Sức sống mới ở Truông Bồn

Thanh Quỳnh 31/10/2023 10:51

(Baonghean.vn) - Truông Bồn thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương. Cách đây hơn nửa thế kỷ, mảnh đất ấy đã hứng chịu hàng nghìn đợt ném bom, bắn phá hủy diệt của máy bay Mỹ. Vươn dậy từ mất mát, đau thương, Truông Bồn nay đã hồi sinh, cuộc sống làng quê thực trù mật, thanh bình...

Sáng tinh thần thanh niên xung phong

Năm 1972, bà Đặng Thị Trạch – người con gái của mảnh đất Mỹ Sơn tròn 22 tuổi. Trong độ tuổi thanh xuân đẹp nhất ấy, bà lên đường tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Thời kỳ cao điểm bắn phá ác liệt của đế quốc Mỹ, dấu chân bà cùng đồng đội đã in trên khắp các địa bàn trọng điểm ở Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên...

Dù sống trong điều kiện khắc nghiệt của chiến trường, luôn luôn sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy và cái chết, nhưng không ai mất đi sự nhiệt huyết, lạc quan. Năm 1973, bà vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

ảnh 1. xanh lại Truông bồn 2.JPG
Cựu Thanh niên xung phong Đặng Thị Trạch (sinh năm 1950, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương) bên gia trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi của gia đình. Ảnh: Thanh Quỳnh

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và trở về địa phương vào năm 1975, bà cùng với chồng bắt đầu gây dựng cuộc sống mới. Khi chiến tranh vừa đi qua, mảnh đất Mỹ Sơn vẫn còn ngổn ngang những khó khăn, thiếu thốn. Vợ chồng bà Trạch còn có những vất vả riêng khi xuất thân trong một gia đình đông con. Bà là con thứ 2 trong 4 anh chị em. Còn chồng bà là anh cả trong một gia đình 8 người con. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng phải cất tạm mái nhà tranh tại xóm 4 xã Mỹ Sơn để sinh sống.

Đã có chỗ an cư, bà Trạch cùng chồng quyết tâm xây dựng mô hình kinh tế thoát nghèo. Ngoài việc canh tác diện tích ruộng của gia đình một cách hiệu quả, ông bà còn cải tạo diện tích vườn đồi để xây dựng gia trại rộng hơn 2 nghìn mét vuông. Gia trại này trồng hơn 100 gốc cây ăn quả có múi kết hợp nuôi ong lấy mật. Lấy ngắn nuôi dài để phát triển chăn nuôi, cứ thế đàn lợn, đàn gà cũng dần được tăng lên về số lượng. Thời kỳ cao điểm, gia trại có gần chục con lợn và hàng nghìn con gia cầm.

Không chỉ xông xáo trong phát triển kinh tế, cựu thanh niên xung phong Đặng Thị Trạch còn làm tốt vai trò Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Sơn, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm 4 và công tác dân số trong một thời gian dài.

bna_0391 bà trạch.jpg
Vượt qua những khó khăn mà chiến tranh để lại, những mô hình kinh tế mới đã thành hình, phát triển, mang lại sự trù phú, ấm no cho người dân. Ảnh: Thanh Quỳnh

Những tấm gương như bà Trạch ở Mỹ Sơn không hiếm. Chính họ đã góp phần hồi sinh vùng đất chết năm nào trở thành cái nôi của sự sống, sức phát triển.Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, lực lượng thanh niên xung phong nơi đây cũng giữ vững tính tiên phong trong đóng góp nhân lực, vật lực.

Có thể kể đến tấm gương sáng là Cựu thanh niên xung phong Đặng Quang Mai (sinh năm 1948). Trong vai trò là Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Mỹ Sơn, ông đã tự nguyện đóng góp 80 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn của xóm 6 nơi mình sinh sống. Khi khởi công xây dựng Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Truông Bồn, ông cũng làm tròn trách nhiệm mà Đảng ủy địa phương giao phó, là nhân tố luôn đồng hành, giám sát và chẳng ngại ngần “nhúng tay vào việc” mỗi khi cần trong cả quá trình thi công và hoàn thành khu di tích. Đến nay, trong những thời gian cao điểm, ông luôn đồng hành cùng với Ban Quản lý di tích để đón tiếp nhiều du khách trong hành trình tri ân của họ tại Truông Bồn.

ảnh chú Mai thanh niên xung phong.jpg
Ông Đặng Quang Mai (sinh năm 1948) - Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương đã ủng hộ 80 triệu đồng để xây dựng đường giao thông của địa phương. Ảnh: Thanh Quỳnh

Nhìn lại hành trình đã qua, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Sơn Đặng Văn Tú khẳng định, trong sự phát triển của mảnh đất Mỹ Sơn, có một phần đóng góp vô cùng quan trọng của lực lượng Cựu thanh niên xung phong. Hiện tại, lực lượng cựu thanh niên xung phong trên địa bàn có 33 người, trong thời gian qua, nhiều người trong số họ đã xây dựng thành công các mô hình kinh tế, xây dựng nông thôn mới, tham gia tạo nguồn đảng viên và tham gia các vị trí chủ chốt tại thôn, xóm. Dưới các tán rừng xã Mỹ Sơn là hàng chục trang trại, gia trại chăn nuôi cho thu nhập cao đã thành hình và phát triển.

