Đổi thay của bà con Ơ Đu - cộng đồng dân tộc ít người nhất Việt Nam

Khánh Ly 22/10/2023 15:27

(Baonghean.vn) - Ngược miền Tây xứ Nghệ, trong tiết trời Thu dịu nhẹ, chúng tôi ghé thăm bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương - nơi duy nhất của cả nước có đồng bào Ơ Đu sinh sống; được thấy, được nghe về những điều mới mẻ trong nếp nghĩ, cách làm của cộng đồng dân tộc ít người nhất Việt Nam.

Giữ gìn bản sắc văn hóa

Ấn tượng đầu tiên khi đến bản Văng Môn bây giờ là sự bình yên với những con đường bê thông thoáng sạch, những nếp nhà nép mình dưới tán cây cối xanh tươi. Theo chân chị Lương Thị Ngọc - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nga My, chúng tôi ghé thăm nhà bà Vi Thị Dung (SN 1947), đảng viên 56 năm tuổi Đảng.

Cụ Vi Thị Dung- Đảng viên gương mẫu của chi bộ bản Văng Môn xã Nga My, Tương Dương trăn trở với việc bảo tồn nghề truyền thống.Anh Thanh nga.jpeg
Bà Vi Thị Dung - đảng viên gương mẫu của Chi bộ bản Văng Môn, xã Nga My (Tương Dương) trăn trở với việc bảo tồn nghề truyền thống. Ảnh: Thanh Nga

Thấy có khách ghé thăm, người phụ nữ có nước da hồng hào, đôi mắt tinh anh đang miệt mài dệt vải ở khung cửi nâu bóng đặt ngay trước thềm nhà vội dừng tay, nở nụ cười hồn hậu: “Tôi chỉ lo con cháu không nhận thức được giá trị, tầm quan trọng của bản sắc văn hóa dân tộc, không còn biết phong tục, tập quán của người Ơ Đu mình nữa. Bởi vậy, nhân lúc còn khỏe, tranh thủ dệt vải, thêu váy, vừa hỗ trợ thu nhập cho các con, vừa góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của người Ơ Đu”.

Được biết, trung bình 1 tuần bà Dung làm được 1 bộ váy áo của người Ơ Đu gồm (áo, chân váy và thắt lưng), tùy theo chất liệu vải sẽ được bán với giá từ 1 trăm ngàn đến 1 triệu đồng. Theo chia sẻ của bà thì: “Váy của người Ơ Đu hoa văn đơn giản không cầu kỳ như váy người Thái, thường chỉ là các hình khối chứ ít thêu hoa lá”.

Chị Lương Thị Ngọc- Chủ tịch hội LHPN xã Nga My, đảng viên được phân công về sinh hoạt tại chi bộ bản Nga My trao đổi với cụ Vi Thị Dung, đảng viên 56 tuổi đảng. Anh KL.jpg
Chị Lương Thị Ngọc - Chủ tịch Hội LHPN xã Nga My, đảng viên được phân công về sinh hoạt tại Chi bộ bản Nga My trao đổi với cụ Vi Thị Dung về giải pháp bảo tồn văn hóa cộng đồng người Ơ Đu. Ảnh: Khánh Ly

Hiện tại, ở bản Văng Môn ngoài bà Vi Thị Dung còn có một số người làm được váy của người Ơ Đu như chị Lo Thị Nga, chị Lương Thị Hồng… Lo lắng bản sắc dân tộc đang ngày càng mai một, bà Dung thường nhắc nhở Chi hội Phụ nữ bản phải truyền nghề cho thế hệ trẻ. Ngoài may váy của người Ơ Đu, phụ nữ bản Văng Môn còn thêu váy của người Thái theo đơn đặt hàng để nâng cao thu nhập.

