Những người phụ nữ đã đi qua chiến tranh

Công Kiên 16/10/2023 15:57

(Baonghean.vn) - Họ là những người phụ nữ bước ra từ chiến tranh, giờ đây gắn bó với Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An. Mỗi người một số phận và mang nặng nỗi niềm riêng nhưng những người phụ nữ ấy có điểm chung là luôn giữ niềm tin về cuộc sống.

Lạc quan dù cơ thể chỉ còn 4% sự sống

Ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An phần lớn là những người đàn ông trở về từ chiến trường với mức độ thương tật trên 80%, cuộc sống gia đình khó khăn hoặc không còn chốn nương tựa. Nhưng ở đây cũng có những người phụ nữ gắn bó cuộc đời mình với căn phòng, khuôn viên và sự phục vụ tận tình của cán bộ, nhân viên trung tâm.

Người phụ nữ đầu tiên chúng tôi gặp khi bước chân đến đây là bà Nguyễn Thị Lượng (SN 1950), thương binh mất sức 96% và an dưỡng ở nơi này hơn 40 năm.

bna_1.jpg
Bà Nguyễn Thị Lượng kể về những năm tháng tuổi trẻ. Ảnh: Công Kiên

“Tôi quê ở xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, hồi trẻ học ngành Y và được điều vào làm nhiệm vụ ở chiến trường Tây Nguyên. Chúng tôi đã hành quân hàng tháng trời để vượt Trường Sơn, vào nơi ác liệt để phục vụ chiến đấu. Một lần, tham gia chuyến công tác ở Gia Lai, chiếc xe tải bị đổ khiến tôi bị thương nặng, chấn thương cột sống dẫn đến liệt nửa người”, bà Lượng kể.

Nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Lượng được đưa đến bệnh viện các tuyến để chữa trị nhưng do chấn thương quá nặng, không thể gượng dậy, cũng từ đó cuộc đời gắn với chiếc xe lăn. Sau khi điều trị vết thương, từ năm 1979 bà Lượng được chuyển về an dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An.

bna_3.jpg
Bà Nguyễn Thị Lượng tự nấu các bữa ăn cho bản thân. Ảnh: Công Kiên

Tuổi đôi mươi hành quân ra chiến trường, trở thành thương binh nặng ở tuổi 26, cô gái đất Thanh Chương chưa có cơ hội trao gửi lời yêu thương. Quãng đời hơn 40 năm qua là chuỗi ngày cô đơn dằng dặc, khi lặng lẽ tuôn chảy như dòng sông, khi dâng lên cuộn trào như sóng biển.

Mặc dù ở đây, bà Lượng được chăm sóc đặc biệt, luôn nhận được sự quan tâm của cán bộ và nhân viên trung tâm nhưng cũng không tránh khỏi những lúc cô đơn. Nhất là những đêm mưa gió, bão bùng, đối diện với chính mình trong căn phòng nhỏ, lòng chợt thấy đắng cay, tủi hờn. Những lúc như thế, người phụ nữ ấy luôn cố kìm nén để khỏi bật khóc nhưng nước mắt vẫn ướt đẫm khuôn mặt.

bna_5.jpg
Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho bà Nguyễn Thị Lượng. Ảnh: Công Kiên

Bà Lượng tâm sự: “Ở quê vẫn còn anh em, họ hàng, thân cận nhất là gia đình người em gái. Vui nhất là những lần về quê được gặp người thân hay mỗi khi người thân ở quê xuống thăm, vì những lúc như thế cho tôi cảm nhận được hơi ấm tình thân và tình cảm gia đình, ruột thịt”.

Bà Nguyễn Thị Lượng được lãnh đạo Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An đánh giá cao ở tinh thần vượt khó vươn lên và tấm lòng sẻ chia với những người cùng cảnh ngộ. Mặc dù thương tật rất nặng nhưng bà vẫn cố gắng chủ động trong sinh hoạt, tự nấu những bữa ăn cho mình, vì bà thấy các nhân viên phục vụ rất bận rộn.

Có ai đau ốm, bà Lượng ân cần đến phòng hỏi thăm, động viên giúp đỡ để họ chống chọi với bệnh tật. Những nỗ lực của bà được ghi nhận với Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác đền ơn đáp nghĩa.

