Nghệ An đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Y tế

Thành Chung (thực hiện) 22/10/2023 07:37

(Baonghean.vn) - Thực hiện chuyển đổi số trong ngành Y tế đồng nghĩa với việc hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế, các dịch vụ y tế có hiệu quả cao.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi cùng dược sĩ Trần Minh Tuệ - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An.

P.V: Ngày 5/8/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An đã có Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 22/8/2022, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 586/KH-UBND chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025. Thời gian qua, ngành Y tế Nghệ An đã thực hiện 2 Nghị quyết, Kế hoạch này ra sao?

Dược sĩ Trần Minh Tuệ:Thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh uỷ và Kế hoạch số 586 của UBND tỉnh Nghệ An, Sở Y tế đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch, quyết định, công văn về thực hiện công tác chuyển đổi số y tế, ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai bệnh án điện tử, quản lý thông tin y tế cơ sở, phần mềm hồ sơ sức khỏe, dịch vụ khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế…

Hệ thống lấy số tự động tại Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ giúp giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Ảnh Hương Trà.jpg
Hệ thống lấy số tự động tại Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ giúp giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Ảnh tư liệu: Hương Trà

Cùng với đó, Sở Y tế đã tập trung phát triển hạ tầng số với việc chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh rà soát lại, đầu tư trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin của bệnh viện đáp ứng nhóm tiêu chí hạ tầng theo Thông tư 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/ 2017 của Bộ Y tế; chỉ đạo tất cả các đơn vị trong ngành đầu tư hệ thống giao ban trực tuyến, hệ thống mạng internet tốc độ cao, hệ thống máy tính kết nối mạng LAN, internet và các phần mềm để phục vụ công tác chuyên môn khám, chữa bệnh, cải cách hành chính, kết nối liên thông cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đáp ứng công tác quản lý văn bản và điều hành văn bản.

Từ nguồn phân bổ sự nghiệp y tế, Sở đã đầu tư, mua sắm, lắp đặt hệ thống khám, chữa bệnh từ xa tại 15 đơn vị (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An; Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình Nghệ An; Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh, Bệnh viện Đa khoa Yên Thành, và các Trung tâm Y tế Kỳ Sơn, Tương Dương, Tân Kỳ, Anh Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn); đầu tư 460 máy đọc mã QR đa chiều phục vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VNeID, VssID cho 460 trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, xây dựng bệnh viện thông minh sẽ đem lại nhiêug tiện ích cho người bệnh. Ảnh Tư liệu (1).jpg
Đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, xây dựng bệnh viện thông minh sẽ đem lại nhiều tiện ích cho người bệnh. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Phát triển nhân lực chuyển đổi số, toàn ngành đã thu hút được 112 kỹ sư công nghệ thông tin có bằng cao đẳng, đại học. Các đơn vị trong ngành đã tập trung làm tốt đào tạo nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vai trò hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công cuộc chuyển đổi số; nâng cao năng lực, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyên môn.

Đến nay, ngành Y tế Nghệ An đã có những bước tiến lớn trong việc thực hiện chuyển đổi số. Các đơn vị trong ngành đã được đầu tư trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin theo tiêu chí Thông tư 54/BYT ở mức 2-3. Một số ít đơn vị đạt mức 5,6 như: Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc, Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi… 100% các đơn vị đều sử dụng, vận hành thành thạo, ổn định và hiệu quả các trang thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin và thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng.

P.V: Ông có thể làm rõ hơn những kết quả cụ thể đạt được trên từng các phần mềm ứng dụng tiện ích đã triển khai?

Dược sĩ Trần Minh Tuệ: Đến nay, 100% các cơ sở khám, chữa bệnh từ tỉnh, huyện, xã đã triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế, kết nối, liên thông dữ liệu với Cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định Bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Tất cả hồ sơ khám, chữa bệnh được đẩy tự động lên Cổng dữ liệu Bộ Y tế và Cổng giám định Bảo hiểm y tế theo đúng quy định. Đã có một số đơn vị được đầu tư hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh và hệ thống thông tin xét nghiệm.

Ngành y tế đã và đang tích cực triển khai chuyển đổi số mang lại tiện ích cho người bệnh. Ảnh Thành Chung.jpg
100% các cơ sở khám, chữa bệnh đã triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Trong việc sử dụng thẻ căn cước công dân, VNeID thay thế thẻ Bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh thì đến ngày 14/9/2023 có 528/528 cơ sở y tế trong tỉnh đăng ký khám bệnh trực tuyến, tiếp đón người bệnh bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNeID, VssID… Các cơ sở y tế còn áp dụng công nghệ thông tin vào đăng ký khám bệnh trực tuyến; triển khai việc cấp phát và sử dụng thẻ khám bệnh thông minh giúp người dân đăng ký lấy số khám bệnh từ xa, giảm sự chờ đợi, giảm ùn tắc chờ đợi cho bệnh nhân.

