Chuyển đổi số trong hoạt động thư viện góp phần thúc đẩy, phát triển văn hóa đọc

Minh Quân 25/10/2023 16:20

(Baonghean.vn) - Chuyển đổi số trong hoạt động thư viện là hướng đi mới trong chuyển đổi từ thư viện truyền thống sang thư viện điện tử/thư viện số, nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện, hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.

Báo Nghệ An đã ghi lại một số ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia trong ngành Thư viện xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam: “Cần nghiên cứu vấn đề chuyển đổi số thư viện một cách nghiêm túc”

Trong suốt chiều dài lịch sử của thư viện truyền thống, hoạt động phục vụ người đọc được mặc định theo một nguyên lý “thuận chiều”, đó là: Thư viện và kho tàng tri thức - thông tin đứng yên một chỗ; còn bạn đọc thì phải di chuyển đến thư viện để đọc, mượn tài liệu… Câu chuyện trên đây đã bắt đầu thay đổi theo chiều hướng ngược lại, khi mà hoạt động của thư viện truyền thống ở Việt Nam cũng như thế giới có sự can thiệp mạnh mẽ của máy vi tính và ứng dụng công nghệ thông tin trong tác nghiệp thư viện; khi mà các thư viện đã chuyển mạnh sang xây dựng thư viện điện tử-thư viện số-thư viện ảo, nhằm phục vụ tốt hơn, nhanh và hiệu quả hơn người đọc trong xã hội.

bna_nguyễn hữu giới.jpg
Ông Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam. Ảnh: Minh Quân

Từ thực tế đó, các thư viện ở Việt Nam nếu không thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ và phương thức hoạt động thì chắc chắn sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu vắng bạn đọc và khó có thể hoàn thành sứ mệnh của mình là cung cấp thông tin và tri thức cho nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp một cách hiệu quả.

Khó khăn lớn nhất ở Việt Nam hiện nay là chưa xây dựng được chính sách truy cập mở và hình thành các nguồn tài liệu mở ở phổ rộng; vốn tài liệu số và sự chia sẻ các dữ liệu số giữa các thư viện còn hạn chế. Do đó, cần nghiên cứu vấn đề này một cách nghiêm túc và khoa học, để “có thể biến nguy thành cơ”, xây dựng và phát triển mạng liên kết, chia sẻ chung, thống nhất các thư viện, đem lại hiệu quả thiết thực cho xã hội. Bên cạnh đó, quan trọng là phải có đội ngũ cán bộ thư viện tinh thông nghiệp vụ, giỏi ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong hệ thống thư viện cả nước.

Ông Nguyễn Xuân Dũng – Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam: “Cần nhân rộng ứng dụng công nghệ thông tin tới các thư viện tỉnh, thành phố trong cả nước”

Có thể thấy, hiện nay, các thư viện Việt Nam đang phát triển từ mô hình thư viện truyền thống sang hiện đại. Sự thay đổi này mang đến nhiều lợi ích cho người sử dụng và các thư viện, góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy xã hội phát triển. Đối với Thư viện Quốc gia Việt Nam, chuyển đổi số sẽ là cơ hội “vàng” để khẳng định vị thế và nâng cao vai trò quan trọng của mình trong xã hội Việt Nam nói chung và ngành Thư viện Việt Nam nói riêng.

bna_nguyễn xuân dũng.jpg
Ông Nguyễn Xuân Dũng – Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam. Ảnh: Minh Quân

Từ nhiều năm nay, Thư viện Quốc gia đã xây dựng không gian truy cập các cơ sở dữ liệu số và truy cập internet phục vụ người sử dụng thư viện. Theo đó, người sử dụng thư viện có thể sử dụng hàng chục máy tính được kết nối với đường truyền Internet kênh riêng; sử dụng các cơ sở dữ liệu băng đĩa CD, DVD về các lĩnh vực cơ bản; truy cập vào các cơ sở dữ liệu trực tuyến và toàn văn do Thư viện Quốc gia mua quyền truy cập và tạo lập. Mô hình này đã hoạt động hiệu quả hàng thập kỷ nay và là mô hình được các thư viện trong cả nước tìm hiểu và học tập.

Bên cạnh đó, cuối năm 2016, Thư viện Quốc gia chính thức khai trương "Không gian chia sẻ S.hub". Đây được coi là mô hình hoàn thiện trong việc kết hợp thiết bị công nghệ với nguồn tài nguyên tri thức của thư viện và các hoạt động mang tính định hướng, truyền cảm hứng để tạo nên một không gian học tập, chia sẻ tri thức cho giới trẻ.

Sau khi triển khai hiệu quả hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, Thư viện Quốc gia đã đề xuất với lãnh đạo Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) nhân rộng việc ứng dụng công nghệ thông tin tới các thư viện tỉnh, thành phố trong cả nước. Thư viện Quốc gia đã xây dựng những dự án khả thi, phù hợp với trình độ phát triển tin học ở từng thời kỳ và phù hợp với yêu cầu của thư viện cấp tỉnh để trang bị hạ tầng thông tin, đào tạo viên chức tin học cho các thư viện tỉnh, thành phố.

Qua đó, gắn việc tin học hoá ngay tại Thư viện Quốc gia với toàn hệ thống thư viện công cộng, nhằm thống nhất về nghiệp vụ tiến tới sử dụng các kết quả xử lý kỹ thuật tài liệu trên máy của Thư viện Quốc gia và hệ thống thư viện công cộng, từ đó lan toả tới các hệ thống thư viện khác nhằm tiến tới xây dựng mục lục liên hợp quốc gia Việt Nam.

