Nghệ An phát huy vai trò của phụ nữ tham gia xây dựng Đảng, chính quyền
(Baonghean.vn) - Cùng với thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, thời gian qua, Hội Phụ nữ các cấp ở Nghệ An đã tích cực triển khai nhiều nội dung, hoạt động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 218 của Bộ Chính trị.
Lựa chọn nội dung trọng tâm để giám sát
Năm 2016, thông qua hoạt động giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nữ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, Hội LHPN huyện Anh Sơn phát hiện một số nữ lao động chưa được hưởng chế độ dưỡng sức sau thai sản. Đặc biệt, chưa có trường hợp nào được hưởng chế độ trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở đối với lao động nam tham gia bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con mà không tham gia bảo hiểm xã hội.
Trên cơ sở phát hiện, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện trực tiếp nghiên cứu các quy định, quy trình, thủ tục để hướng dẫn các đối tượng thụ hưởng làm hồ sơ và được giải quyết chế độ. Hội Phụ nữ đẩy mạnh truyền thông trong hệ thống tổ chức Hội; đồng thời đề xuất Ban Dân vận Huyện ủy đưa vào nội dung tập huấn, hội nghị báo cáo viên để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các đối tượng về chính sách, bởi qua giám sát, người dân chưa biết có chế độ này.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Anh Sơn Phạm Thị Hồng Thảo nhấn mạnh: Điều quan trọng nhất là phải thường xuyên rà soát, nắm bắt các đối tượng thuộc diện thụ hưởng, hướng dẫn họ làm hồ sơ và đeo bám, đôn đốc cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết chế độ cho các đối tượng. Kết quả luỹ kế từ năm 2016 đến tháng 6/2023, đã có 210 trường hợp được giải quyết chế độ dưỡng sức sau thai sản với tổng số tiền hơn 580 triệu đồng.
Từ không có trường hợp nào được hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với lao động nam tham gia bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con mà không tham gia bảo hiểm xã hội, đã có 271 trường hợp được hưởng chế độ với tổng số tiền gần 632 triệu đồng.
Để đảm bảo hoạt động giám sát của tổ chức Hội Phụ nữ có hiệu quả; cùng với việc chọn đúng, trúng nội dung giám sát, phương pháp giám sát để phát hiện vấn đề, thì điều quan trọng hơn nữa là phối hợp với các tổ chức, đơn vị để đeo bám và đôn đốc giải quyết các bất cập, hạn chế được phát hiện".
Chủ tịch Hội LHPN huyện Anh Sơn Phạm Thị Hồng Thảo
Cùng với nội dung giám sát trên, Hội Phụ nữ huyện Anh Sơn cũng đã triển khai nhiều chuyên đề giám sát thiết thực. Trong 6 chuyên đề giám sát trong 3 năm gần đây của Hội Phụ nữ huyện liên quan đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Như việc thi hành các bản án ly hôn đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em; giám sát việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với phụ nữ đơn thân nghèo đang nuôi con, phụ nữ cao tuổi, phụ nữ khuyết tật; giám sát việc thực hiện chế độ bảo trợ xã hội cho trẻ em…
Còn ở huyện Quỳnh Lưu, hoạt động giám sát của Hội LHPN huyện bám sát việc triển khai thực hiện các quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến quyền lợi phụ nữ và trẻ em.
Như giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở liên quan phương thức, kết quả bình xét hộ nghèo được vay vốn sản xuất, xóa đói - giảm nghèo, trợ cấp xã hội, xây dựng nhà tình thương, cấp thẻ bảo hiểm y tế; việc thực hiện một số chế độ chính sách đối với nữ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách xã; việc cấp dưỡng nuôi con chung sau ly hôn; chất lượng bếp ăn bán trú tại các trường mầm non trên địa bàn…
Ngoài ra, các cấp Hội Phụ nữ Quỳnh Lưu còn triển khai giám sát kết quả thực hiện Chỉ thị số 21, ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về "Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới"; Giám sát Nghị quyết số 04, ngày 19/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo”.
Ở huyện Đô Lương, hoạt động giám sát được các cấp Hội Phụ nữ triển khai có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực và đặc biệt là “vừa sức” với tổ chức hội, sát với nhu cầu, sự quan tâm của hội viên, phụ nữ.
