Cuốn sách 'Có một miền quê yêu thương' - tiếng lòng của người con làng Vĩnh Tuy
(Baonghean.vn) - Chuyện về làng quê yêu dấu Vĩnh Tuy (xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành) với một bề dày trầm tích văn hóa đồ sộ của nhà địa chất học Trần Công Bổng đã thể hiện những điều giản dị để thế hệ mai sau biết về làng quê mình.
Sáng 5/11, tại xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành đã tổ chức chương trình giao lưu giới thiệu cuốn sách "Có một miền quê yêu thương" của tác giả Trần Công Bổng. Tham gia buổi giao lưu có các nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học, nhà thơ: Nguyễn Hữu Thanh Hải, nguyên giảng viên Học viện Quốc tế - Bộ Công an; Bùi Việt Thắng - Nhà lý luận phê bình văn học, Hội Nhà văn Việt Nam... và đại diện lãnh đạo xã Vĩnh Thành.
"Có một miền quê yêu thương" là cuốn sách của nhà địa chất học Trần Công Bổng, quê ở làng Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành kể về một vùng quê có một bề dày trầm tích văn hóa đồ sộ, là tiếng lòng da diết của người con luôn đau đáu về nơi sinh thành.
Làng Vĩnh Tuy được biết đến với những ngọn núi, dòng sông, cánh đồng, đến những ngôi đình, ngôi chùa, ngôi đền linh thiêng, cả đến những con đường làng thân thương... và đó còn là những người con ưu tú của làng như cụ Nguyễn Văn Viêng, cụ Ngô Xuân Lan, cụ Trần Tiệu, cụ cố Nguyễn Như Quỹ và nhiều người khác nữa…
Đó là tình yêu đối với những người thân, bà con làng xóm, là những bài dân ca, những câu Kiều, những làn điệu ví, giặm mặn mà sâu lắng, hay duyên dáng tình tứ giao duyên phường vải, giọng đò đưa man mác giữa trưa hè…
"Có một miền quê yêu thương" của tác giả Trần Công Bổng là một tác phẩm toàn tâm, toàn ý viết về làng, theo triết lý lão thực. Cuốn sách có độ dày 480 trang với 33 bài viết về đất và người quê hương, được chia làm 3 phần: Quê hương là chùm khế ngọt; Những người con của làng và Đời địa chất trên từng cây số.
Cuốn sách được chia làm 3 phần, nhưng thực chất là dính kết với nhau rất chặt chẽ thông qua tầng cảm xúc dâng trào theo từng bước chân của tác giả. Cuốn sách là khúc ca trữ tình được cất lên từ trái tim chất đầy kỷ niệm của người con chân quê luôn nhớ về nơi “chôn nhau cắt rốn”.
Tại buổi giao lưu giới thiệu cuốn sách, các nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học đều nhận xét, đây là cuốn sách viết về làng quê rất sinh động, có giá trị về lịch sử và văn hóa cần được lưu giữ./.