Nghệ An đẩy mạnh đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế
(Baonghean.vn) - Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, những năm qua, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Nghệ An đã đẩy mạnh đào tạo các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo các chương trình chuyển giao từ nước ngoài.
Rộng cơ hội tham gia thị trường lao động thu nhập cao
Theo danh sách các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cho phép đào tạo nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, Nghệ An hiện có 2 trường là Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc và Cao đẳng Du lịch thương mại Nghệ An, hiện đang đào tạo 13 ngành nghề cấp độ quốc tế.
Tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, trong số 13 nghề (cả bậc trung cấp và cao đẳng) mà nhà trường đang tổ chức đào tạo, có 7 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế gồm: Công nghệ ô tô, Hàn, Điện tử công nghiệp, Kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp, Điện công nghiệp, Bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí.
Trong số này, có 4 nghề được chuyển giao chương trình đào tạo từ nước ngoài, gồm: Công nghệ ô tô, Bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí (chuyển giao từ CHLB Đức), Kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp và Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí (chuyển giao từ Australia).
Đây đã là năm thứ 5 Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc thực hiện đào tạo theo chuẩn quốc tế. Với 7 nghề nêu trên, mỗi năm nhà trường tuyển sinh khoảng hơn 500 sinh viên hệ cao đẳng. Với các nghề theo chương trình chuyển giao từ CHLB Đức, các sinh viên được đào tạo trong 3 năm rưỡi, với đầy đủ trang thiết bị giảng dạy theo tiêu chuẩn của Đức, được chuyên gia Đức trực tiếp hướng dẫn đào tạo.
Bên cạnh đó, sinh viên còn được hưởng lợi và nhận được sự hỗ trợ từ chương trình mục tiêu của Nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp và nghề trọng điểm. Trong quá trình đào tạo, sinh viên được học tiếng Đức và sẽ tham gia thi lấy chứng chỉ B1 tiếng Đức. Sinh viên sau khi tốt nghiệp, nếu đạt yêu cầu sẽ được cấp bằng kỹ sư thực hành của Việt Nam và bằng tốt nghiệp của CHLB Đức, tương đương với trình độ bậc 4 theo khung trình độ quốc gia Đức.
Sinh viên Mai Đức Hùng (ngành Bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí) cho biết: “Được tham gia lớp đào tạo nghề theo tiêu chuẩn CHLB Đức, ngoài việc được học lý thuyết kỹ lưỡng, chúng em còn được thực hành tại các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh”.
Cơ hội việc làm và cánh cửa tham gia vào thị trường lao động quốc tế có thu nhập cao rất rộng mở đối với các sinh viên theo học các nghề theo chương trình chuyển giao từ nước ngoài với bằng cấp quốc tế được nhiều nước công nhận, có giá trị ở tất cả thị trường lao động.
- Ông Hồ Văn Đàm – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc.
Trường Cao đẳng Du lịch thương mại Nghệ An hiện cũng đang đào tạo 6 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, theo tiêu chuẩn của Australia và Đức gồm: Kỹ thuật chế biến món ăn, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng, Hướng dẫn du lịch, Quản trị lữ hành và Quản trị lễ tân.
Ông Chế Hồng Dương – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc tuyển sinh, đào tạo học viên những nghề này khá thuận lợi. Trong thời gian học, học viên sẽ có cơ hội đi thực tế, thực tập với mức hỗ trợ từ 3 – 5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, nếu có nhu cầu, học viên được tham gia các khóa học tiếng Anh, Đức, Nhật, Hàn và đủ điều kiện được giới thiệu làm việc tại những nước này với mức lương từ 1.000 – 2.000 USD/tháng. Sinh viên của trường khi tốt nghiệp đều nhận được mức lương tương đối tốt.
Theo ông Hoàng Sỹ Tuyến – Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội), đối với chương trình đào tạo nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, sinh viên sau khi học lý thuyết xong sẽ phải thực tập luôn kỹ năng của phần đó (đào tạo theo dạng module). Trong quá trình học, sinh viên được thực tập tại các doanh nghiệp có ngành nghề phù hợp với chương trình đào tạo. Ngay trong thời gian thực tập, các em đã có thể làm ra nhiều sản phẩm hữu ích, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp, đồng thời được thu hút vào các doanh nghiệp lớn bằng các chính sách ưu đãi và mức thu nhập tốt.
Những khó khăn cần khắc phục
Dù có những thuận lợi như vậy nhưng cũng theo ông Hoàng Sỹ Tuyến, việc đào tạo nghề trọng điểm theo chuẩn quốc tế vẫn còn nhiều khó khăn, trước hết là về cơ chế. Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015 nhưng các tiêu chuẩn, định mức, quy định liên quan tới chuyển giao chương trình, đào tạo theo chuẩn quốc tế chưa rõ ràng nên quá trình thí điểm, triển khai vẫn còn nhiều lúng túng.
Bên cạnh đó, với chương trình đào tạo nghề cấp độ quốc tế, vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng, bởi thời gian đào tạo về kỹ năng chiếm rất nhiều (từ 70-80%), người học bắt buộc phải ra học tập tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay chưa có một chính sách mang tính ràng buộc nào đối với doanh nghiệp trong việc tham gia đào tạo nghề. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, chưa thấy được rõ nét lợi ích của họ trong hoạt động này nên chưa mặn mà với việc phối hợp đào tạo nghề.
Một khó khăn nữa trong đào tạo nghề cấp độ quốc tế là trình độ đầu vào của sinh viên. Theo đó, đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế đòi hỏi năng lực đầu vào của học sinh phổ thông phải có học lực từ trung bình khá trở lên, trong đó có trình độ ngoại ngữ và sau khi học xong, trình độ ngoại ngữ của các em tương đương với hạng B1 hoặc B2. Tiêu chí ngoại ngữ đã khiến cho các trường khó tuyển sinh hoặc tuyển sinh được nhưng sinh viên không theo kịp chương trình đào tạo.
Mặt khác, qua trao đổi với lãnh đạo Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc và Trường Cao đẳng Du lịch thương mại Nghệ An, được biết hiện cả 2 trường đều thiếu giáo viên ở các ngành nghề trọng điểm cấp độ quốc tế. Như Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc hiện thiếu 5 giáo viên ở các nghề Kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp, Điện công nghiệp và Bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí. Trường Cao đẳng Du lịch thương mại Nghệ An thiếu 14 giáo viên ở cả 6 ngành, nghề cấp độ quốc tế.
Ngoài ra, phần lớn giáo viên dạy nghề ở địa phương hiện nay chưa đủ khả năng ngoại ngữ để giao tiếp, tự nghiên cứu các tài liệu hoặc dạy nghề bằng tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, việc hỗ trợ đưa giáo viên đi đào tạo ở nước ngoài, tiếp cận với trình độ đào tạo nghề cấp độ quốc tế còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào ngân sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương.
Để công tác đào tạo nghề trọng điểm cấp độ quốc tế thực sự phát huy hiệu quả, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần cập nhật kịp thời những thay đổi của công nghệ, khoa học kỹ thuật đưa vào chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học trong quá trình thực hành kỹ năng nghề bắt kịp xu thế đào tạo mới.
Cùng với đó, các trường cần chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đặc biệt là ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ nhà giáo giảng dạy trong tình hình hội nhập và phát triển ngày càng sâu rộng với các nước trong khu vực, trên thế giới hiện nay.
- Bà Hồ Thị Châu Loan – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội