Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
(Baonghean.vn) - Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm góp ý liên quan đến các giải pháp, quy định để khắc phục tình trạng "cò", thông đồng, dìm giá trong đấu giá tài sản, đảm bảo hoạt động đấu giá tài sản khách quan, công khai, minh bạch.
Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ 01/07/2017. Sau thời gian thực hiện, bên cạnh đóng góp trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý về trình tự, thủ tục đấu giá chung, chặt chẽ và giải quyết một số bất cập, thì thực tiễn thực hiện Luật Đấu giá tài sản đã phát sinh một số vấn đề hạn chế, nhất là tình trạng “cò”, thông đồng, dìm giá, gây bức xúc trong Nhân dân và thất thoát ngân sách.
Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản được đề xuất sửa đổi, bổ sung 25 điều, khoản; đồng thời bổ sung một điều mới.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận giải pháp, quy định khắc phục tình trạng “cò”, thông đồng, dìm giá thông qua góp ý một số từ ngữ trong dự thảo để đảm bảo chặt chẽ.
Ví như trong dự thảo quy định xử lý đối với trường hợp để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá “nhằm mục đích trục lợi”, nhưng để xác định “nhằm mục đích trục lợi” lại là vấn đề khó.
Bên cạnh đó, có ý kiến cũng đề nghị cần nâng mức tiền đặt trước trong đấu giá lên, bởi người thật sự có nhu cầu thì họ cơ bản có đủ tiền để mua và khi nâng mức đặt giá thì đây được coi là giải pháp hạn chế những trường hợp nộp hồ sơ để thông đồng đồng dìm giá.
Một số ý kiến đề nghị Quốc hội cần quy định chi tiết, cụ thể hơn thời gian nộp hồ sơ; thời gian công khai thông tin đấu giá trước ngày tổ chức giá công khai thông tin đấu giá; quy định hình thức bán, nhận hồ sơ tham gia đấu giá trực tuyến một hình thức bắt buộc để phù hợp với xu thế chuyển đổi số; mặt khác áp dụng phổ biến hình thức này cũng sẽ giảm tiêu cực, lộ lọt thông tin do gặp trực tiếp giữa người đăng ký tham gia đấu giá với tổ chức đấu giá tài sản.
Đồng thời, nên quy định về việc nhận uỷ quyền; cụ thể, người tham gia đấu giá không được nhận uỷ quyền của người tham gia đấu giá khác trong cùng một tài sản về các nội dung liên quan đến việc đăng ký tham gia đấu giá và trả giá.
Để đảm bảo nguyên tắc trong đấu giá tài sản là không hạn chế việc trả giá theo khả năng và nhu cầu của người tham gia đấu giá; bước giá chỉ nên quy định là mức tối thiểu của các lần trả giá, không quy định mức tối đa hoặc mức cố định trong bước giá.
Người tham gia đấu giá, khi trả giá phải cao hơn giá khởi điểm của từng vòng đấu tối thiểu một bước giá, còn trên bước giá bao nhiêu sẽ tuỳ thuộc vào khả năng của người mua, quy định này đảm bảo linh hoạt trong đấu giá….
Nhiều vấn đề liên quan đến đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; về trình tự, thủ tục đấu giá; về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động đấu giá tài sản..., cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận, góp ý.
Kết luận tại hội nghị, đồng chí Thái Thị An Chung - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định, những ý kiến tham gia thảo luận, góp ý của các đại biểu đều rất xác đáng, dù có một số nội dung còn có ý kiến khác nhau, song đều trên cơ sở lý luận và hoạt động thực tiễn.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp thu và tổng hợp toàn bộ ý kiến góp ý; đồng thời đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu và góp thêm ý kiến, bởi dự dự thảo luật này mới chỉ cho ý kiến vào kỳ họp thứ 6 và sẽ xem xét, thông qua ở kỳ họp tiếp theo của Quốc hội, đảm bảo hoạt động đấu giá tài sản chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch.