Còn nhiều khó khăn trong cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững

Văn Trường 24/10/2023 20:00

(Baonghean.vn) -Việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) mang lại nhiều lợi ích cho người dân, giá trị gỗ được tăng thêm, nâng cao được thu nhập trên đơn vị diện tích. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, tiến độ cấp chứng chỉ rừng chậm, chưa xứng với tiềm năng.

bna_van truong n4.jpeg
Kiểm tra công tác ban đầu để cấp chứng chỉ rừng FSC ở huyện Thanh Chương. Ảnh: Văn Trường

Nỗ lực cấp chứng chỉ rừng FSC

Huyện Thanh Chương là một trong những địa phương triển khai chương trình cấp chứng chỉ FSC khá sớm, bước đầu đã đạt được những kết quả tốt.

Ông Nguyễn Trọng Đại ở xóm 5, xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương chia sẻ: Gia đình tôi có 7,4 ha keo, từ tháng 5/2023 được cấp chứng chỉ rừng bền vững. Nhờ được tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ thuật, giờ đây, chúng tôi đã biết cách chăm sóc keo theo đúng quy trình, đo đếm, đánh giá trữ lượng gỗ.

Diện tích có chứng chỉ sẽ được doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm nên gia đình cũng yên tâm, chăm sóc keo đến chu kỳ 7 năm mới bán, năng suất dự kiến khoảng 170 - 190 tấn/ha. Trước đây, theo phương pháp cũ, trồng keo 4 năm chặt bán 1 lần, năng suất chỉ khoảng 70-80 tấn/ha.

bna_van truong bnn3.jpeg
Tập huấn cấp chứng chỉ rừng FSC ở huyện Thanh Chương. Ảnh: Văn Trường

Ông Đặng Hữu Hạnh - Chủ tịch UBND xã Hạnh Lâm cho biết: Từ đầu năm 2022, bà con trồng rừng xã Hạnh Lâm đã được các ban ngành liên quan, hướng dẫn, hỗ trợ các hồ sơ, thủ tục để được cấp chứng chỉ rừng bền vững.

Đến tháng 5/2023 xã Hạnh Lâm đã có 3.800/4.000 ha được cấp chứng chỉ rừng bền vững. Trước đó, các ngành liên quan đã thẳng thắn chỉ ra những lỗi lớn, lỗi nhỏ của hộ dân, các hộ trồng rừng phải nghiêm túc thực hiện các yêu cầu để đạt được cấp chứng chỉ FSC.

Diện tích rừng được cấp FSC phải đạt các tiêu chí sau: Phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cây con gieo bằng hạt hoặc giâm cành bằng hom; không được sử dụng các loại chất hóa học và phân bón đã bị FSC cấm; tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất từ việc trồng, chăm sóc, đến thu hoạch. Thêm vào đó, không được vứt các loại rác thải ra rừng, không được đốt thảm thực vật sau thu hoạch.

Ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương cho biết thêm: Từ năm 2021, huyện đã phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện. Đến thời điểm này đã cấp chứng chỉ FSC được trên 6.200 ha, ở các xã Thanh Hương, xã Thanh Thuỷ và BQL rừng phòng hộ Thanh Chương.

Các đơn vị liên quan đã tổ chức tập huấn hỗ trợ bà con nâng cao năng lực về quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC; Rà soát, hoàn thiện hồ sơ đánh giá cấp chứng chỉ FSC. Công ty CP Sản xuất và thương mại gỗ Thanh Chương cũng hỗ trợ người trồng rừng 500.000 đồng/ha chi phí để được cấp chứng chỉ.

bna_van truong 33.jpeg
Sản phẩm viên nén đạt tiêu chuẩn xuất khẩu các nước của Công ty CP sản xuất và thương mại gỗ Thanh Chương. Ảnh: Văn Trường

Tất cả diện tích được cấp chứng chỉ FSC địa bàn huyện đều được Công ty CP Sản xuất và thương mại gỗ Thanh Chương bao tiêu sản phẩm, nên người trồng rừng không phải lo tư thương ép giá. Đơn vị này còn thu mua cả cây, bao gồm thân cây và ngọn không cần bóc vỏ nên có lợi cho người trồng keo, giá trị kinh tế sẽ tăng hơn so với bán tự do ở ngoài từ 7-10%.

Quế Phong là huyện có nhiều diện tích lùng tự nhiên (khoảng trên 17.000 ha rừng có lùng phát triển và sinh trưởng) tập trung chủ yếu ở các xã Đồng Văn, Thông Thụ. Thời gian qua, chính quyền địa phương cùng các cơ quan liên quan đã nỗ lực phối hợp với tổ chức quốc tế cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho 837,2 ha lùng trên địa bàn. Theo đó, diện tích lùng được cấp chứng chỉ rừng bền vững, được khai thác bền vững, bảo tồn và chăm sóc.