Ông Trần Thanh Phong – Phó Giám đốc Thư viện tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế: “Chuyển đổi số ảnh hưởng tích cực đến việc thúc đẩy phát triển văn hóa đọc”

Những năm gần đây, bên cạnh việc đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin tại đơn vị, Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên -Huế đã triển khai đồng bộ các công đoạn xử lý tài liệu trên phần mềm quản lý thư viện điện tử; tăng cường công tác quảng bá, truyền thông về thư viện trên các ứng dụng của mạng xã hội như fanpage, zalo, facebook và trên website của thư viện.

bna_trần thanh phong.jpg
Ông Trần Thanh Phong – Phó Giám đốc Thư viện tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Minh Quân

Trong công tác trưng bày triển lãm giới thiệu sách chuyên đề, Thư viện cũng đã đưa vào ứng dụng quét mã QR với các đầu sách được số hóa để trưng bày triển lãm tài liệu phục vụ người đọc. Thư viện cũng đã triển khai việc cấp thẻ bạn đọc trực tuyến trên phần mềm ứng dụng thông qua việc quét mã QR để tạo thuận lợi tốt nhất cho bạn đọc khi đăng ký thẻ và cũng rút ngắn được thời gian trong quá trình cấp thẻ bạn đọc.

Có thể thấy rằng, chuyển đổi số trong hoạt động thư viện tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên – Huế trong thời gian qua đã có tác động tích cực đến việc thúc đẩy phát triển văn hóa đọc. Đây cũng là tiền đề để Thư viện tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thiện và phát triển nền tảng dữ liệu số, công nghệ số… góp phần tăng khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên đang lưu trữ tại đơn vị đến với bạn đọc, tạo điều kiện cho bạn đọc và các tầng lớp Nhân dân truy cập thông tin ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào.

Ông Nguyễn Vinh Quang – Giám đốc Thư viện Nghệ An: “Cần hướng dẫn cụ thể về thực thi bản quyền tác giả, luật sở hữu trí tuệ trong chuyển đổi số thư viện”

Từ nhiều năm nay, Thư viện tỉnh Nghệ An đã ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện. Tuy nhiên, đơn vị đang sử dụng Phần mềm quản lý thư viện Ilib 6.0, được trang bị từ lâu, đến nay đã bộc lộ những hạn chế trong quá trình hoạt động. Trong quá trình sử dụng, Thư viện tỉnh cũng đã tiến hành nâng cấp, nhưng do phần mềm được xây dựng trên nền tảng công nghệ đã cũ, nên việc nâng cấp phần mềm khó khăn, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay.

bna_nguyễn Vinh Quang.jpg
Ông Nguyễn Vinh Quang – Giám đốc Thư viện Nghệ An. Ảnh: Minh Quân

Ngày 14/9/2022, UBND tỉnh có Kế hoạch số 630/KH-UBND ban hành kế hoạch chuyển đổi số hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu là ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống các thư viện trên địa bàn tỉnh, xây dựng và phát triển Thư viện tỉnh trở thành thư viện điện tử, hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

Hiện nay, Thư viện tỉnh Nghệ An đang triển khai giai đoạn 1 của kế hoạch trên, gồm: Đầu tư thiết bị, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; xây dựng phần mềm thư viện điện tử, chuyển đổi nền tảng công nghệ cũ sang nền tảng công nghệ mới, hiện đại phù hợp với các tiêu chuẩn hiện nay; triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ, văn bản hợp tác; có trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ trực tuyến.

Theo tôi, để việc chuyển đổi số ở Thư viện Nghệ An nói riêng và các thư viện trên cả nước nói chung được thực hiện hiệu quả, bên cạnh hỗ trợ các nguồn lực, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cần ban hành hướng dẫn cụ thể, chi tiết về thực thi bản quyền tác giả, Luật Sở hữu trí tuệ trong chuyển đổi số thư viện. Bên cạnh đó, cần xây dựng khung chương trình đào tạo phù hợp, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người làm trực tiếp đáp ứng nhu cầu chuyển số ngành thư viện…

Bà Kiều Thúy Nga – Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch): “Các thư viện cần tiếp tục phối hợp, chia sẻ và hỗ trợ nhau trong công tác chuyển đổi số”

Trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thông tin đại chúng, văn hóa đọc đang đứng trước thách thức bởi sự lấn át của văn hóa nghe nhìn đã ảnh hưởng đến lượng bạn đọc đến thư viện. Chính vì lẽ đó, các thư viện phải không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng các dịch vụ, mô hình phục vụ nhằm thu hút bạn đọc đến sử dụng thư viện, trong đó cần chú trọng đến hoạt động chuyển đổi số. Triển khai thành công chuyển đổi số trong ngành Thư viện, thúc đẩy và phát triển văn hóa đọc là vô cùng cần thiết trong thời đại công nghiệp 4.0 ngày nay.

bna_Bà Kiều Thúy Nga - Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam.jpg
Bà Kiều Thúy Nga – Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch). Ảnh: Minh Quân

Mong rằng, thời gian tới, các thư viện sẽ tiếp tục cùng phối hợp, chia sẻ và hỗ trợ nhau trong các hoạt động chuyên môn và công tác chuyển đổi số; quan tâm phát triển mạng lưới thư viện cơ sở, thực hiện tốt nhiệm vụ luân chuyển sách báo vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các đồn Biên phòng. Từ đó, tạo ra một hệ sinh thái thư viện thông tin quốc gia, góp phần trong tiến trình xây dựng, phát triển văn hóa đọc nói riêng và sự nghiệp văn hóa nói chung trong thời đại công nghiệp 4.0./.

Minh Quân