Chị Ốc Thị Thi, hàng xóm của bà Dung cho hay: “Thêu váy cho người Thái nhanh hơn, thu nhập cao hơn, nhưng bà Dung thường nhắc nhở phụ nữ trong bản phải biết giữ gìn bản sắc dân tộc Ơ Đu, nên chúng tôi thường dạy bảo con cháu trong nhà phải mặc trang phục Ơ Đu trong các dịp lễ quan trọng và phải biết thêu váy trang phục dân tộc mình”.

z4802522869660_a4dfa30e4a328f18f4923160ac3c48b2.jpg
Ngoài thêu váy trang phục dân tộc mình, phụ nữ Ơ Đu ở bản Văng Môn còn thêu váy của dân tộc Thái để tăng thêm thu nhập. Ảnh: Khánh Ly

Trong câu chuyện chúng tôi được biết, bà Vi Thị Dung vốn có mẹ là người Ơ Đu, bố là người Thái, chồng bà là ông Lo Hồng Phong - nguyên là cán bộ lãnh đạo xã Kim Đa nên có tư tưởng tiến bộ, luôn tạo điều kiện cho vợ tham gia hoạt động xã hội. Vì thế, bà Dung được kết nạp Đảng khi tròn 20 tuổi, thời điểm đang là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Kim Hòa, xã Kim Đa.

Vào Đảng sớm, được giác ngộ về vai trò, trách nhiệm của người đảng viên, bà Dung không chỉ cố gắng làm tròn công việc ở thôn, bản mà còn trở thành hậu phương vững chắc cho chồng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xã hội.

“Ngày xưa dân tộc Ơ Đu còn gọi là Tay Hạt (trong tiếng Thái Hạt có nghĩa là rách rưới) cuộc sống du canh, du cư khổ cực. Nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm nên dân tộc Ơ Đu có tên gọi mới cho đến ngày nay (trong tiếng Thái thì Ơ Đu hay Ở Đu, Ỉ Đu là yêu thương, xót thương, tội nghiệp)”, bà Dung nhớ lại.

Trong sản xuất, sinh hoạt người Ơ Đu vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa của dân tộc mình. Ảnh tư liêu đinh tuân.jpg
Trong sản xuất, sinh hoạt, người Ơ Đu vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa của dân tộc mình. Ảnh tư liệu: Đình Tuân

Trước đây, người Ơ Ðu sinh sống dọc đôi bờ sông Nậm Nơn và Nậm Mộ, rải rác ở các bản Kim Hòa, Kim Tiến (xã Kim Đa), bản Tả Xiêng (xã Kim Tiến), bản Xiêng Hương (xã Xá Lượng), đến năm 2006, thực hiện chủ trương di dời dân phục vụ Dự án Thủy điện Bản Vẽ, người Ơ Ðu có cuộc di cư lịch sử, nhường quê cũ cho dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện để về sinh sống tập trung ở bản Văng Môn, xã Nga My. Bà cũng theo gia đình chồng về vùng đất mới, lúc bấy giờ ông Lo Hồng Phong chồng bà được tín nhiệm giao làm Bí thư Chi bộ bản mới Văng Môn.

Trưởng ban tổ chức huyện uỷ Tương Dương trao huy hiệu 55 năm tuổi đảng cho cụ Vi Thị Dung ở bản Văng Môn, xã Nga My, Tương Dương. Ảnh CSCC2.jpg
Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tương Dương Mạc Văn Nguyên trao Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng cho bà Vi Thị Dung ở bản Văng Môn, xã Nga My (Tương Dương). Ảnh: CSCC

Trải qua nhiều khó khăn, thăng trầm, cùng với sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp và sự tiên phong, gương mẫu của đảng viên, người dân Ơ Đu đã từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Bà Vi Thị Dung ở bản Văng Môn luôn có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa người Ơ Đu. Clip: Khánh Ly

Khi về nơi ở mới, người Ơ Đu ở bản Văng Môn cũng đặc biệt quan tâm đến việc giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Những người già trong bản thường cố gắng “gạn đục, khơi trong”, truyền dạy lại cho con cháu những phong tục, tập quán của dân tộc mình trong sinh hoạt hàng ngày, trong việc cưới, việc tang; phụ nữ dạy con cháu dệt vải, may trang phục Ơ Đu, đàn ông dạy con cháu lưu giữ và bảo tồn các loại nhạc cụ, đồ dùng, vật dụng truyền thống của dân tộc...

