Bí mật hệ thống đường hầm của Hamas ở Gaza

Hoàng Bách 20/10/2023 10:00

(Baonghean.vn) - Lực lượng Israel sẽ phải đối mặt với mạng lưới đường hầm như mê cung của Hamas dưới Dải Gaza nếu trong những ngày tới họ tiến hành một chiến dịch trên bộ theo kế hoạch, theo Axios.

Các đường hầm này, được Israel gọi là "Gaza Metro", rất quan trọng đối với Hamas từ cả góc độ tấn công lẫn phòng thủ. Các chiến binh của lực lượng này sử dụng chúng để buôn lậu và cất giữ vũ khí cũng như tránh bị phát hiện – khiến những khó khăn vốn dĩ đã không nhỏ lại càng tăng thêm khi giao tranh trong môi trường đô thị đông đúc.

Chiến dịch mà Israel đang dự định tiến hành cũng vấp phải thêm trở ngại khi một người phát ngôn của Hamas đã khẳng định, ít nhất một nhóm con tin mà họ bắt cóc trong vụ tấn công hôm 7/10 đang bị giam giữ trong các đường hầm.

Tuy chiến dịch trên bộ vẫn chưa bắt đầu, Israel đã huy động 300.000 quân dự bị và Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu cho biết, ông đã lường trước một "cuộc chiến kéo dài và khó khăn".

1697472939586.jpg
Một chiến binh Hamas trong đường hầm ở khu Shujaya của thành phố Gaza năm 2014. Ảnh: Getty

Tại sao Hamas sử dụng hệ thống đường hầm?

Hamas sử dụng các đường hầm để buôn lậu hàng hóa, cất giữ vũ khí, vật tư và huấn luyện các chiến binh trong doanh trại ngoài tầm quan sát của các cơ quan tình báo hiện đại của Israel và ngoài tầm với của lực lượng không quân nước này.

Hamas cũng sử dụng các cơ sở dưới lòng đất để lắp ráp và lưu trữ các bộ phận của kho tên lửa và bệ phóng quy mô của mình.

Trong trường hợp xảy ra một chiến dịch trên bộ, các đường hầm sẽ buộc binh sĩ Israel phải đối mặt với nguy cơ bị phục kích và sa bẫy ở những địa hình không quen thuộc.

Quymạng lưới đường hầm

Trên mặt đất, Gaza là một trong những nơi đông dân nhất trên trái đất, với 2 triệu người sinh sống chỉ trong khu vực có diện tích gần 363 km2.

Ai Cập và Israel đã áp đặt lệnh phong tỏa rộng rãi đối với vùng đất này sau khi Hamas nắm quyền kiểm soát vào năm 2007, khiến mạng lưới các tuyến vận tải và buôn lậu ngầm trở nên quan trọng hơn.

Hiện chưa biết chính xác hệ thống đường hầm trên đồ sộ đến mức nào, nhưng các chuyên gia cho biết chúng đã phát triển về quy mô và độ phức tạp trong hai thập kỷ qua, một số hiện đã được trang bị điện năng, chiếu sáng và các đường ray.

Chúng có thể trải dài khắp các khu vực rộng lớn của Dải Gaza, đạt tới độ sâu hơn 30 mét tính từ mặt đất ở một số nơi và kết thúc ở hàng chục điểm tiếp cận bí mật. Lãnh đạo Hamas ở Gaza, Yahya Sinwar, tuyên bố vào năm 2021 rằng nhóm chiến binh này có gần 500 km đường hầm ở Gaza.

Trong quá khứ, nhóm chiến binh này còn đào đường hầm xuyên biên giới Israel-Gaza để tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Israel, chẳng hạn như trong cuộc chiến năm 2014.

1697501333244.jpg
Binh sĩ Israel di chuyển trên xe tăng và xe bọc thép gần biên giới Gaza đầu tuần này. Ảnh: Getty

Chiến lược phá đường hầm của Israel

Cũng như việc các đường hầm ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp hơn, chiến lược ngăn chặn chúng của Israel cũng vậy.

Ngoài việc tiến hành nhiều chiến dịch trên bộ và trên không nhằm đánh sập các đường hầm hoặc phong tỏa các điểm tiếp cận trong nhiều năm, Israel còn xây dựng một barrier chống đường hầm được trang bị cảm biến bên dưới hàng rào trải dài toàn bộ biên giới với Gaza.

Theo RAND Corporation, trong cuộc chiến năm 2014, Israel đã tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào Gaza nhằm phá hủy nhiều phần của hệ thống đường hầm nhưng đã đối mặt với những thách thức trong việc phát hiện, chiến đấu và phá hủy chúng.

Rút ra bài học từ cuộc chiến đó và chiến dịch chống Hezbollah năm 2018, Israel đã tăng cường huấn luyện chiến tranh đường hầm cho binh lính của mình. Nước này cũng phát triển các công nghệ mới để phát hiện và đánh sập các đường hầm cũng như các nền tảng robot để lập bản đồ và chiến đấu trong môi trường dưới lòng đất.

Những nỗ lực của Israel nhằm phá bỏ các đường hầm từ trên không, bao gồm cả việc sử dụng bom "phá hầm", thường dẫn đến thương vong cho dân thường vì các đường hầm nằm gần các khu vực đông dân cư.

Nguồn gốc của hệ thống đường hầm

Đường hầm đã được sử dụng ở Gaza ít nhất là từ đầu những năm 1980, sau khi thành phố Rafah bị chia cắt bởi đường biên giới mới được công nhận trong hiệp ước hòa bình năm 1979 giữa Ai Cập và Israel.

Chỉ có một cửa khẩu dọc biên giới mới được gia cố, các gia đình ở Rafah chịu cảnh ly tán và nền kinh tế của thành phố bị đứt gãy nghiêm trọng, do đó buộc phải xây dựng các đường hầm dưới lòng đất để các thành viên trong gia đình có thể liên lạc và những tay buôn lậu có thể vận chuyển hàng hóa.

Việc nhóm phiến quân sử dụng đường hầm bị phát hiện trong phong trào Intifada đầu tiên của người Palestine, khởi phát vào năm 1987.

Hoàng Bách