Các địa phương xoay xở để chi trả việc tăng tiết, thiếu giáo viên ở bậc tiểu học

Mỹ Hà 03/11/2023 16:45

(Baonghean.vn) -Trong bối cảnh thiếu giáo viên đang diễn ra tại nhiều trường học ở bậc tiểu học, các địa phương vẫn đang nỗ lực để tổ chức dạy học đảm bảo đủ số tiết tối thiểu. Tuy nhiên, do chưa có một hướng dẫn cụ thể nên việc triển khai chưa đồng bộ và còn có sự khác nhau giữa các vùng, miền.

Phụ huynh cùng chung tay

Năm học này, Trường Tiểu học Nam Lĩnh (Nam Đàn) có 16 lớp, với gần 600 học sinh. Tỷ lệ giáo viên hiện nay của trường đang là 1,13 giáo viên/lớp và thiếu ít nhất 3 giáo viên nữa mới đáp ứng đủ gần 1,5 giáo viên/lớp. Khó khăn hiện nay đó là dù đang thiếu giáo viên, trường thông báo tuyển dụng hợp đồng đã khá lâu nhưng từ đầu năm học đến nay vẫn chưa hợp đồng được giáo viên mới. Để đảm bảo dạy học đủ 32 tiết/tuần, nhà trường buộc phải vận động giáo viên toàn trường dạy tăng tiết, với trung bình mỗi giáo viên trên 25 tiết/tuần, vượt ít nhất 3 tiết/tuần so với quy định.

IMG_1947.JPG
Chương trình Giáo dục phổ thông mới tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Ảnh: Mỹ Hà

Nói về điều này, cô giáo Nguyễn Thị Thuận – giáo viên chủ nhiệm lớp 3C cho biết: Việc dạy đủ 32 tiết/tuần sẽ tạo điều kiện để học sinh được tăng thêm nhiều tiết thực hành, làm bài tập trên lớp, các em được tham gia nhiều hoạt động. Tuy nhiên, với giáo viên, nhất là với những người đã đứng tuổi như chúng tôi thì đây là một áp lực không nhỏ. Gần như chúng tôi phải làm việc cả ngày ở trường và việc soạn bài, chấm bài phải tranh thủ ngoài giờ lên lớp.

Tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra trên toàn huyện Nam Đàn. Để “bù” vào thời gian tăng tiết của giáo viên hoặc để hỗ trợ các trường có thêm kinh phí để chi trả cho giáo viên hợp đồng, huyện Nam Đàn hỗ trợ chi trả cho các trường, với mức giáo viên tối thiểu 1,33 giáo viên/lớp. Số còn lại, để đảm bảo 1,5 giáo viên/lớp, các nhà trường sẽ huy động sự đóng góp từ giáo viên.

Hưng Linh.JPG
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Nam Lĩnh (Nam Đàn). Ảnh: Mỹ Hà

Ở Trường Tiểu học Nam Lĩnh, hiện tùy theo các cấp học, mỗi cấp có một mức thu khác nhau. Như năm học 2022 - 2023, với khối 1 và khối 2, nhà trường thu 448.000 đồng/em/năm, khối 3 là 256.000 đồng/em/năm, khối 4 và 5 là 384.000 đồng/em/năm.

Trao đổi thêm về điều này, cô giáo Đinh Thị Lan – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc thu tiền tăng thêm, chúng tôi căn cứ từ nguồn ngân sách chi trả được bao nhiêu tiết, số còn lại sẽ huy động từ phụ huynh. Điều này cũng sẽ giúp nhà trường thuận lợi hơn trong tổ chức dạy học và kịp thời động viên các giáo viên khi phải tăng tiết, tăng buổi và chịu khá nhiều áp lực về thời gian, cường độ làm việc.