Những người phụ nữ Ơ Đu ở bản Văng Môn. anh tư liệu ĐInh Tuân.jpg
Những người phụ nữ Ơ Đu ở bản Văng Môn. Ảnh tư liệu: Đình Tuân

Tuy hiện nay, ở bản Văng Môn chỉ còn ít người biết nói thành thạo ngôn ngữ Ơ Đu, nhưng một số phong tục vẫn được duy trì, ví như lễ hội đón tiếng sấm đầu năm mới (người Ơ Đu thường tính thời gian trong năm bắt đầu từ ngày có tiếng sấm đầu tiên), được tổ chức vào khoảng tháng 2 đến tháng 3 âm lịch.

Theo ông Lo Văn Tình - Bí thư Chi bộ bản Văng Môn: “Trước đây, lễ đón tiếng sấm đầu năm chủ yếu do hộ gia đình tự tổ chức, còn bây giờ bản đứng ra tổ chức để bảo tồn bản sắc văn hóa của người Ơ Đu. Sau phần cúng bằng tiếng Ơ Đu do thầy mo Lo Văn Cường - người uy tín của bản đảm nhận, là đến phần hội giao lưu văn hóa, văn nghệ, thưởng thức ẩm thực.

Đồ cúng được các thành viên trong gia đình tự tay chuẩn bị một cách cẩn thận, chu đáo, thành tâm nhất. anh tu lieuThành Cường.jpg
Đồ cúng được các thành viên trong gia đình người Ơ Đu tự tay chuẩn bị một cách cẩn thận, chu đáo, thành tâm nhất. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Trong bài cúng đầu năm mới, người Ơ Đu thường cầu tổ tiên, trời đất, thần núi, thần rừng ban mưa thuận, gió hòa cho rẫy lúa, nương ngô được mùa, người người mạnh khỏe, con cháu đầy đàn. Mâm cúng năm mới của người Ơ Đu thường có những sản vật của núi rừng như thịt chuột, thịt sóc, cơm lam hoặc xôi với 3 màu đen, tím, trắng, rượu nếp cẩm, cá nướng… để dâng lên những đấng linh thiêng đã nuôi sống tổ tiên người Ơ Đu qua bao thế hệ. Trước đây, để có được những sản vật, đàn ông, đàn bà Ơ Đu phải tự mình vào rừng săn, bắt, chặt, hái để dâng lên tổ tiên, hiện nay, mâm cúng đã có nhiều đổi thay hơn, để phù hợp với cuộc sống mới.

bna__7_19311089_31122018.jpg
Những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Ơ Đu được gìn giữ và phát triển sẽ mang lại lợi thế cho người dân trong phát triển du lịch cộng đồng, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân. Ảnh: Đình Tuân

Theo chia sẻ của những người Ơ Đu cao tuổi ở bản Văng Môn: Những năm gần đây, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ban hành và qua triển khai thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có cộng đồng người Ơ Đu. Hiện người Ơ Đu ở bản Văng Môn được đầu tư khung cửi để phát triển nghề dệt may truyền thống; mở các khóa học tiếng Ơ Đu; xây dựng nhà văn hóa cộng đồng thoáng, đẹp cùng các thiết bị loa đài, hỗ trợ đội văn nghệ của bản hoạt động sôi nổi.

bản Văng Môn - xã Nga My - huyện Tương Dương, nơi có cộng đồng dân tộc Ơ đu sinh sống. Ảnh tư lieu thanh cuong.jpg
Bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, nơi có cộng đồng dân tộc Ơ Đu sinh sống. Ảnh: Thành Cường

Đổi thay nếp nghĩ, cách làm

Dẫn chúng tôi đi thăm một số mô hình kinh tế, Trưởng bản Lương Thị Lan - cô dâu người Thái lấy chồng về bản Văng Môn vui vẻ cho biết: Toàn bản hiện có 107 hộ, 455 khẩu, được sự ưu ái từ các chương trình, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân bản Văng Môn đã từng bước yên tâm lao động, sản xuất và chung tay xây dựng bản, làng ngày một đổi thay.

