Học cách lắng nghe

Phước Anh 18/10/2023 09:57

(Baonghean.vn) - Từ bé đến lớn, chúng ta được dạy nhiều về kỹ năng nói chuyện, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm người đối thoại say mê bằng ngôn ngữ; nhưng còn một kỹ năng quan trọng khác nữa mà phần lớn trong chúng ta đều thiếu: Kỹ năng lắng nghe!

Cậu bé Zezé 5 tuổi trong cuốn sách nổi tiếng “Cây cam ngọt của tôi” trưởng thành trong một gia đình đông anh em, bố mẹ cậu vật lộn với mưu sinh và mặc nhiên cho rằng cậu bé phải biết hết tất cả, nếu không biết thì đòn roi sẽ dạy cho biết. Tuổi thơ cậu hoàn toàn trống vắng tình yêu thương, thiếu một người dẫn đường đúng đắn, thèm khát được ai đó lắng nghe nỗi niềm, ước mơ, mong đợi… Nhưng chẳng có ai cả, người lớn trong nhà luôn bảo cậu phải nghe lời, trút giận dữ và uất ức cuộc sống lên tấm thân gầy gò của cậu bằng những đòn roi.

Review-sach-cay-cam-ngot-cua-toi-2-1.jpg
Cây cam ngọt Pinkie là người bạn lắng nghe mọi niềm vui, nỗi buồn của cậu bé Zezé. Ảnh: Internet

Người bạn suốt những năm tháng tủi hờn ấy của cậu là một cây cam ngọt ở sau vườn, được cậu đặt tên là Pinkie. Cậu tâm sự với Pinkie tất thảy mọi điều. Cậu tưởng tượng rằng Pinkie đang lắng nghe mình nói và hồi đáp bằng tất thảy những dịu dàng. Pinkie là một “người” lắng nghe tuyệt nhất, bởi nó luôn thinh lặng, vẫy những tầng lá xanh rờn mát rượi đầy vỗ về, và hương thơm bình yên từ nó toả ra khiến Zezé được an ủi lạ kỳ.

Hình ảnh cậu bé Zezé ngồi dưới gốc cây cam ngọt, thút thít những điều ấm ức trong lòng khiến hàng triệu độc giả trên thế giới xúc động. Hoá ra, điều lớn nhất mà tâm hồn chúng ta cần trong cuộc sống đôi khi không phải là tiền bạc, danh vọng, mà là được lắng nghe.

Nhiều người sống cả đời mà vẫn không học được cách lắng nghe, và bản thân chưa biết chừng cũng chẳng có lấy một người để lắng nghe họ nói. Lắng nghe khó đấy, cần phải học. “Người nói phải có người nghe”, cái sự nghe ấy chỉ là phản ứng sinh lý bản năng của cơ thể con người, là thứ có thể nghe rồi để đó, nghe xong rồi thôi, nghe chỉ để phục vụ một mục đích nào đó. Còn lắng nghe, không chỉ cần đến đôi tai mà còn cần đến cả trái tim.

nghe-thuat-lang-nghe-cua-lanh-dao-la-gi-13-.0029.jpg

Khi ta lắng nghe một người nào đó, tất cả những gì ta làm là ngồi bên cạnh họ, để họ trút bỏ nỗi lòng, ta thinh lặng mà thâu nhận những thanh âm tự sự thổn thức, tủi hờn, như miếng bọt biển xốp mềm dịu dàng nâng niu những xúc cảm của họ. Lắng nghe ai đó - cái sự nghe nào chỉ là thính giác, mà còn tổng hoà của mọi giác quan, thậm chí là giác quan thứ 6.

Thiếu đi những sự lắng nghe, cuộc sống sẽ tẻ nhạt, buồn chán và căng thẳng lắm thay. Lắng nghe được cấu thành bởi “lắng” và “nghe”, nghĩa là nghe bằng sự tập trung, yên ắng và thấu cảm; là sự giao hoà của con tim và lý trí; là sự tôn trọng, yêu thương và tin cậy tuyệt đối dành cho người đối thoại. Lắng nghe là mở rộng lòng mình ra, chấp nhận sự khác biệt, không tị hiềm phán xét, luôn mang đến cho người khác nguồn năng lượng tích cực.

Lắng nghe đâu nhất thiết phải dựa vào những thanh âm. Ta lắng nghe mưa xuân rả rích trên mái hiên, và biết rằng mùa Xuân sắp về, nhành đào sắp nở, quê hương sắp Tết, và người ấy sắp về… Ta lắng nghe tiếng ve râm ran giữa trưa nắng hạ, lòng chùng xuống một dự cảm chia ly… Ta lắng nghe lòng người, ngay cả khi người đang lặng im, mà ta vẫn hiểu những nỗi mất mát của họ, nỗi buồn đau của họ, và ta trao cho họ vòng ôm ấm áp ủi an… Vậy là khi ta lắng nghe trong thinh lặng, ta đồng thời cũng đang lắng nghe nội tâm của chính mình. Ta hiểu chính ta hơn trong sự nghe yên lắng ấy.

Trong cuốn sách “Hiểu về trái tim”, thiền sư Minh Niệm viết: “Chữ “lắng nghe” có ý nghĩa rất hay. Phải “lắng” thì mới “nghe” được. Cho nên, “lắng” là ngõ vào của “nghe”. Không “lắng” thì không thể “nghe” trọn vẹn. “Lắng” chính là sự im lặng sâu sắc của con tim. Hãy tập lắng nghe bằng chính con tim mình”.

Phước Anh