Với tỷ lệ giáo viên được giao là 1,23 giáo viên/lớp, huyện Nam Đàn đang thiếu hàng chục giáo viên nếu tính theo quy định là 1,5 giáo viên/lớp. Trong bối cảnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đàn đã tham mưu với huyện để trích ngân sách mỗi năm khoảng 2,5 tỷ đồng để hỗ trợ các nhà trường hợp đồng thêm giáo viên, đảm bảo 1,33 giáo viên/lớp. Phần còn lại, các nhà trường sẽ tự cân đối và huy động thêm từ phụ huynh.

Tuy nhiên, do đặc thù của chương trình mới, số tiết tối thiểu quy định cho các cấp học khác nhau, trong đó, khối 1 và khối 2 là 25 tiết/tuần, khối 3 là 28 tiết/tuần, khối 4 là 30 tiết/tuần và khối 5 (theo chương trình cũ) là 26 tiết/tuần, nên việc tính toán, cân đối số giáo viên thừa, thiếu ở từng khối, lớp khá phức tạp. Vì vậy, dẫn đến tình trạng, cùng một trường, nhưng số tiền đóng hỗ trợ tăng tiết của mỗi khối lớp lại khác nhau và nhiều nhất là khối 1 và khối 2.

Trong khi huyện Nam Đàn đang hỗ trợ một phần nào kinh phí chi trả tăng tiết hoặc thiếu giáo viên thì nhiều địa phương khác, nguồn kinh phí này hoàn toàn phụ thuộc vào phụ huynh. Tại thành phố Vinh, các năm trước mức thu trung bình mỗi tháng cho toàn thành phố là 50.000 đồng học sinh/tháng.

Hiện nay, biên chế giáo viên giao cho thành phố đang là 1,238 giáo viên/lớp và đang thiếu hơn 0,2 giáo viên/lớp theo như quy định. Chúng tôi đang dự kiến, năm nay mỗi trường sẽ thu từ 40.000 đến 50.000 đồng/học sinh/tháng để lấy kinh phí chi trả thêm cho số giáo viên phải hợp đồng ở các trường. Việc tính toán sẽ được căn cứ theo đội ngũ giáo viên hiện có và tổng số tiết.

Bà Ngô Thị Nguyệt – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh

Chưa thống nhất trong thực hiện

Việc thu từ phụ huynh để bù vào chi phí chi trả do thiếu giáo viên cũng đang được các trường học ở huyện Hưng Nguyên thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều hiệu trưởng cũng đang có những băn khoăn.

Thầy giáo Phan Xuân Lợi – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (Hưng Nguyên) chia sẻ: Theo chương trình mới, học sinh sẽ đương nhiên được học 2 buổi/ngày và nhà trường phải đủ giáo viên đứng lớp. Nhưng thực tế hiện nay, việc thiếu giáo viên đang diễn ra khá phổ biến. Như ở trường chúng tôi với tỷ lệ 1,27 giáo viên/lớp thì sẽ không đảm bảo việc dạy học. Việc nhà trường thu thêm tiền mỗi học sinh từ 70.000 đến 80.000 đồng/tháng nếu chiếu theo các văn bản hướng dẫn có thể sẽ chưa thấu đáo. Tuy nhiên, chúng tôi đang triển khai trên tinh thần thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường để đảm bảo đủ giáo viên dạy 32 tiết/tuần.

Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai.JPG
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (Hưng Nguyên). Ảnh: Mỹ Hà

Trên toàn tỉnh, việc triển khai dạy học ở bậc tiểu học tại các địa phương đang có sự khác nhau. Điều này phụ thuộc vào số giáo viên hiện có, phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ của các địa phương hoặc phụ thuộc vào cách triển khai ở từng trường.

Những năm qua, các huyện như Diễn Châu, Nam Đàn, Nghi Lộc là một trong những địa phương đi đầu trong việc cấp kinh phí hỗ trợ hợp đồng giáo viên cho các trường. Nhưng bên cạnh đó, nhiều địa phương, ngành Giáo dục vẫn đang tự xoay xở.