Phụ nữ Ơ Đu ở bản Văng Môn chăm sóc vườn rau xanh. Ảnh tư lieu dinb tuan.jpg
Phụ nữ Ơ Đu ở bản Văng Môn chăm sóc vườn rau xanh. Ảnh tư liệu: Đình Tuân

Ban đầu, khi về nơi ở mới, người Ơ Đu vẫn còn duy trì lối canh tác, sản xuất cũ, nhưng qua công tác tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu” và sự “cầm tay, chỉ việc” của ban, ngành, đoàn thể các cấp, bà con Ơ Đu đã có nhiều đổi thay trong nếp nghĩ, nếp làm.

Thay vì chăn thả rông gia súc trong rừng, người dân đã nuôi nhốt tập trung và tự trồng cỏ voi, cỏ sữa làm thức ăn cho gia súc. Một số hộ xây dựng được mô hình kinh tế cho thu nhập ổn định như: Hộ ông Lo Văn Tiến với quy mô 30 con trâu, bò, trồng rừng, trồng màu, trồng sắn, kết hợp mở xưởng cưa phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng; mô hình nuôi lợn đen của vợ chồng chị Lo Thị Nga (1 năm nuôi khoảng 50 con), 3 - 5 tháng xuất chuồng 1 lần, trừ chi phí cho thu nhập bình quân khoảng 60-70 triệu đồng/năm. “Ngoài chăn nuôi lợn, gia đình tôi còn trồng 1 ha keo, chăn nuôi trâu, bò, thời điểm nhiều nhất là 15 con” - chị Lo Thị Nga cho biết.

Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình chị Lo Thị Nga ở bản Văng Môn, xã Nga My, Tương Dương. Anh KL.jpeg
Mô hình chăn nuôi lợn cho thu nhập ổn định của gia đình chị Lo Thị Nga ở bản Văng Môn, xã Nga My (Tương Dương). Ảnh: Thanh Nga

Để động viên, khuyến khích bà con dần khắc phục tư duy trông chờ, ỷ lại, nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo, nhiều đảng viên và cán bộ thôn, bản đã gương mẫu đi đầu trong sản xuất, chăn nuôi. Như gia đình đảng viên Lo Văn Tuấn - cán bộ y tế bản với mô hình trồng trọt, chăn nuôi (lợn, bò, dê); gia đình Trưởng bản Lương Thị Lan, chồng là Trưởng trạm Y tế xã, vẫn nuôi 8 con trâu, trồng 1 ha keo, trồng vườn cây ăn quả để nâng cao thu nhập. Theo chia sẻ của Trưởng bản Lương Thị Lan, để hỗ trợ người dân Ơ Đu trong phát triển chăn nuôi, năm 2022, Hội Nông dân xã Nga My đã ra mắt Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò sinh sản bản Văng Môn với 10 thành viên.

Trưởng bản Văng Môn Lương Thị Nga hỏi thăm tình hình chăn nuôi gia súc của người dân. Ảnh KL.jpg
Trưởng bản Văng Môn Lương Thị Nga hỏi thăm tình hình chăn nuôi gia súc của người dân. Ảnh: Khánh Ly

Mục đích của việc thành lập tổ hội này là nhằm làm thay đổi tư duy trong chăn nuôi, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập; tạo điều kiện kết nối hội viên để hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong hoạt động sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Được biết, đây là Tổ hội nghề nghiệp nuôi bò sinh sản đầu tiên trên địa bàn xã Nga My. Cùng đó, Đảng bộ xã Nga My phân công đảng viên là cán bộ nông nghiệp của xã về sinh hoạt Đảng tại Chi bộ bản Văng Môn để hỗ trợ chi bộ lãnh đạo thôn, bản thúc đẩy phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ủy xã Nga My cũng quan tâm đến công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là chi bộ Đảng - hạt nhân lãnh đạo người Ơ Đu ở bản Văng Môn.