Thực hiện Kế hoạch số 368/KH-UBND ngày 6/7/2020 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc lập hồ sơ, khám, quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh, đến tháng 9/2023, Nghệ An đã khởi tạo trên hệ thống 3.715.236 hồ sơ (đạt trên 97%); có 2.919.911 hồ sơ đã có dữ liệu khám, chữa bệnh (đạt 83,50%).

Ngành Y tế đã triển khai phần mềm dùng chung tại trạm y tế ở 21/21 huyện, thành, thị trên địa bàn. Hệ thống Quản lý thông tin y tế vận hành khai thác chính thức từ tháng 5/2022 với 23 module giúp cho các cơ sở y tế quản lý 18 sổ sách và các loại báo cáo khác nhau.

Sở Y tế Nghệ An kiểm tra việc triển khai phần mềm quản lý Hồ sơ sức khỏe điện tử và phân mềm H-MIS quản lý khám chữa bệnh tại Trạm Y tế thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương. Ảnh Thành Chung.jpg
Triển khai phần mềm quản lý Hồ sơ sức khỏe điện tử và phần mềm H-MIS quản lý khám, chữa bệnh tại Trạm Y tế thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Về bệnh án điện tử, hiện tại Nghệ An đã có 4/52 đơn vị triển khai thành công (cả nước có 50 bệnh viện) gồm: Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh, Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc. Theo Thông tư 46 thì đến năm 2028 Nghệ An còn lại 48 cơ sở khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế trong và ngoài công lập phải thực hiện bệnh án điện tử. Sở Y tế đang chỉ đạo quyết liệt nhằm đáp ứng tốt lộ trình này.

Về kê đơn thuốc điện tử và kết nối với hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn, Sở Y tế đã tiến hành phê duyệt, cấp mã cho 593 cơ sở khám, chữa bệnh và người hành nghề. Trong đó, có 64 bệnh viện, 28 trung tâm y tế, 40 trạm y tế, 364 phòng khám. Đã có 43 cơ sở đã liên thông đơn thuốc; 3.458/3.847 bác sĩ đã được cấp mã liên thông; trung bình 1 tuần có 63.345 đơn thuốc liên thông lên hệ thống đơn thuốc quốc gia.

Ngành Y tế cũng đã triển khai phần mềm quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm từ tuyến tỉnh cho đến tuyến huyện, xã. Kết quả đã có 460 phường, xã, 21 huyện, thành, thị triển khai nhập đầy đủ dữ liệu trên hệ thống phần mềm. Dữ liệu trên phần mềm đã nhập được dữ liệu của 11.775 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc ngành Y tế quản lý.

Người dân đến đăng ký khám sức khoẻ lái xe tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Bắc. Ảnh Thành Chung.JPG
Nhân viên Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc quét căn cước công dân gắn chíp lấy số thứ tự khám, chữa bệnh cho người dân. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Thời gian qua, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện phối hợp với các ngân hàng thương mại và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đẩy nhanh tiến độ triển khai đa dạng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu của người dân khi tham gia khám, chữa bệnh. Đến nay, có 28/38 đơn vị đã triển khai được việc thanh toán viện phí qua ngân hàng (đạt tỷ lệ 73,6%).

P.V: Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, ngành Y tế Nghệ An đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc nào?

Dược sĩ Trần Minh Tuệ: Hiện nay, vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chuyển đổi số của ngành Y tế, đó là: Cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin y tế nói chung và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nói riêng chưa có (chưa có mục chi cho công nghệ thông tin, giá thành dịch vụ y tế chưa có thành phần công nghệ thông tin), các bệnh viện chủ yếu sử dụng quỹ đầu tư phát triển của đơn vị để ứng dụng công nghệ thông tin, ảnh hưởng đến các hoạt động khác của bệnh viện. Vậy nên, việc đầu tư, nâng cấp đầu đọc thẻ, máy in mã vạch, máy trạm, máy chủ, hệ thống hạ tầng đủ băng thông cho truyền tải dữ liệu gặp rất nhiều khó khăn.

Dược sĩ Trần Minh Tuệ trao đổi về hoạt động chuyển đổi số của ngành y tế Nghệ An hiện nay. Ảnh Thành Chung (1).jpg
Dược sĩ Trần Minh Tuệ trao đổi về những khó khăn trong chuyển đổi số của ngành Y tế Nghệ An hiện nay. Ảnh: Thành Chung

Trong quá trình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám, chữa bệnh các đơn vị đang còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc xây dựng các hồ sơ về dự án, đề cương, kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Các cấp, ngành chưa ban hành được giá thuê, giá mua các loại phần mềm để các cơ sở khám, chữa bệnh có căn cứ thực hiện.