Việc được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho 837 ha lùng rất có ý nghĩa trong việc phát triển thị trường nguyên liệu hợp pháp, sản phẩm từ lùng sẽ được tiếp cận vào thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị kinh tế.

lùng...jpeg
Quế Phong được coi là thủ phủ của cây lùng. Ảnh tư liệu: Phương Cường

Hiện huyện Quế Phong đang tiếp tục phối hợp với các ban, ngành để tiến tới được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho diện tích lùng còn lại nhằm phát triển cây lùng theo hướng đạt chất lượng xuất khẩu.

Còn nhiều khó khăn

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh Nghệ An đã có 26.184 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC trên tổng số 170.000 ha rừng nguyên liệu. Cụ thể: Xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững 2.886 ha rừng keo, huyện Thanh Chương 6.200 ha rừng keo, doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên (thị xã Hoàng Mai) 820 ha, huyện Yên Thành 1.980 ha, huyện Anh Sơn 2.823…

Diện tích rừng được cấp Chứng chỉ FSC đều có các doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm. Đơn cử như Công ty CP sản xuất và thương mại gỗ Thanh Chương liên kết bao tiêu sản phẩm gỗ keo cho với các xã Thanh Sơn, Ngọc Lâm, Thanh Hương, Thanh Thịnh và Thanh An, huyện Thanh Chương; Công ty An Việt Phát bao tiêu sản phẩm cho các xã Đồng Thành,Thịnh Thành, huyện Yên Thành; Công ty Lâm sản Khánh Tâm ký biên bản cam kết thu mua nguyên liệu lùng huyện Quế Phong…

bna_van truong n3.jpeg
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân huyện Tân Kỳ trồng rừng đạt tiêu chuẩn FSC. Ảnh: Văn Trường

Ông Nguyễn Khắc Hải - Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm) cho biết: Việc được cấp chứng chỉ rừng bền vững sẽ có lợi ích là người dân thu hoạch rừng gỗ lớn, tăng giá trị kinh tế, đặc biệt là được các doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định.

Tuy nhiên, việc cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh còn thấp so với tổng diện tích rừng hiện có. Nguyên nhân là Nghệ An có nhiều đồi núi, độ dốc cao, mưa nhiều gây ra tình trạng xói lở tại các khu vực rừng trồng, tập quán canh tác trồng rừng nhỏ lẻ, manh mún.

Chưa kể thời gian trồng rừng gỗ lớn dài cộng thêm áp lực về nhu cầu kinh tế, rủi ro về thiên tai, thị trường; ở vùng miền núi, đời sống khó khăn, thiếu vốn nên nhiều hộ gia đình chưa mạnh dạn trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Các đối tượng tham gia vào trồng rừng chưa nhận thức hoặc chưa thấy rõ lợi ích từ chứng chỉ rừng, còn lo ngại về đầu ra của gỗ có chứng chỉ.

bna_van truong mn.jpeg
Vườn ươm keo ở Tân Kỳ sẵn sàng nguồn giống để trồng rừng. Ảnh: Văn Trường

Cùng với đó, công nghiệp chế biến lâm sản phát triển chưa đồng bộ, liên kết chuỗi trong sản xuất từ khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đến khai thác, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chưa bền vững.

Để đạt được chứng chỉ FSC cần nguồn đầu tư lớn, chi phí thuê chuyên gia tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ FSC định kỳ hằng năm khá cao, vượt quá khả năng của người trồng rừng quy mô nhỏ. Trong khi Nghệ An cũng chưa có chính sách hỗ trợ cho các chủ rừng thực hiện cấp chứng chỉ FSC, chủ yếu là các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm gỗ keo hỗ trợ người dân từ 500.000-1.000.000 đồng/ha.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã làm việc với các địa phương, các doanh nghiệp và các ngành để đẩy nhanh tiến độ và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cấp chứng chỉ rừng. Chỉ đạo các địa phương đang triển khai thực hiện cấp chứng chỉ rừng, rà soát diện tích rừng trồng trên địa bàn đủ điều kiện để giới thiệu cho các doanh nghiệp triển khai cấp chứng chỉ rừng.

bna_van truong n2.jpeg
Cán bộ chuyên môn phối hợp cùng người dân huyện Tân Kỳ kiểm tra hiện trạng rừng. Ảnh: Văn Trường

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng tới các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển rừng trên địa bàn, nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp.

Dự kiến từ nay đến cuối năm 2023, Nghệ An hoàn thiện hồ sơ để cấp chứng chỉ thêm 4.500 ha ở các huyện Tân Kỳ, Đô Lương, Anh Sơn. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 50.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng.

Chứng chỉ FSC được cấp bởi Hội đồng quản lý rừng thế giới (Forest Stewardship Council), nhằm khuyến khích các hoạt động khai thác đi đôi với phát triển bền vững tài nguyên rừng.Chứng nhận FSC góp phần bảo vệ môi trường và nguồn sinh thái tự nhiên. Về mặt kinh tế: FSC giúp giảm thiểu lãng phí từ các nguồn tài nguyên rừng. Các sản phẩm từ rừng được gắn nhãn FSC có giá trị kinh tế cao, có giá trị kinh tế cao hơn từ 20 - 30% so với các sản phẩm cùng loại.

Văn Trường