Trường nội trú thành lập 10 năm, nhưng thầy trò vẫn đi ở nhờ, học nhờ?

Tiến Hùng - Mỹ Hà 23/10/2023 15:54

(Baonghean.vn) - Được thành lập từ năm 2013, nhưng đến nay, Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Con Cuông vẫn chưa được xây dựng. Vì vậy, suốt 10 năm qua, thầy và trò nhà trường phải tá túc ở nhiều đơn vị. 

Những ngày này, Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Con Cuông đang rốt ráo chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 10 năm thành lập, dự kiến diễn ra vào tháng 11. Tuy nhiên, cho đến nay, ngôi trường này vẫn chưa được xây dựng. Sau 10 năm, học trò ở đây vẫn phải học ở một cơ sở đi mượn tạm, sau giờ học thì lại về ở nội trú tại một cơ sở khác, cách đó gần 1 km.

“Do trường đi mượn, ký túc xá cũng đi mượn nên ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học, thật sự rất khó khăn. Năm nào cũng vậy, cứ đầu năm học trường lại phát văn bản đi mượn cơ sở, chúng tôi cũng đã rất nhiều lần đề xuất lên huyện đẩy nhanh tiến độ xây trường”, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông cho hay.

bna_a1 (2).jpg
380 học sinh đang phải học nhờ ở trường trung cấp nghề. Ảnh: Hà Hùng

Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Con Cuông được thành lập ngày 26/8/2013, dành cho những em học sinh dân tộc thiểu số nổi trội trên địa bàn huyện. Ngay sau khi thành lập, do nhà trường chưa được đầu tư xây dựng về cơ sở vật chất, nên phải mượn cơ sở cũ của Trường THCS Bồng Khê tại thôn Thanh Nam, do trường này sáp nhập vào Trường THCS thị trấn Con Cuông.

Do chưa có trường mới, những ngày đầu thành lập, nhà trường đã vận động phụ huynh đóng góp công sức, vật liệu để làm nhà ở bằng tranh, tre, nứa, lá; đào giếng nước, đồng thời, mượn không gian sân của Nhà Văn hóa thôn Thanh Nam để làm nơi tổ chức học tập, rèn luyện thể dục cho học sinh. Tận dụng tối đa các không gian phía sau các dãy nhà học hiện có của Trường THCS Bồng Khê, các không gian, khoảng trống trong khuôn viên nhà trường để cơi nới thêm mái nhà, thưng tôn xung quanh và lợp trên mái nhà để làm chỗ ở và chỗ ăn tập thể cho học sinh. Khắc phục, sửa chữa, làm các phòng chức năng tạm thời để có nơi làm việc và học tập cho cán bộ, giáo viên, học sinh. Vận động tài trợ giáo dục trong phụ huynh để đầu tư, mua sắm các trang thiết bị, các vật dụng cần thiết để phục vụ cho các hoạt động dạy học, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh.

bna_a2.jpg
Nhà ăn của các em học sinh. Đây cũng là bàn học của các em vào buổi tối. Ảnh: Hà Hùng

Tuy nhiên, đến tháng 8/2018, do ảnh hưởng bão lụt nặng nề, ngôi trường đi mượn này ngập lụt nặng, bị cuốn trôi, hư hỏng tài sản và không đảm bảo an toàn cho học sinh. Huyện Con Cuông đã phải di dời trường khẩn cấp về 2 địa điểm: Việc dạy và học được Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú Nghệ An cho mượn 1 dãy nhà 2 tầng, gồm 12 phòng học; ký túc xá cho học sinh thì mượn của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện.

