Tâm tư người lao động về cải cách tiền lương

Diệp Thanh 03/11/2023 16:24

(Baonghean.vn) - Vấn đề cải cách tiền lương đang là một trong những mối quan tâm lớn của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức. Trước những bất cập của chính sách tiền lương cũ, ai cũng mong chính sách mới sẽ có những điều chỉnh hợp lý và thỏa đáng. 

Ông Nguyễn Công Danh - Chủ tịch Công đoàn Viên chức Nghệ An:

Mức lương cần căn cứ vào vị trí việc làm và năng lực cán bộ

Tiếp xúc nhiều với đoàn viên, người lao động ở các công đoàn cơ sở trực thuộc, tôi được nghe rất nhiều tâm tư, chia sẻ liên quan đến bất cập chính sách tiền lương. Theo đó, chính sách tiền lương hiện nay đang mang tính cào bằng, không căn cứ theo năng lực và vị trí việc làm.

Ví dụ điển hình cho điều này là mức lương thực nhận của một lãnh đạo thấp hơn mức lương của một chuyên viên cùng đơn vị. Nguyên nhân của sự bất cập này là vì chuyên viên có thâm niên làm việc lâu năm hơn. Tương tự, cùng thâm niên như nhau thì lãnh đạo và nhân viên có mức lương bằng nhau và mức phụ cấp cho lãnh đạo thì rất thấp. Điều này không tương xứng, vì rõ ràng ở vị trí lãnh đạo yêu cầu cao hơn cả về trí tuệ, năng lực và trách nhiệm.

bna_công đoàn viên chức tập huấn Ảnh Diệp ThanhIMG_4024.JPG
Công chức, viên chức tỉnh Nghệ An trong một hoạt động tập huấn. Ảnh minh họa: Diệp Thanh

Tôi cho rằng, cải cách chính sách tiền lương cũng cần thực hiện đồng thời đổi mới về công tác nhân sự, cần công tâm chọn ra những người có năng lực, trình độ, tâm huyết để đảm đương những vị trí quan trọng và cho họ mức thu nhập tương xứng. Việc cào bằng lương sẽ hạn chế rất nhiều động lực vươn lên và tinh thần cống hiến của người lao động.

Thêm vào đó, mức lương hiện nay của khối cơ quan Đảng, đoàn thể cũng rất thấp, trong khi họ chỉ sống bằng lương mà không có nguồn thu nào khác. Lương thấp, nhiều người sẽ có suy nghĩ “chân trong, chân ngoài”, giảm sự mẫn cán với nhiệm vụ chuyên môn, dễ bị mua chuộc vì lợi ích kinh tế.

Bà Trần Thị Thu Hà - Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế

Nâng lương để giữ người giỏi

Thực trạng chung của ngành Y tế những năm gần đây là việc bác sĩ giỏi chuyển ra làm ngoài hoặc được mời về làm cho các cơ sở tư nhân, nhất là sau khi bùng phát dịch Covid-19. Trong rất nhiều lý do tác động đến thực trạng này, vấn đề tiền lương có lẽ là lý do lớn nhất.

bna_image_828453_652022.JPG
Mất rất nhiều thời gian và công sức để đào tạo ra một bác sĩ. Ảnh minh họa: Thành Chung

Ai cũng biết rằng, để đào tạo ra một bác sĩ mất rất nhiều thời gian và công sức. Với một bác sĩ đa khoa, ít nhất 6 năm đào tạo bài bản tại trường và 18 tháng thực hành sau khi tốt nghiệp đại học. Với bác sĩ chuyên khoa thì thêm 2 năm nữa mới có thể hành nghề. Ngoài ra, đội ngũ này liên tục phải học thêm các chứng chỉ, cập nhật kiến thức mới, tham gia nghiên cứu, chương trình sau đại học…

Trong công việc, áp lực của nghề này cũng rất lớn, yêu cầu cao về trách nhiệm và năng lực. Nếu xếp mức lương của đội ngũ bác sĩ bằng với các chức danh chuyên môn trình độ đại học của những ngành khác là không phù hợp.

Với cách tính lương bất cập, khi buộc phải lựa chọn nơi cống hiến, rất nhiều y, bác sĩ, điều dưỡng giỏi đành phải lựa chọn môi trường tư nhân để đảm bảo cuộc sống. Các bệnh viện tư sẵn sàng trả cho đội ngũ bác sĩ giỏi mức lương cao gấp 3-5 lần bệnh viện công. Những người ở lại, rất nhiều trường hợp phải chấp nhận cuộc sống giật gấu vá vai, ở trọ trong những căn nhà chật chội, ẩm thấp. Tôi hy vọng chính sách cải cách tiền lương sẽ có những điều chỉnh phù hợp để khắc phục những bất cập, hạn chế hiện nay.