Trong khi đó, việc thu thêm tiền từ việc thỏa thuận đối với phụ huynh không phải khi nào cũng nhận được sự đồng tình. Tại huyện Quỳnh Lưu, từ đầu năm học đến nay, ông Trần Xuân Nhương – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện đã có nhiều văn bản gửi tới nhiều ban, ngành liên quan từ Trung ương đến tỉnh để tìm giải pháp hỗ trợ tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra trầm trọng trên địa bàn.

Cụ thể, số giáo viên tiểu học hiện có của huyện Quỳnh Lưu tính đến tháng 10/2023 là 1.179 người. Trong khi nhu cầu để bố trí dạy học 2 buổi/ngày là 1.434 giáo viên. Trong đó, đội ngũ để bố trí đủ 1,5 giáo viên/lớp để dạy cho các lớp 1, 2, 3, 4 là 1.167 người, còn số giáo viên để dạy lớp 5 là 268 người. Số định biên thiếu cần bổ sung để tổ chức dạy 2 buổi/ngày của huyện Quỳnh Lưu là 174 người.

Vì số giáo viên không đủ để đứng lớp, trước mắt huyện Quỳnh Lưu đang tạm thời hướng dẫn để các trường dạy học cho các lớp đảm bảo theo số tiết tối thiểu như quy định của chương trình mới (từ 25 – 30 tiết/tuần, tùy theo từng cấp học). Bên cạnh đó, huyện cũng đã có tờ trình đề xuất phương án tổ chức dạy học đối với cấp tiểu học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

IMG_2011.JPG
Việc thiếu giáo viên sẽ khiến các học sinh thiệt thòi khi không được học đủ các số tiết theo quy định. Ảnh: Mỹ Hà

Phương án 1 của chúng tôi là tổ chức dạy học đủ các môn, hoạt động giáo dục bắt buộc, không tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Phương án 2 là tiếp tục tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và huyện trích ngân sách hỗ trợ cho giáo viên để dạy tăng tiết hoặc hợp đồng giáo viên. Dự kiến kinh phí cấp bù cho năm học 2023-2024 là 8,6 tỷ đồng (tính theo mức lương tối thiểu). Phương án 3 là tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nhưng cha mẹ học sinh hỗ trợ phần kinh phí tổ chức các hoạt động ngoài môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc.

Ông Trần Xuân Nhương - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Lưu

Dù phương án đã đưa ra, nhưng cho đến nay, huyện Quỳnh Lưu vẫn chưa tìm được giải pháp tối ưu. Trong khi đó, việc vận động xã hội hóa, thỏa thuận để phụ huynh đóng góp tiền trả cho giáo viên dạy tăng tiết, hoặc hợp đồng giáo viên trên địa bàn rất khó khăn. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện cũng bày tỏ sự lo lắng và mong muốn tối ưu nhất là phương án 2 được triển khai, bởi hiện nay “Trong khi nhiều địa phương khác trong tỉnh đang dạy 32 tiết/tuần, nhưng nếu học sinh Quỳnh Lưu chỉ được dạy số tiết tối thiểu, không dạy học 2 buổi/ngày sẽ thiệt thòi”.

Với thực tế hiện nay, nếu các địa phương không được bổ sung đủ giáo viên, nếu không có một phương án thống nhất để hướng dẫn cho các địa phương trong quá trình triển khai chương trình mới, việc tổ chức dạy học ở bậc tiểu học sẽ còn những khó khăn kéo dài. Tình trạng này cũng đang diễn ra tại nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Mới đây, Thành phố Hồ Chí Minh từng nhiều lần đề xuất Quốc hội, Chính phủ có chính sách chi trả thu nhập dạy học buổi 2 cho giáo viên tiểu học để đảm bảo quyền lợi cho cả giáo viên và học sinh.

Mỹ Hà