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2016, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Con Cuông. Dự án có tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng, với đầy đủ các hạng mục, như dãy nhà học, nhà ở nội trú, nhà ăn, nhà thi đấu, nhà hiệu bộ… Địa điểm xây dựng ở thôn Trà Bồng, xã Bồng Khê. Dự án được giao cho Ban Quản lý dự án huyện Con Cuông thực hiện, với thời gian là 3 năm kể từ ngày khởi công. Thế nhưng, cho đến nay, khu vực này vẫn chỉ là một bãi đất trống. Đến nay, việc dạy và học được mượn tại Trường Trung cấp dân tộc nội trú Nghệ An, trực thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.

bna_a5.jpg
380 em đang ở tại 10 phòng ký túc xá mượn của Trung tâm giáo dục thường xuyên. Ảnh: Hà Hùng
bna_a3.jpg
Do dãy nhà này xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Hà Hùng

Tuy nhiên, do trường trung cấp này cũng có rất đông học viên, lại còn phải dành 1 dãy nhà 2 tầng để cho mượn nên dẫn tới việc chật chội, quá tải. Cơ sở lớp học đi mượn, nên chỉ đủ cho 12 lớp. Toàn bộ Ban Giám hiệu và kế toán 4 người phải làm việc trong 1 phòng chỉ rộng chưa đến 15m2. Ở đây, cũng chẳng có phòng thí nghiệm, phòng thực hành. Còn mỗi lần đến tiết học Tin học, Ngoại ngữ, thầy và trò lại phải sang Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Không chỉ phòng học, khuôn viên dành cho giờ ra chơi hay tiết sinh hoạt ngoài trời, chào cờ cũng rất chật chội.

Mỗi lần như thế, các em phải xếp hàng xen lẫn giữa những bồn cây. Còn xe đạp của học sinh, xe máy của các giáo viên do không có nhà xe nên phải dựng giữa mưa, nắng. Sau mỗi buổi học, các em về nghỉ ngơi tại ký túc xá mượn của Trung tâm Giáo dục thường xuyên cách đó gần 1 km, không gian sinh hoạt dành cho các em chỉ có thể giới hạn trong diện tích hẹp. Trong khi đó, vì là nội trú nên mỗi tháng ngoại trừ 2 ngày được nghỉ về nhà, thời gian còn lại các em đều phải ở lại ký túc xá mượn này, không được phép ra ngoài.

Do dãy nhà dùng làm ký túc xá tạm đã được xây dựng từ hàng chục năm trước, nên hiện tại đã xuống cấp rất trầm trọng. Từng mảng tường nham nhở, thi thoảng lại rơi xuống. Bên trong, khoảng 40 học sinh được bố trí ở trong 1 phòng chật chội. Phần lớn diện tích trong phòng dùng để kê giường 2 tầng, chỉ còn sót lại khoảng trống nhỏ để đi lại. Các em học sinh ở đây có rất ít không gian để có thể làm nơi chứa đồ cá nhân. Sách, vở đành phải gác trên các ô thông gió.

“Do dãy nhà đã xuống cấp, phía trên lợp mái tôn nên mùa Hè rất nóng. Ở đây, sợ các em ốm nên có quy định không được tắm buổi trưa. Nhưng vì nóng quá, nhiều lúc thấy các em thấm đẫm mồ hôi đến xin các cô ra tắm, chúng tôi cũng mủi lòng”, một giáo vụ làm việc tại ký túc xá nói. Nhà ăn của học sinh được tận dụng không gian phía trước mái hiên. Đây cũng là nơi để các em học bài vào buổi tối.

bna_a4.jpg
Cảnh chật chội trong phòng ký túc xá. Ảnh: Hà Hùng

Thầy Lô Văn Thiệp – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Con Cuông cho biết, hiện tại nhà trường có 380 học sinh, tất cả phải chen chúc trong 10 phòng nội trú. Do thiếu phòng, nên nhiều năm nay nhà trường không dám tuyển đủ chỉ tiêu. Chính vì thế, mong muốn của thầy và trò ở đây là có một ngôi trường đúng nghĩa.

“Dù đã thành lập 10 năm nhưng chưa có trường học, ký túc xá đi mượn nhưng chưa đảm bảo. Điều kiện sinh hoạt, học tập, giảng dạy; công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và các hoạt động giáo dục khác của nhà trường còn gặp muôn vàn khó khăn, trở ngại. Các điều kiện về cơ sở vật chất, khuôn viên, sân chơi, bãi tập của học sinh chưa đảm bảo.

Thầy Lô Văn Thiệp – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Con Cuông

Tiến Hùng - Mỹ Hà