Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An đề nghị sửa đổi Luật Đất đai cần có quy định xử lý đối với các thửa đất được cấp không đúng thẩm quyền

Thành Duy - Thu Nguyễn 03/11/2023 17:11

(Baonghean.vn) - Ngày 3/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì.

bna_z4845089645455_c2402247946705fcbcbba5baff5dad2a.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận ngày 3/11 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

Qua nghiên cứu các Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sau nhiều lần chỉnh lý, ông Trần Nhật Minh - đại biểu Quốc hội chuyên trách Đoàn Nghệ An bày tỏ băn khoăn khi dự thảo luật trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV không còn quy định cho phép cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 1/7/2004 nhưng chưa xây dựng nhà ở và cũng không có các quy định về thu hồi, xử lý đối với loại đất này.

Trong khi đó, tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (phiên họp tháng 4/2023) và dự thảo luật xin ý kiến các Đoàn ĐBQH trước Kỳ họp thứ 6 và cả dự thảo luật do Chính phủ trình kèm theo báo cáo được cung cấp tại kỳ họp lần này đều đề cập đến nội dung này.

bna_z4843932046995_1c93ad2662884e04554cfdc5dc3c74bf.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Nam An

Theo vị đại biểu Đoàn Nghệ An, việc mở rộng đối tượng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là các hộ gia đình, cá nhân được giao đất không đúng thẩm quyền vào mục đích để ở, nhưng vì lý do nào đó chưa xây dựng nhà ở thì vẫn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là phù hợp, đảm bảo công bằng cho mọi đối tượng; đặc biệt là đối với những trường hợp chưa có nhà đã được cấp Giấy theo Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số số 42/2014/NĐ-CP.

“Do vậy, tôi đề nghị nghiên cứu, tiếp tục giữ quy định nêu trên để tạo thuận lợi cho người dân trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như công tác quản lý Nhà nước về đất đai”, ông Trần Nhật Minh nêu ý kiến, đồng thời đề nghị: “Trường hợp không tiếp thu, đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra và soạn thảo nêu rõ lý do tại sao lại bỏ quy định này”.

bna_z4843923374478_7970ab449ebece6bbd12d3e525c46112.jpg
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Nam An

Liên quan đến đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng được quy định tại Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, ông Trần Nhật Minh nói: Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025, trong đó có mục tiêu phải giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh.

Vì vậy, theo đại biểu, dự thảo luật quy định: "UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức rà soát hiện trạng sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý” có 2 điểm chưa phù hợp.

Trước hết, là chưa thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 18 do chưa xác định rõ thời hạn đến năm 2025 phải hoàn thành việc rà soát đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh.

Đồng thời, theo quan điểm đại biểu, quy định này chỉ được áp dụng trong một thời hạn nhất định (từ khi Luật có hiệu lực thi hành cho đến khi thực hiện xong việc rà soát), không có tính áp dụng thường xuyên nên để quy định này ở mục “Chế độ sử dụng đất” là không phù hợp.

“Do đó, để đảm bảo tính áp dụng lâu dài của văn bản luật, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định rõ hơn về thời hạn thực hiện việc rà soát và nên bố cục điều này ở Chương 26: Quy định chuyển tiếp, điều khoản thi hành”, vị đại biểu Đoàn Nghệ An nêu ý kiến.

bna_z4845245659581_4ebb7d00868b870fc6c4e5ccb2878f7f.jpg
Ông Trần Nhật Minh - đại biểu Quốc hội chuyên trách Đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nam An

Ông Trần Nhật Minh cũng cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang giao Chính phủ quy định các trường hợp chuyển tiếp là không phù hợp.

Bởi trong khoa học pháp lý, quy định chuyển tiếp là quy định về trường hợp phải áp dụng pháp luật cũ hay những quan hệ pháp luật được xác lập trước thời điểm pháp luật mới có hiệu lực thì khi nào áp dụng pháp luật cũ, khi nào áp dụng pháp luật mới.

Như vậy, quy định chuyển tiếp có ý nghĩa rất quan trọng, liên quan đến việc áp dụng pháp luật và từ trước đến nay đều được quy định trực tiếp tại văn bản có quy phạm được chuyển tiếp.

Trên cơ sở phân tích đó, ông đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm tra rà soát kỹ, xác định rõ các trường hợp cần phải chuyển tiếp để quy định ngay tại dự thảo luật này.

Vị đại biểu Đoàn Nghệ An cũng đồng tình cao với các ý kiến một số ĐBQH đã phát biểu trước đó đề nghị Quốc hội cân nhắc việc thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp lần này để có thời gian rà soát, xử lý những vướng mắc, bất cập và lựa chọn các phương án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra một cách thận trọng nhất, vì đây là dự án luật có tác động rất lớn đến mọi lĩnh vực của kinh tế, xã hội.

Thành Duy - Thu Nguyễn