Phương Tây bước vào kỷ nguyên cân bằng quyền lực địa chính trị

Mỹ Nga 03/11/2023 18:00

(Baonghean.vn) - Phương Tây đang mất dần sức mạnh khi đương đầu với nhiều nhiệm vụ. Thế giới đang bước vào kỷ nguyên địa chính trị mới, dựa trên sự cân bằng quyền lực, nhưng nó khác xa ở thời điểm trước Thế chiến I. Bởi năm 2023, trên trường quốc tế có nhiều “người chơi” hơn, so với năm 1910.

Capture.JPG
Thế giới đang bước vào kỷ nguyên địa chính trị mới, dựa trên sự cân bằng quyền lực. Ảnh minh họa: AP

Trong một bài bình luận trên tờ Telegraph, cựu Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nhận định, hiện nay, khi cuộc chiến ở Dải Gaza có nguy cơ lan rộng khắp Trung Đông, khi tình trạng bế tắc gia tăng ở Ukraine, và chính phủ nhiều nước đang nỗ lực kiềm chế lạm phát, liên minh phương Tây do Mỹ đứng đầu đang mất dần sức lực. Bởi phải đương đầu với nhiều vấn đề địa chính trị trên toàn cầu cùng một lúc.

Theo ông Dominic Raab, niềm tin và sự đoàn kết trong kỷ nguyên thế giới lưỡng cực và chiến tranh Lạnh đã được thay thế bằng một thế giới đa cực, phức tạp hơn. Sự trỗi dậy của phương Đông – do Trung Quốc và Ấn Độ dẫn đầu, đã dẫn đến sự suy giảm tương đối sức mạnh của phương Tây. Sự phân cực chính trị trong nước, từ Mỹ đến Slovakia, đã làm sống lại một cách tiếp cận thực tế hơn đối với lợi ích quốc gia.

Các cuộc đàm phán gặp phải những trở ngại tương đối rõ ràng. Ví như, Liên minh châu Âu và Australia vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận về một hiệp định thương mại tự do. Chủ nghĩa quốc tế trong chính sách đối ngoại của các nước đang mờ nhạt dần, nhường chỗ cho chủ nghĩa hiện thực rõ ràng hơn.

“Chúng ta một lần nữa bước vào kỷ nguyên địa chính trị dựa trên “cân bằng quyền lực”. Nhưng nó khác với mô hình xuất hiện trước Thế chiến I. Bởi có nhiều “người chơi” trên trường quốc tế vào năm 2023, hơn là năm 1910” – cựu Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho hay.

Ông Dominic Raab lưu ý rằng, trong thế giới kỹ thuật số, các chính phủ phải phản ứng nhanh hơn nhiều, và các mối đe dọa xuyên quốc gia – từ đại dịch đến biến đổi khí hậu, đã thu hút sự quan tâm lớn nhất.

Tại Mỹ, cho dù ông Donald Trump hay Tổng thống Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2024, có thể sẽ có lập trường ít can thiệp hơn, và lên tiếng nhiều hơn trước mong muốn của châu Âu “được tự do ngồi trên chiếc ô an ninh của Mỹ”. EU sẽ khao khát quyền tự chủ chiến lược lớn hơn. Tuy nhiên, có thể một số nước sẽ từ chối cung cấp ngân sách cho Brussels.

Kéo theo đó, nguồn cung cấp vũ khí cho Ukraine khó có thể đáp ứng được nhu cầu của nước này. Do đó, tình trạng bế tắc trong cuộc xung đột ở Ukraine sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn.

Theo Dominic Raab, lăng kính vạn hoa đang thay đổi này cũng tạo ra cơ hội cho các quốc gia cỡ trung bình. Cho dù đó là nỗ lực gìn giữ hòa bình và đầu tư ở Đông Phi, hợp tác thương mại và hàng hải ở Đông Nam Á, hay ổn định chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng ở Nam Mỹ…

“Việc nhấn mạnh vào chủ nghĩa thực dụng sẽ làm “lu mờ” những “dòng tweet thấm đẫm sự phô trương”. Người dân và nhà đầu tư sẽ học cách nhìn rõ điều gì ẩn nấp đằng sau những dòng thông cáo báo chí đầy rẫy những lời sáo rỗng. Nếu lý trí chiếm lĩnh, thế giới có thể nhận ra rằng, cách tiếp cận thực tế sẽ đưa chúng ta đến một kỷ nguyên ổn định hơn” – cựu Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nhận định./.

Mỹ Nga