Clip: Đào Thọ Bắt đầu từ tháng 8 âm lịch, tại khu rừng của bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) lại có nhiều người, nhất là phụ nữ vào rừng để nhặt hạt dẻ rụng dưới gốc cây. Theo người dân cho biết, cây dẻ ở đây có nhiều loại và mọc đầy trên các khu rừng, cứ đến mùa Thu hạt chín và rụng xuống nhặt không xuể. Ảnh: Đào Thọ Những cây dẻ cổ thụ cao 5-10 mét có thể cho hàng chục kg hạt. Tuy nhiên, khi rụng xuống, hạt dẻ nằm trong bọc kín có gai nhọn. Loại gai này đâm vào da rất đau. Bởi vậy, muốn nhặt được hạt dẻ mang về cũng phải thật khéo léo và cẩn thận. Ảnh: Đào Thọ Theo chị Ngân Thị May, những ngày đầu mùa hạt dẻ chưa chín nhiều nên các thương lái thu mua với giá khá cao, khoảng 25.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi hạt dẻ rụng hàng loạt thì giá thấp xuống, chỉ từ 15.000-20.000 đồng/kg. Bởi vậy, dù hạt dẻ nhiều nhưng số người vào rừng nhặt cũng giảm đi. Ảnh: Đào Thọ Để nhặt được những hạt dẻ to và chắc, nhiều người phải luồn vào các bụi rậm, không ngại bị vắt và muỗi tấn công. Ảnh: Đào Thọ "Chị em tranh thủ ngày nhàn rỗi nhặt hạt dẻ về vừa ăn, vừa bán thôi. Ngày nhặt được nhiều thì lên đến 15 kg, ngày ít cũng gần 10 kg. Hiện tại, giá bán mỗi kg 20.000 đồng. Nói chung cũng có thêm thu nhập. Lộc của rừng mà" - chị Cụt Mẹ Thương chia sẻ. Ảnh: Đào Thọ Theo tìm hiểu của chúng tôi, hạt dẻ của người dân bản Noọng Dẻ khi nhặt về đều được thương lái đến thu mua hết. Bởi chất lượng hạt dẻ ở đây chắc, thơm ngon được đánh giá là tốt hơn so với các nơi khác. Ảnh: Đào Thọ Hạt dẻ sau khi nhặt về được cho vào nước rửa sạch. Những hạt nào nổi lên mặt nước là hạt bị sâu, hỏng phải vứt bỏ, người dân chỉ lấy những hạt chắc chìm xuống dưới nước. Ảnh: Đào Thọ Hạt dẻ được phơi khô trước khi dành để ăn hoặc bán, tránh bị mốc, hỏng. Ảnh: Đào Thọ
Đào Thọ