Việc khám, chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân gặp hạn chế do một số thẻ căn cước công dân của người dân chưa được tích hợp thông tin trong thẻ (khoảng 2,8%). QR code của một số căn cước công dân bị mờ. Một số thẻ căn cước công dân tích hợp nhầm thông tin thẻ bảo hiểm y tế người này vào căn cước công dân của người khác. Dữ liệu dân số trên hệ thống được khởi tạo trên hệ thống phần mềm hồ sơ sức khỏe từ dữ liệu bảo hiểm năm 2020 tại các xã, huyện chênh lệch so với thực tế, chủ yếu sai lệch về thông tin hành chính; việc rà soát thủ công tại các cơ sở tuyến xã gặp nhiều khó khăn.

Nữ bác sĩ Trạm trưởng Trạm Y tế xã Châu Thuận luôn nêu cao tinh thần học tập để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn.JPG
Hệ thống hạ tầng mạng tại các đơn vị đã sử dụng lâu năm đang xuống cấp, không đồng bộ, nhất là tại các trạm y tế. Ảnh tư liệu: Đình Tuyên

Hệ thống hạ tầng mạng tại các đơn vị đã sử dụng lâu năm đang xuống cấp, không đồng bộ, nhất là tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Nhiều cơ sở khám, chữa bệnh chưa xây dựng các ứng dụng để chăm sóc khách hàng… Một số đơn vị chỉ có 1 cán bộ phụ trách công nghệ thông tin lại kiêm nhiệm nhiều công tác khác nhau, đặc biệt, một số trung tâm y tế tuyến huyện không có cán bộ công nghệ thông tin.

P.V: Ngành Y tế đã và đang đặt ra những mục tiêu chuyển đổi số nào trong thời gian tới và đâu là giải pháp để khắc phục khó khăn, vướng mắc, hiện thực hóa mục tiêu?

Dược sĩ Trần Minh Tuệ: Ngành đã đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, 100% hệ thống thông tin y tế được đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng khi đưa vào vận hành sử dụng, khai thác; duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với các thủ tục hành chính đủ điều kiện xây dựng thành dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan Nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; 100% các cơ sở y tế triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; đăng ký khám bệnh trực tuyến.

Ngành y tế Nghệ An được vinh danh tại Hội nghị Chuyển đổi số toàn quốc năm 2020.jpg
Ngành Y tế Nghệ An được vinh danh tại Hội nghị Chuyển đổi số y tế toàn quốc năm 2020. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Trên 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm trên nền tảng số; 100% các dịch bệnh truyền nhiễm và các ca bệnh truyền nhiễm được quản lý trên nền tảng số y tế; 100% các xã triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế; 100% Cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập hạng 1 triển khai bệnh án điện tử.

Ngành tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng có hiệu quả các công nghệ số: Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), kết nối vạn vật y tế (IoMT), chuỗi khối (Blockchain), … trong các hoạt động y tế; Tiến tới xây dựng trung tâm điều hành y tế thông minh.

Đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, xây dựng bệnh viện thông minh sẽ đem lại nhiêug tiện ích cho người bệnh. Ảnh Tư liệu (2).jpg
Thời gian tới, ngành Y tế Nghệ An sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, xây dựng bệnh viện thông minh để giúp người dân tiếp cận với dịch vụ y tế hiện đại. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Để thực hiện các mục tiêu này, ngành Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, học tập, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, từng đảng viên và toàn thể công chức, viên chức, người lao động về sự cần thiết của chuyển đổi số; thực hiện thể chế số y tế; tổ chức triển khai hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số y tế phù hợp điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương.

Ngành cũng đẩy mạnh triển khai thực hiện hạ tầng số, nền tảng số và dữ liệu số y tế, nhất là các nền tảng số y tế do Bộ Y tế chỉ đạo: Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; Nền tảng quản lý tiêm chủng; Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; Nền tảng quản lý trạm y tế xã… triển khai các giải pháp đồng bộ để bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Cùng với đó là tiếp tục triển khai Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số trong ngành Y tế. Thực hiện chuyển đổi hoạt động ngành Y tế trên môi trường mạng. Tập trung đào tạo nhân lực chuyển đổi số y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến y tế cơ sở nhằm nâng cao năng lực, từng bước làm chủ các công nghệ số về dữ liệu lớn, di động, trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Thành Chung (thực hiện)