Nói với con về tiền

Phước Anh 30/10/2023 20:00

(Baonghean.vn) - Tiền là thứ vô tri nhưng có quyền lực vô song. Tiền giá trị thế nhưng cũng hiểm nguy thế. Người lớn biết rõ vậy, sao lại không sớm dạy trẻ con để chúng thấu suốt, nuôi dưỡng khái niệm tiền bạc một cách đúng đắn? Nếu không biết cách kiểm soát tiền thì tiền sẽ kiểm soát chúng ta.

Con gái tôi năm nay 11 tuổi và cháu đang là chủ sở hữu một “kho báu” - cách cháu gọi khoản tiết kiệm của mình, với 6 số 0 - khá nhiều so với các bạn cùng trang lứa. “Kho báu” này được cháu tích luỹ từ rất nhiều nguồn thu: tiền tiêu vặt ba mẹ cho hàng tháng; tiền thưởng thành tích học tập trong năm; tiền nhuận bút (cháu đang tham gia viết bài cho các tờ báo thiếu niên, nhi đồng); tiền mừng tuổi…

Vợ chồng tôi dạy con những bài học đầu đời về tiền từ rất sớm, tầm 3-4 tuổi, qua các trò chơi, hoạt cảnh, qua những buổi đi chợ cùng mẹ… Năm cháu lên 6 tuổi, mừng sự kiện nhập học lớp 1, cháu rất vui khi được ba mẹ đồng ý cho giữ toàn bộ số tiền của mình từ các nguồn thu nêu trên, và toàn quyền ứng xử với số tiền ấy theo cách mà cháu muốn - miễn là phải báo cáo trung thực, trình bày lý do tiêu tiền rõ ràng với bố mẹ. Chúng tôi cũng nói rõ với con là việc báo cáo này sẽ kết thúc vào năm con tròn 18 tuổi. Lúc đó, chúng tôi hy vọng rằng con sẽ hoàn toàn tự do về tiền bạc theo nghĩa chủ động cả thu lẫn chi.

bai-viet-day-tre-tiet-kiem-tien-chia-khoa-quan-ly-tc-tuong-lai-desktop-1366x560.jpg
Không bao giờ là quá sớm để dạy con về tiền. Ảnh minh hoạ: Internet

Tình cờ chia sẻ câu chuyện này với các gia đình bạn bè, vợ chồng tôi gặp phải khá nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí là chỉ trích. Phần đa đều cho rằng chúng tôi là hình mẫu bố mẹ kiểu cách, hình thức, học đòi dạy con kiểu “Tây”, và rằng như vậy sẽ chỉ làm hỏng con đi thôi chứ chẳng được tích sự gì. “Trẻ con ai lại cho cầm tiền!”; “Tí tuổi đầu đã biết gì mà đưa tiền cho nó giữ”; “Chúng mày cẩn thận, coi chừng con đi học gặp phải lừa đảo, nó lại móc hết sạch sành sanh”; “Có tiền là hư người, rồi thì suốt ngày mua sắm linh tinh, đốt vào mấy trò chơi game online cho mà xem”…

Ngẫm lại, mọi người khuyên nhủ cũng có phần đúng, nhưng cái sự đúng dựa trên nỗi ái ngại chung chung ấy không là cái chuẩn mà vợ chồng tôi cho rằng nhất thiết phải noi theo. Dưới góc nhìn cá nhân, chúng tôi nghĩ không bao giờ là quá sớm để dạy con về tiền. Hiểu đúng về giá trị của tiền, học cách tiêu tiền quan trọng không kém việc học cách giữ tiền và kiếm tiền. Đây chắc chắn phải là khoá học bắt buộc, cần thiết với mọi đứa trẻ.

