Nghệ An nỗ lực tuyên truyền, vận động thu hồi súng tự chế

Tiến Hùng 21/10/2023 16:44

(Baonghean.vn) - Với đặc thù địa bàn biên giới rộng, trong khi đời sống và nhận thức về pháp luật của đồng bào còn hạn chế, nhiều nơi bà con vẫn còn thói quen sử dụng các loại súng tự chế, chất nổ để săn bắn, đánh bắt hải sản khiến công tác vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ gặp nhiều khó khăn.

Tích cực tuyên truyền

Ngày đầu tháng 10, được sự tuyên truyền, vận động của lực lượng Bộ đội Biên phòng, anh Nguyễn Văn Công (xóm 10, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu) mang súng tự chế đến tận Đồn Biên phòng Diễn Thành để giao nộp.

Anh Công nói rằng, vì đam mê bắt chim nên anh đặt linh kiện trên mạng về rồi tự chế súng. Sau khi được Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương tuyên truyền, anh hiểu được tác hại, mức độ nguy hiểm của súng hơi tự chế nên đã quyết định giao nộp. Không những thế, anh Công còn tích cực vận động để bạn của anh cũng mang súng hơi tự chế giao nộp cơ quan chức năng.

Cũng như anh Công, từ việc chưa nhận thức rõ mối nguy hiểm cũng như vì thoả mãn đam mê săn bắt chim mà một số người dân vùng ven biển huyện Diễn Châu đã đặt mua linh kiện rồi tự lắp ráp súng tự chế. Từ thực tế trên, lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an cùng chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức rõ tầm nguy hiểm của các loại vũ khí này. Nhiều người đã tự nguyện mang vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ giao nộp cơ quan chức năng.

bna_Năm 2023, Đồn Biên phòng Diễn Thành phối hợp với công an huyện Diễn Châu, công an xã Diễn Hải tuyên truyền vận động thu hồi được hàng chục khẩu súng tự chế, pháo nổ và một số công cụ hỗ trợ khác..JPG
Năm 2023, Đồn Biên phòng Diễn Thành phối hợp với Công an huyện Diễn Châu, Công an xã Diễn Hải tuyên truyền, vận động thu hồi được hàng chục khẩu súng tự chế, pháo nổ và một số công cụ hỗ trợ khác. Ảnh: T.H

Ông Nguyễn Công - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Diễn Hải cho rằng, đặc thù các địa phương vùng biển có nhiều rừng phòng hộ nên chim, các động vật hoang dã khác về trú ngụ rất nhiều. Người dân từ xưa có thói quen thích săn bắn nên thường tự chế các vũ khí để sử dụng. Không chỉ sai phạm trong việc tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà những hành động săn bắt động vật hoang dã cũng bị cấm. Thời gian qua, nhờ sự tham mưu, phối hợp chặt chẽ của Bộ đội Biên phòng, Công an mà chiến dịch thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã đạt được những kết quả rất tích cực, góp phần giữ gìn ổn định an ninh địa phương.

Còn Trung tá Nguyễn Đình Hữu - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Diễn Thành cho biết, đơn vị quản lý địa bàn 8 xã biên giới biển, với đặc thù có rừng phi lao phòng hộ là nơi trú ngụ của nhiều loài chim, động vật hoang dã khác nên từ lâu người dân vẫn thường tự chế các loại súng để săn bắt. Để nâng cao nhận thức cho bà con, hạn chế tình trạng sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép, Đồn đã phối hợp với địa phương, các lực lượng chức năng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền.

Người dân đa phần không nhận thức được hoặc nhận thức rất mơ hồ về sự nguy hiểm của vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nên thường giấu để sử dụng. Mặt khác, mỗi khẩu súng hơi cũng có giá khá cao, từ 7-10 triệu đồng nên nhiều người thấy tiếc nếu giao nộp. Năm 2023, Đồn đã chủ trì, phối hợp với Công an huyện Diễn Châu, Công an các xã trên địa bàn vận động thu hồi được 29 súng tự chế, 2 kg pháo nổ và một số công cụ hỗ trợ.

trung tá Nguyễn Đình Hữu - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Diễn Thành

bna_Người dân mang súng tự chế đến giao nộp.JPG
Người dân mang súng tự chế đến giao nộp. Ảnh: T.H

Bằng việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phối hợp với Công an, chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng Nghệ An với vai trò xung kích đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Với vai trò chủ trì, nòng cốt, chuyên trách trong đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực biên giới, từ đầu năm đến nay, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã tổ chức gần 1.000 lượt tuyên truyền, vận động được hơn 11.000 hộ dân ký cam kết không tham gia tiếp tay, mua bán vận chuyển, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã chủ động các biện pháp đấu tranh, chủ trì và phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ 15 vụ với 16 đối tượng, thu giữ 460 kg pháo.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Nghệ An là tỉnh có tới 61 xã, phường biên giới, ven biển; trong đó có 22 xã biên giới đất liền thuộc vùng đặc biệt khó khăn, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Nhờ sự phối hợp tuyên truyền của cả hệ thống chính trị mà công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Việc thực hiện hiệu quả công tác thu hồi vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không chỉ ngăn chặn từ sớm các vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra mà còn góp phần quan trọng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn biên giới.

Để thực hiện tốt công tác thu hồi vũ khí, chất nổ, công cụ hỗ trợ, Bộ đội Biên phòng đã cùng với chính quyền địa phương, Công an cấp huyện, xã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động người dân không tham gia vận chuyển, mua bán, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép; thành lập các điểm truyên truyền, vận động và tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà người dân giao nộp, cũng như giúp người dân phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm liên quan.

Đại tá Dương Hồng Hải - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An

bna_Huyện Kỳ Sơn trong một lần tiêu hủy hàng nghìn súng tự chế. Ảnh_ CTV.jpg
Huyện Kỳ Sơn trong một lần tiêu hủy hàng nghìn súng tự chế. Ảnh: CTV

Trong công tác đấu tranh, bên cạnh việc tăng cường tuần tra, phát hiện các đối tượng vi phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng còn tích cực phối hợp với các lực lượng nước bạn Lào để kịp thời phát hiện ngăn chặn từ sớm, từ xa các hoạt động sản xuất, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo qua biên giới cũng như các loại tội phạm khác.

Liên quan vấn đề này, mới đây UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch về tuyên truyền, vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Hiện nay, Bộ Công an vẫn xác định Nghệ An là 1 trong 18 địa bàn trọng điểm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong năm 2023, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố,thị xã, tăng cường công tác quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; thực hiện nghiêm túc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các văn bản hướng dẫn thi hành; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và toàn dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Thu hồi triệt để vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ còn trôi nổi ngoài xã hội, không để tội phạm sử dụng gây án và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây ra, nhất là tai nạn bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.

UBND tỉnh cũng yêu cầu phê bình, xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người đứng đầu các đơn vị, địa phương và tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra vụ việc, đối tượng chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng./.

Tiến Hùng