh báo kịp thời về sự xuất hiện, lan truyền, mức độ và xu hướng kháng thuốc của các vi sinh vật; giảm sự lan truyền của vi sinh vật và bệnh truyền nhiễm; sử dụng thuốc kháng vi sinh vật ở người và động vật hợp lý, an toàn và có trách nhiệm… và đến năm 2045, Việt Nam kiểm soát cơ bản tình trạng kháng thuốc, có hệ thống giám sát kháng thuốc, sử dụng, tiêu thụ kháng sinh hoạt động hiệu quả tương đương với các nước phát triển.

bna _ Người dân có thể dễ dàng mua kháng sinh ở bất cứ quầy thuốc nào.jpeg
Người dân có thể dễ dàng mua kháng sinh ở bất cứ quầy thuốc nào. Ảnh: Thành Chung

Chiến lược cũng đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để phòng, chống kháng thuốc, trong đó đề cao việc phối hợp hành động và đáp ứng liên ngành; hoàn thiện các chính sách, pháp luật, quy định chuyên môn; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông và vận động xã hội; tăng cường hệ thống giám sát kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật ở người, động vật, môi trường và thương mại; tăng cường nhân lực, tài chính, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế để phòng, chống kháng thuốc.

Sẽ có 3 đề án trọng điểm được xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược. Chính phủ cũng đã phân công rõ trách nhiệm cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tổ chức thực hiện Chiến lược… Ở thời điểm này, tỉnh Nghệ An đang nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược này.

Ngành Y tế Nghệ An khuyến cáo: Mỗi cá nhân khi sử dụng kháng sinh cần chỉ uống thuốc đúng theo đơn bác sĩ, không tự ý mua và dùng kháng sinh khi chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị; khi được bác sĩ kê đơn có thuốc kháng sinh, luôn uống đủ liều lượng đã được kê, không bỏ dở nửa chừng, ngay cả khi cảm thấy bệnh đã đỡ nhiều. Không dùng thuốc kháng sinh thừa từ lần sử dụng trước; không chia sẻ thuốc kháng sinh trong toa thuốc đang dùng cho người khác uống.

Thành Chung