Hội Nông dân Nghệ An nhân rộng các mô hình kinh tế vùng đặc thù

Thanh Phúc 31/10/2023 11:52

(Baonghean.vn) -Toạ đàm nhằm làm rõ vai trò, tầm quan trọng của cán bộ Hội các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động về dân tộc, tôn giáo với việc xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn.

bna_toàn cảnh.JPG
Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Thanh Phúc

Sáng 31/10, tại thành phố Vinh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tọa đàm: “Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo”.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội: Phạm Huy Hưng - Phó Trưởng Ban Dân tộc, Tôn giáo, Quốc phòng, An ninh Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An. Tham gia tọa đàm có đại diện các sở, ngành liên quan; các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ cách làm hay, kinh nghiệm quý

bna_TU Hội.jpg
Ông Phạm Huy Hưng - Phó trưởng ban Dân tộc, Tôn giáo, Quốc phòng, An ninh Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu đề dẫn tại tọa đàm. Ảnh: Thanh Phúc

Báo cáo đề dẫn tại hội nghị, đồng chí Phạm Huy Hưng nhấn mạnh: Toạ đàm nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân vùng dân tộc, tôn giáo thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn vùng dân tộc, tôn giáo. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân vùng đồng bào dân tộc và tôn giáo về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo.

bna_chủ trì.jpg
Chủ trì hội nghị có các đồng chí Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Hội: Phạm Huy Hưng - Phó Trưởng Ban Dân tộc, Tôn giáo, Quốc phòng, An ninh Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Nguyễn Quang Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thanh Phúc

Đồng thời, nhận diện và đấu tranh với các “đạo lạ”, “tà đạo”, các tổ chức tôn giáo chưa được Nhà nước công nhận lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc nhằm chống phá Đảng và Nhà nước.

Đây cũng là dịp để các đại biểu trao đổi, chia sẻ thông tin cũng như làm rõ vai trò, tầm quan trọng của cán bộ Hội các cấp nhất là cán bộ Hội ở cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động về dân tộc, tôn giáo với việc xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Từ đó rút ra những bài học, kiến nghị, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo góp phần xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn.

bna_đồng bào.JPG
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. Ảnh: Thanh Phúc

Tại toạ đàm, các tham luận của các đại biểu cũng đã chia sẻ cách làm hay, mô hình điển hình… để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ công tác Hội ở vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo.

Đó là tham luận về xây dựng gương điển hình tiên tiến là giáo dân trong tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình, hỗ trợ các hộ nông dân khác cùng vươn lên thoát nghèo và làm giàu; Vấn đề phát huy vai trò của tổ chức Hội trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng thôn, bản, làng văn hóa; Vai trò của hội nông dân trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân vùng giáo tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội ở địa phương;...

bna_cơ sở sản xuất của giá dân.jpg
Mô hình sản xuất giò bê của giáo dân Lê Đình Chung (Yên Thành). Ảnh: Thanh Phúc

Nhân rộng các mô hình kinh tế vùng đặc thù

Đến nay, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An có 21/21 đơn vị cấp huyện, 447 cơ sở, 3.640 chi hội, 497.802 hội viên nông dân; trong đó có 16 huyện, thành, thị có tổ chức cơ sở tôn giáo, 5 huyện miền núi dân tộc đều có tín đồ Công giáo nhưng số lượng ít; 252 cơ sở Hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 174/447 cơ sở hội vùng giáo, 74.593 hội viên nông dân là dân tộc thiểu số, 24.923 hội viên nông dân là giáo dân.

bna_Tùng.jpg
Đồng chí Nguyễn Quang Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh chia sẻ kinh nghiệm phát huy vai trò tổ chức Hội trong công tác tôn giáo, dân tộc. Ảnh: Thanh Phúc

Những năm qua, hội nông dân các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh có liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo cho cán bộ, hội viên nông dân. Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân để kiến nghị với các cấp chính quyền xem xét, giải quyết và động viên hội viên, nông dân vùng giáo, dân tộc đoàn kết xây dựng thôn, xóm, bản, làng văn minh, tiến bộ, sống "tốt đời đẹp đạo", "kính chúa yêu nước".

Với phương châm "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin", các cấp Hội trong tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy quyền làm chủ của người dân, huy động tối đa mọi khả năng đóng góp của người dân trong việc xây dựng và phát triển địa phương, tăng cường sự đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc.

Trong phát triển kinh tế, các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mở mang ngành, nghề, giải quyết việc làm, đổi mới tập quán canh tác lạc hậu kém hiệu quả sang cách làm mới hiệu quả kinh tế cao; đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư nông nghiệp, dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật.

bna_diềm.jpg
Hội viên Hội Nông dân Chi hội bản Diềm, xã Châu Khê (Con Cuông) phát huy nghề đan lát truyền thống. Ảnh: Thanh Phúc

Trong đó, tập trung vào vấn đề đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với tập quán của từng vùng đặc thù, từng dân tộc gắn với việc đẩy mạnh thành lập chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp; Tăng cường kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và trong việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, tôn giáo; ưu tiên phát triển nông nghiệp 4.0 nhưng không loại trừ các hình thái sản xuất nông nghiệp truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo.

Các cấp Hội cũng đã tích cực vận động hội viên nông dân vùng dân tộc, tôn giáo đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tham gia cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt các quy ước, hương ước, nếp sống văn minh ở các khu dân cư… Hàng năm, các cấp hội đã vận động hội viên nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu gia đình văn hóa với trên 95% hộ tham gia và trên 90 % hộ đăng ký đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Thanh Phúc