Người Ơ Đu hiện nay đã quen với việc chăn nuôi đại gia súc.anh tu lieu dinh tuan.jpg
Người Ơ Đu hiện nay đã quen với việc chăn nuôi đại gia súc. Ảnh tư liệu: Đình Tuân

Theo chị Lương Thị Ngọc - Chủ tịch Hội LHPN xã Nga My, được Ban Chấp hành Đảng bộ xã phân công sinh hoạt tại Chi bộ bản Văng Môn, cho biết: Chi bộ có 22 đảng viên, trong đó, có 2 cán bộ, công chức xã về tham gia sinh hoạt. Không chỉ gương mẫu trong giữ gìn các giá trị văn hóa tinh thần, mà các đảng viên trong chi bộ còn chăm lo phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái học hành thành đạt, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.

Điển hình như đảng viên Lo Văn Cường (SN 1964), là người uy tín của bản. Mỗi khi trong bản có việc cưới, việc tang hay công việc liên quan đến tập quán của người Ơ Đu, ông Cường đều là người trực tiếp hướng dẫn, chỉ bảo để con cháu thực hiện đúng theo phong tục. Ông cũng tích cực vận động nhân dân trong bản chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cố gắng vươn lên thoát nghèo bền vững. Gia đình ông Cường cũng là gia đình Ơ Đu hiếu học, cả hai người con đều có công việc ổn định (con gái lớn Lo Thị Đan, SN 1990, hiện là Phó trạm Trưởng Trạm Y tế xã Nga My, con trai thứ Lo Văn Hằng, SN 1993, hiện là Công an viên xã Tam Thái).

img_1032_12057507_31122018.jpg
Các em học sinh Ơ Đu ở bản Văng Môn. Ảnh tư liệu: Đình Tuân

Hay gia đình Bí thư Chi bộ Lo Văn Tình (62 tuổi), có con trai tốt nghiệp Đại học Y Hải Phòng hiện làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yên Tĩnh; con dâu đang công tác ở Trung tâm Y tế huyện Tương Dương, cả hai đều là đảng viên. Bản thân vợ chồng ông Tình tuy đã cao tuổi nhưng vẫn chăn nuôi 7 con trâu, bò, nuôi lợn, gà và mở gian hàng tạp hóa nhỏ để ổn định kinh tế. Nhìn chung, từ khi chuyển về tái định cư ở bản Văng Môn, người dân Ơ Đu đã quan tâm hơn đến việc học hành của con trẻ. Hiện tỷ lệ đến trường của trẻ em người Ơ Đu đã đạt 100%.

Theo lãnh đạo địa phương, tại bản Văng Môn đã có nhiều người Ơ Đu tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp, có 13 người đã được bố trí công việc ổn định tại cơ quan Nhà nước như bác sĩ, công an, cán bộ xã…

Cán bộ xã Nga My thăm hỏi cuộc sống của người dân bản Văng Môn. Anh KL.jpg
Cán bộ xã Nga My thăm hỏi cuộc sống của người dân bản Văng Môn. Ảnh: Khánh Ly

Trong câu chuyện xen hồi ức quá khứ và hiện tại, Bí thư Chi bộ (cũng từng là Trưởng bản Văng Môn) Lo Văn Tình bày tỏ: Còn nhiều khó khăn, vất vả lắm; toàn bản hiện vẫn có 56 hộ nghèo, không có ruộng nên con em đi làm ăn xa nhiều.

Tuy vậy, so với trước đây, cuộc sống của người Ơ Đu đã thay đổi nhiều. Hy vọng rằng, với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự cố gắng vươn lên của mỗi người dân... cộng đồng người Ơ Đu ở bản Văng Môn sẽ ngày càng phát triển, góp phần vào sự đa dạng, đậm đà bản sắc của văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Khánh Ly