Từ vùng đất “túi bom, chảo lửa” ngày nào, Mỹ Sơn giờ đây được biết đến với các trang trại, gia trại gắn chăn nuôi gia súc, gia cầm với trồng cây ăn quả cho thu nhập khá. Xã được công nhận xã đạt nông thôn mới năm 2019 với hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao.

"Địa chỉ đỏ" nối giữ mạch nguồn cách mạng

Giữa sự hồi sinh của mảnh đất Truông Bồn, không thể không nhắc đến công trình Khu di tích Lịch sử Quốc gia Truông Bồn được xây dựng trên diện tích gần 22ha, nằm ở tuyến đường chiến lược 15A – nơi đã từng gắn liền với những năm tháng chiến đấu ác liệt mà hào hùng của quân và dân ta.

ảnh Quang Dũng. ban quản lý truông bồn cung cấp.jpg
Khu mộ 13 anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong được xây dựng, tôn tạo khang trang, bề thế trong Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Truông Bồn. Ảnh tư liệu: Quang Dũng

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với mục đích xây dựng Truông Bồn trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, ngày 19/4/2010, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 1591/QĐ.UBND-CNXD phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng công trình: Bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích lịch sử Truông Bồn. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 27/10/2010 và cuối năm 2014 chính thức đi vào hoạt động với nhiều hạng mục như: đài tưởng niệm, nhà truyền thống, tháp chuông, sa bàn điện tử “tọa độ lửa” Truông Bồn.

Nổi bật nhất là khu mộ 13 anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong. Khu mộ nép mình bên rừng thông già - trước đây vốn là hầm trú ẩn của thanh niên xung phong. Trước khu mộ là địa điểm giặc Mỹ đánh phá ác liệt và cũng là nơi 13 người anh hùng đã ngã xuống hy sinh trong trận bom sáng 31/10/1968. Từ hố bom chôn vùi máu xương của bao người con xứ Nghệ năm xưa, nay đã khoác lên mình hình hài mới, trở thành địa chỉ ý nghĩa để biết bao người dân tìm về gửi lòng tri ân.

bna_ảnh ban quản lý.jpg
Hố bom chôn vùi máu xương của bao người con xứ Nghệ năm xưa nay đã trở thành công trình ý nghĩa, là "địa chỉ đỏ" trong hành trình tri ân của hàng triệu con người. Ảnh tư liệu: BQL Khu di tích LSQG Truông Bồn cung cấp

Hòa trong dòng người về với Truông Bồn trong những ngày qua, ông Chu Vĩnh Hiệp (sinh năm 1958) - Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh Nghệ An, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Lịch sử Quốc gia Truông Bồn bộc bạch: “Kể từ tháng 4 năm 2014, khi Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn được thành lập, tôi vinh dự được giao nhiệm vụ Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích cho đến tháng 11 năm 2018.

Ông Chu Vĩnh Hiệp - Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh Nghệ An, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Lịch sử Quốc gia Truông Bồn về thăm lại Khu Di tích. Ảnh: Thanh Quỳnh

Sau gần 5 năm gắn bó với Truông Bồn, tôi được về nghỉ hưu và tham gia công tác Hội Cựu Thanh niên xung phong của tỉnh, trên cương vị công tác mới bản thân tôi vinh dự được tiếp tục gắn bó với Truông Bồn. Mỗi lần trở lại, tôi lại thấy vui hơn khi mảnh đất anh hùng này đang ngày càng phát triển, cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt, Khu di tích đã thực sự đạt được kỳ vọng của cấp ủy, chính quyền và người dân Nghệ An khi trở thành “địa chỉ đỏ” đón nhận hàng triệu lượt du khách tìm về tưởng nhớ, tri ân”.

anh-trang-1-thi-tran-do-luong-quang-dung-5239.jpg
Mảnh đất Đô Lương đã chuyển mình thay đổi để ngày càng phát triển. Ảnh tư liệu: Quang Dũng

Ông Ngân Văn Tứ - Phó Chủ tịch xã Xá Lượng (huyện Tương Dương) thì chia sẻ: “Mỗi lần đến với Truông Bồn là một lần trong tôi bồi hồi, xúc động trước “cõi thiêng”, nơi một thời từng là “tọa độ lửa”. Cùng với đó là niềm vui khi chứng kiến Khu tưởng niệm Truông Bồn ngày càng khang trang, bề thế. Đi qua từng con đường, từng thôn xóm, tôi cảm nhận một màu xanh tràn đầy nhựa sống đang trỗi dậy mạnh mẽ từng ngày. Sự hồi sinh ấy được đặt trong bối cảnh chung khi mảnh đất Đô Lương ngày càng phát triển, xứng đáng với kỳ vọng của tỉnh nhà”...

Giữa dòng chảy không ngừng của thời gian, mảnh đất Đô Lương nói chung, địa danh Truông Bồn nói riêng đã thực sự trở thành cầu nối của lịch sử và tương lai. Địa chỉ đỏ ấy là ngọn đèn tỏa rạng cho truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước và hy vọng về một tương lai tươi sáng trên “tọa độ lửa” năm nào.

Thanh Quỳnh