Phần lớn chúng ta đều mê tiền. Tiền có ma lực thần kỳ lắm, kể cả người thờ ơ nhất với mọi sự, nghe đến tiền cũng phải dỏng tai lên. Thế nên dân gian mới có câu, nôm na: Những gì không thể mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền! Nghe thô, nhưng mà thật. Đồng tiền nối liền khúc ruột, là phần lớn nguồn cơn dẫn đến buồn, vui, sướng, khổ của loài người. Người ta vinh nhục vì tiền, được thiên hạ nể vì trọng vọng hay khinh rẻ coi thường cũng vì tiền. Tiền là thứ vô tri nhưng có quyền lực vô song. Tiền là tiên nhưng tiền cũng bạc. Tiền giá trị thế nhưng cũng hiểm nguy thế. Người lớn biết rõ vậy, tại sao lại không sớm dạy trẻ con để chúng thấu suốt, nuôi dưỡng khái niệm tiền bạc một cách đúng đắn? Nếu không biết cách kiểm soát tiền thì tiền sẽ kiểm soát chúng ta.

images.giaoducthoidai.vn-uploaded-2023-tmgtjq-2023_08_07-_day-con-tiet-kiem-3-7019.jpg
Nếu không biết cách kiểm soát tiền thì tiền sẽ kiểm soát chúng ta. Ảnh minh hoạ: Internet

Vợ chồng tôi dạy con rằng, tiền là phương tiện chứ không phải là mục đích. Nhiều người sống cả đời vật lộn buồn khổ vì tiền bởi lẫn lộn hai điều này. Tiền dùng để xây nhà dựng cửa chứ không kiến tạo được tổ ấm gia đình; tiền để mua sắm nội thất tiện nghi nhưng không mua được sự thảnh thơi mãn nguyện; tiền để mua thức ăn ngon nhét đầy tủ lạnh nhưng không mua được cảm giác hạnh phúc khi ăn một bữa cơm đầm ấm sum vầy; tiền để mua chức chạy quyền, thậm chí trốn tránh ngục tù nhưng rốt cuộc cũng chẳng mua được sự tha thứ của toà án lương tâm và nhân quả…

Khi dạy con về tiền, bài học đầu tiên phải là bài học tiêu tiền thông qua sự sàng lọc, trì hoãn sự hài lòng, thoả mãn nhất thời. Tiêu tiền dễ lắm mà cũng khó lắm. Con vào cửa tiệm, nhìn chú gấu bông, thích quá muốn mua liền tay; nhưng bố mẹ dạy con chậm một nhịp, nghĩ kỹ lại xem ở nhà mình đã có bao nhiêu chú gấu, chú gấu này và những chú gấu ở nhà khác nhau cái gì về thiết kế, màu sắc, chất liệu, kích thước…, nếu khác thì có đáng để mua thêm không, và nếu không khác nhiều thì có nên mua thêm không. Quá trình chững lại một nhịp để suy nghĩ ấy dần dà tạo cho con thói quen cân nhắc tiêu tiền vào những việc thật cần, tránh lãng phí. Khi con biết cách tiêu tiền tốt rồi, bố mẹ lại gợi mở, hướng con đến những kênh giữ tiền hiệu quả. Vợ chồng tôi cho rằng khi một đứa trẻ hiểu đúng về tiền, biết cách tiêu tiền, giữ tiền giỏi, thì bài học cuối cùng là kiếm tiền có thể cũng chẳng cần dạy nữa vì tự chúng sẽ biết thôi.

Mấy ngày nay, nói với con về tiền càng mang tính thời sự khi liên tiếp xảy ra những vụ việc rúng động: bảo mẫu bắt cóc và sát hại cháu bé 2 tuổi đòi tiền chuộc; nghi phạm giết, phân xác á khôi 17 tuổi vì món nợ 50 triệu đồng; đâm chết người vì đòi tiền trên bàn nhậu; hàng loạt diễn viên, người mẫu… vì tiền mà bất chấp quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật… Đáng sợ thế đấy! Tiền, nếu được đặt ở vai trò là đầy tớ, nó sẽ là một đầy tớ tốt; nhưng nếu nâng lên vai trò là ông chủ, nó sẽ là một ông chủ tồi. Thế nên, nói với con về chuyện tiền chẳng bao giờ là quá sớm, bởi nếu bạn không dạy con thì sau này sẽ có người khác thay thế bạn, chẳng hạn như chủ nợ, cảnh sát, và thậm chí là những kẻ lừa đảo. Và cái giá lúc đó sẽ là quá đắt…

Phước Anh