Ông Nguyễn Công Sơn - Công chức văn hóa xã Thái Sơn (Đô Lương):

Không để công chức chật vật với đồng lương eo hẹp

Mức thu nhập hiện tại của tôi là 5,7 triệu đồng, tính cả phụ cấp công vụ. Vợ tôi làm nhân viên thư viện trường học có mức lương là hơn 3 triệu đồng. Tổng thu nhập hàng tháng của 2 vợ chồng loanh quanh 8-9 triệu đồng, vô cùng eo hẹp khi phải nuôi 2 con ăn học. Vẫn biết mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng đã là sự nhảy vọt so với trước đây, nhưng với giá cả thị trường "phi mã" như hiện nay thì vẫn rất khó để thu vén, đảm bảo cuộc sống.

bna_ MH6.jpg
Công chức giải quyết thủ tục hành chính đăng ký kết hôn cho công dân. Ảnh minh họa: Mai Hoa

Một thực trạng nan giải khác chính là sự kiêm nhiệm của cán bộ công chức cấp xã. Hiện nay, đội ngũ này đang cùng lúc phải đảm nhận rất nhiều công việc, từ văn hóa - thể thao đến thương binh – xã hội, từ y tế đến giáo dục, bảo hiểm… Chưa kể, tính chất công việc của những nội dung này rất khác nhau, cái thì phải ngồi một chỗ nghiên cứu, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cái thì phải đi lại nhiều, đòi hỏi sự sôi nổi. Sự khác biệt, chồng chéo trong những công việc này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn mà còn tạo áp lực lớn cho những người đảm nhận. Nếu không đi sớm về muộn, mang việc về nhà, thì chúng tôi không thể hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ đó.

Với thực trạng đó, tôi mong những người làm chính sách sẽ lưu tâm đến phân công công việc cho cán bộ, công chức cấp xã. Nếu như vẫn phải kiêm nhiệm thì phải có chế độ kiêm nhiệm căn cứ theo đầu việc, tương ứng mức thu nhập phù hợp.

Nghệ sỹ Ưu tú Hồ Văn Thông – Đoàn Dân ca Nghệ An

Cần có chính sách riêng cho những ngành đặc thù

Ngành văn hóa - nghệ thuật, thể dục, thể thao nói chung có tính đặc thù so với những ngành khác, tuy nhiên, lại chưa có chính sách riêng cho những ngành này. Như trong ngành nghệ thuật, tuổi nghề hạn chế, sẽ đến lúc chúng tôi không thể nào hát, múa, biểu diễn. Lúc đó, muốn chuyển đổi nghề nghiệp khác cũng khó. Hầu hết mọi người tốt nghiệp hệ trung cấp, hệ số lương cao nhất chỉ là 4,06, dù có cống hiến hết đời thì tiền lương sau nghỉ hưu cũng không thể nào đủ sống, kể cả ở vị trí lãnh đạo. Nếu không vì đam mê, không vì yêu nghề thì chúng tôi không thể chấp nhận ở lại với thu nhập đó. Tuy nhiên, nếu có ở lại thì nhiều người cũng không thể chuyên tâm, trọn vẹn vì bận làm thêm, trang trải cơm áo, gạo tiền.

Rất mừng là những chính sách gần đây của tỉnh đã có sự hỗ trợ riêng nhằm động viên tinh thần cho văn nghệ sĩ có thành tích. Tuy nhiên, lương cộng với mức hỗ trợ vẫn còn khoảng cách rất xa so với nhu cầu sống và giá cả thị trường, chưa thể nào thu hút và giữ chân những tài năng ở thế hệ kế cận.

bna_968db82a226ff431ad7e.jpg
Thu nhập bình quân của người làm trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật rất thấp. Ảnh minh họa: Thanh Nga

Hơn nữa, dân ca ví, giặm là di sản phi vật thể chủ yếu được gìn giữ thông qua các câu lạc bộ và vai trò của câu lạc bộ trong bảo tồn văn hóa dân gian rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện chưa có chính sách lương hay chế độ gì cho lực lượng những người “truyền lửa” này. Theo tôi, cần xây dựng, bổ sung chính sách đặc thù cũng như tìm kiếm “cấu trúc mở” trong chính sách tại địa phương để khuyến khích công tác bảo tồn, phát huy văn hóa dân gian.

Ông Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục:

Điều chỉnh lương thể hiện đúng vai trò của ngành Giáo dục

Phải khẳng định rằng, chủ trương nâng mức lương cơ sở là một chủ trương, chính sách được toàn thể cán bộ, nhà giáo ngành Giáo dục phấn khởi đón nhận. Nội dung trong chính sách thể hiện sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của những người đứng đầu Chính phủ trong vấn đề cải cách tiền lương và cải thiện đời sống nhân dân.

Giờ học của học sinh Trường PT DTBT Tiểu học và THCS Nậm Càn - Kỳ Sơn.JPG
Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Ảnh minh họa: Mỹ Hà

Với những thông tin được cập nhật gần đây, tôi hy vọng thông qua lần cải cách tiền lương này, đội ngũ giáo viên sẽ được nhìn nhận đúng vai trò, vị trí quan trọng tốp đầu trong xã hội. Với đặc thù của nghề, chúng tôi mong phụ cấp nhà giáo, phụ cấp thâm niên, phụ cấp độc hại của nhà giáo cũng sẽ được tính toán để mức lương mới sẽ cao hơn hoặc bằng chứ không thấp hơn. Đồng thời, những vị trí viên chức của văn phòng trường học như thiết bị, kế toán, y tế… cũng sẽ được tính toán để được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp phù hợp, giúp họ yên tâm công tác.

Tâm lý chung của tôi cũng như những cán bộ, giáo viên khác hiện nay là phấn khởi, chờ đợi mức lương mới. Mong rằng, chính sách mới sẽ đánh giá đúng công sức, trách nhiệm của những người đang cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Diệp Thanh