Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi: Người lao động được hưởng nhiều chính sách có lợi
Người lao động chỉ được nhận tối đa 50% mức hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội một lần, giúp có một khoản tiền nhất định để giải quyết khó khăn.
Giải quyết nhu cầu trước mắt
Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội vừa có tờ trình gửi Quốc hội về Dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Dự luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp tới đây.
Trong tờ trình, Chính phủ tiếp tục trình 2 phương án liên quan đến bảo hiểm xã hội một lần tại Điểm đ, Khoản 1 Điều 70.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thống kê giai đoạn 2016 - 2021, có 4,06 triệu người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, trong khi đó có 4,2 triệu người tham gia mới bảo hiểm xã hội.
Như vậy, về mặt số học, tỷ lệ 1,048 người tham gia mới thì có 1 người rời khỏi hệ thống. Bình quân mỗi năm gần 700.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần với số lượng năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình khoảng 11,6%.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, điều này đang đặt ra thách thức đối với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến độ bao phủ đối tượng hưởng lương hưu tăng chậm.
Trong tổng số những người giải quyết bảo hiểm xã hội một lần có gần 10% là những người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 10 năm trở lên.
Vì vậy, trong Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội nêu ra hai phương án khi rút bảo hiểm xã hội một lần.
Bên cạnh phương án giữ nguyên quy định như hiện nay, phương án được dư luận quan tâm là chỉ được rút tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ.
Bên cạnh đó, thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Theo ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi đề xuất chỉ cho rút bảo hiểm xã hội một lần tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Điều kiện rút là người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm và sau 12 tháng không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tự nguyện.
Ví dụ, người lao động đóng bảo hiểm xã hội 10 năm, nếu rút một lần sẽ tính số tiền và thời gian đóng tối đa 5 năm. Số còn lại sẽ bảo lưu đến khi nghỉ hưu hoặc cộng dồn nếu sau đó họ tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội.
Ông Cường cho biết, phương án chỉ cho rút tối đa 50% này giúp người lao động có một số tiền nhất định để giải quyết khó khăn trước mắt và vẫn có điều kiện tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội về sau để có lương hưu.
Như vậy, với những quy định mới trong Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi), người lao động có 4 lựa chọn khi bảo lưu 50% thời gian đóng.
Cụ thể: Nếu tiếp tục đi làm và tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được cộng dồn đến khi đủ 20 năm đóng để hưởng lương hưu; trường hợp lao động đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội có thể chọn đóng 1 lần cho thời gian thiếu để nhận lương hưu; chọn nhận trợ cấp hưu trí hàng tháng; tiếp tục rút bảo hiểm xã hội 1 lần khi đến tuổi về hưu.
Nhiều lựa chọn quyền lợi cho người lao động
Theo các chuyên gia về lao động việc làm, Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội cũng đưa ra nhiều sự lựa chọn, quyền lợi cho người lao động khi tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội như: Tham gia tiếp để nhận lương hưu hoặc nhận trợ cấp hưu trí hằng tháng sớm hơn thay vì chờ đến 80 tuổi.
Điểm đáng lưu ý tại dự thảo luật là quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng từ quỹ bảo hiểm xã hội cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Điều này tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng của bảo hiểm xã hội của họ. Trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế.
Phương án 2 về điều kiện rút bảo hiểm xã hội một lần thực chất là thêm điều kiện để hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội, tăng số người hưởng lương hưu và ngân sách sẽ giảm hỗ trợ qua trợ cấp xã hội hàng tháng với nhóm đối tượng người cao tuổi không có lương hưu.
Theo ông Trần Thanh Nhân - Giám đốc Công ty Trateco, để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, Luật bảo hiểm xã hội cần đứng về phía người lao động.
Hiện, Luật bảo hiểm xã hội quy định độ tuổi được nghỉ hưu mà không bị trừ % lương hưu là quá cao so với sức khỏe người Việt, không chỉ nhóm lao động trí óc, đặc biệt là lao động chân tay.
“Trong cơ chế thị trường, doanh nghiệp không muốn sử dụng lao động ở vùng tuổi 55 - 62 vì lương cao, năng suất thấp, chậm, trì trệ nên nguy cơ mất việc, thải loại nhiều.
Khi đó không biết xin việc gì vì điều kiện tuổi tác. Đã thế, nghỉ hưu sớm thì bị trừ 2%/năm. Vậy thì ai muốn tham gia vì biết kết quả cuối không sáng sủa. Vậy nên giảm tuổi hưu từ 62/60 về như cũ”, ông Nhân nêu quan điểm.
Ông Nhân cho biết thêm, Luật bảo hiểm xã hội liên quan đến an sinh xã hội, trong đó quan trọng nhất là chế độ hưu trí, do vậy cần xem xét thấu đáo khi sửa đổi luật này.
Ông Nhân nêu thực tế: “Quy định giảm 2% đối với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi là không hợp lý, cần phải quy định có lợi hơn cho người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội sớm”./.