Bà Nguyễn Thị Lượng cố gắng chủ động trong các sinh hoạt hàng ngày. Clip: Công Kiên

Gần 60 năm thờ chồng

Không trực tiếp cầm súng ra chiến trường nhưng cuộc đời bà Lăng Thị Ngọc (sinh năm 1946), quê ở xã Lý Thành (Yên Thành) mang nặng vết thương của chiến tranh. Cuộc chiến với Đế quốc Mỹ đã lấy đi của bà tất cả, để hôm nay khi sắp sửa tuổi bát tuần phải sống một mình trong căn phòng nhỏ của Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An dành cho đối tượng vợ liệt sĩ không nơi nương tựa.

“Tôi lấy chồng năm 1961, lúc vừa tròn 15 tuổi. Cưới xong, chồng lập tức lên đường trở lại chiến trường, 5 năm sau tôi nhận được tin chồng hy sinh. Mọi người đều khuyên nên đi bước nữa nhưng tôi quyết ở vậy thờ chồng. Những năm cuối đời, tuổi già sức yếu phải trông cậy vào Nhà nước”, bà Ngọc kể về cuộc đời mình.

bna_4.jpg
Bà Lăng Thị Ngọc kể về cuộc đời mình. Ảnh: Công Kiên

Chồng của bà Ngọc là liệt sĩ Nguyễn Đăng Niêm, hai người ở cùng quê và đem lòng cảm mến, yêu thương nhau. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nổ ra, ông Niệm nhanh chóng lên đường nhập ngũ, rồi vào miền Nam chiến đấu.

Năm 1961, nhân chuyến công tác qua nhà, người chiến sĩ ấy ghé về làm lễ thành hôn cùng cô thiếu nữ. Hôn lễ vừa xong, người lính vội vã từ biệt người vợ trẻ để cùng đồng đội lên đường.

Sau ngày cưới, cô dâu Lăng Thị Ngọc được gia đình nhà chồng tạo điều kiện đi học ngành Sư phạm, mấy năm sau ra trường trở thành cô giáo. Những năm không quân Mỹ dội bom xuống miền Bắc gây nên bao cảnh tang thương, cô giáo Ngọc vẫn ngày ngày bám lớp, bám trường cùng đàn em thơ.

bna_6.jpg
Bà Lăng Thị Ngọc lần giở những kỷ niệm thời trẻ. Ảnh: Công Kiên

Ngày miệt mài với trang giáo án, đêm về đỡ đần công việc cho bố mẹ chồng, lúc khuya vắng nỗi nhớ thương chồng càng thêm da diết. Giữa năm 1966, một người đồng đội tìm về nhà báo tin chồng đã hy sinh, người vợ trẻ như chết lặng, không nói được một lời nào.

Về sau, mấy lần có người đến tìm hiểu, gia đình nhà chồng cũng động viên nên đi bước nữa nhưng cô giáo Ngọc lắc đầu.

Năm tháng lặng lẽ trôi, bố mẹ chồng và bố mẹ đẻ đều già yếu rồi lần lượt qua đời, cô giáo trẻ năm nào mái tóc dần pha sương rồi trở thành bà lão. Không con cháu, cũng không còn người thân thích, bà Lăng Thị Ngọc đành trông cậy vào sự quan tâm của Nhà nước. Đã mấy năm nay, bà trở thành thành viên của ngôi nhà chung Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An.

bna_8.jpg
Bức ảnh bà Lăng Thị Ngọc bên người chồng quân nhân (ghép bằng kỹ thuật photoshop). Ảnh: NVCC

“Ở đây, tôi luôn nhận được sự hỗ trợ và chăm sóc đặc biệt của các cháu nhân viên, điều đó giúp tôi vơi bớt nỗi cô đơn tuổi già. Nhưng những lúc một mình không tránh được nỗi buồn tủi, buộc tôi phải dặn lòng mình không được yếu mềm, phải gượng lên để xứng đáng là vợ của người lính đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc”, bà Ngọc tâm sự.

Hiện tại, trung tâm đang nuôi dưỡng, chăm sóc 7 phụ nữ thuộc đối tượng thương binh và thân nhân liệt sĩ. Các bác luôn được anh chị em cán bộ, nhân viên chăm sóc ân cần, giúp đỡ tận tình như người thân trong gia đình để các bác vơi đi phần nào nỗi cô đơn của tuổi già.

Ông Hồ Ngọc Quỳnh – Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An

Công Kiên