Theo đó, các nội dung giám sát được tập trung như giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em; thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em; các khoản thu chi đóng góp tự nguyện xây dựng nông thôn mới; đóng góp của phụ huynh, học sinh tại các trường học; chế độ thai sản; chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên; cấp thẻ bảo hiểm cho trẻ em dưới 6 tuổi...
Chủ tịch Hội LHPN huyện Đô Lương, Thái Thị Hiền cho biết: Ngoài phát hiện và kiến nghị chính quyền và các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tồn tại thực tiễn đặt ra, thông qua hoạt động giám sát ý thức trách nhiệm, trăn trở, chủ động cũng như trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ hội các cấp được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo báo cáo từ Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Nghệ An, 5 năm qua, Hội Phụ nữ tỉnh đã tổ chức 6 cuộc giám sát và cấp huyện, cơ sở tổ chức 2.311 cuộc liên quan việc triển khai các chủ trương, chính sách các cấp ban hành về quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ và trẻ em.
Từ giám sát, Hội LHPN tỉnh đã phát hiện, kiến nghị, đề xuất 10 nội dung; cấp huyện và cơ sở kiến nghị, đề xuất 604 nội dung xác đáng, thuyết phục, được các cấp, các ngành, đơn vị tiếp thu và văn bản phản hồi việc giải quyết.
Nhiều nội dung tham xây dựng Đảng, chính quyền
Cùng với hoạt động giám sát, các cấp Hội Phụ nữ Nghệ An cũng chủ động thực hiện phản biện thông qua tổ chức 60 hội nghị và góp ý kiến gần 1.500 dự thảo văn bản từ Trung ương đến cơ sở.
Đặc biệt phản biện báo cáo chính trị và đề án nhân sự gắn giới thiệu nhân sự, đảm bảo nâng tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 ở cấp tỉnh 18,75%, cấp huyện 19,4%, cấp cơ sở 25,5% và tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 ở cấp tỉnh là 27,71%, cấp huyện là 31,25%, cấp xã 29,97%.
Hoạt động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của tổ chức Hội Phụ nữ ở Nghệ An còn được thể hiện trên nhiều nội dung hoạt động khác, như tham mưu và trực tiếp tham gia các cuộc đối thoại của cấp ủy, chính quyền các cấp với người dân; trong đó trực tiếp tham mưu tổ chức 395 cuộc đối thoại chính sách giữa người đứng đầu cấp ủy với cán bộ, hội viên phụ nữ.
Các cấp Hội Phụ nữ cũng đẩy mạnh và đa dạng nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, các quy định của Đảng, Nhà nước trên cổng thông tin điện tử, Fanpage Facebook, Zalo; tổ chức các hội thi, hội thảo trực tuyến; xây dựng, duy trì hơn 500 mô hình, câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”; “Bình đẳng giới”; “Gia đình không có người thân vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội”, “Phòng, chống mua bán người”; “Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”...
Cùng với các hoạt động trên, các cấp hội cũng triển khai cho cán bộ, hội viên, phụ nữ giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; tích cực phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu nguồn cán bộ, hội viên, phụ nữ kết nạp vào Đảng; chủ động thu thập, nắm bắt tình hình cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân phản ánh đến Đảng, Nhà nước điều chỉnh hoặc đưa ra các quyết sách mới, kể cả tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết các vấn đề phức tạp, khó khăn, bức xúc phát sinh ở cơ sở.
Qua đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và điều hành, quản lý của chính quyền trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng chí Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh khẳng định: Tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là một trong những chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội Phụ nữ được quy định tại Quyết định số 218 của Bộ Chính trị cùng với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội khác.
Bởi vậy, bên cạnh nỗ lực, tích cực đổi mới, sáng tạo của chính tổ chức Hội thì cần sự quan tâm tạo điều kiện từ phía cấp ủy, chính quyền để các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh thực hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng, chính quyền theo các quy định của Đảng và Nhà nước.
Và trong thực tiễn, ở đâu cấp ủy, chính quyền tranh thủ được sự phối hợp hành động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, trong đó có tổ chức Hội Phụ nữ thì ở đó sẽ thành công, kinh tế - xã hội phát triển, sự đồng thuận xã hội cao.