Kinh doanh thua lỗ, nhiều cây xăng ở Nghệ An có nguy cơ đóng cửa

Văn Trường 06/11/2023 14:10

(Baonghean.vn) - Những ngày gần đây, nhiều nhà bán lẻ xăng dầu trên địa bàn Nghệ An cho biết, mức chiết khấu (hoa hồng) của xăng giảm xuống mức quá thấp khiến họ không đủ để trang trải các chi phí kinh doanh, dẫn đến thua lỗ.

bna_van truong 2.jpeg
Cửa hàng xăng dầu của gia đình anh Nguyễn Hàm Hà xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương. Ảnh: Văn Trường

Anh Nguyễn Hàm Hà, chủ cửa hàng xăng dầu ở xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương chia sẻ: Bán lẻ xăng dầu hiện nay luôn trong trạng thái hoạt động bấp bênh, thua lỗ và khó khăn về tài chính do mức chiết khấu quá thấp.

Cụ thể, vào đầu tháng 10, giá xăng dầu đều được chiết khấu ở mức từ 1.500 đồng/lít đến hơn 2.000 đồng/lít. Thế nhưng, từ ngày 15/10 vừa qua, chiết khấu xăng đột ngột giảm xuống chỉ còn dưới 500 đồng/lít, có thời điểm còn 450 đồng/lít.

Với mức chiết khấu như thế này chưa đủ chi phí cho thuê mặt bằng và trả lương cho 2 công nhân, bình thường lương công nhân trên 6 triệu đồng/tháng/người. Nay giai đoạn khó khăn nên chúng tôi chỉ trả được lương 2 triệu đồng/người/tháng. Công nhân hiểu được tình cảnh chiết khấu thấp nên cũng chia sẻ với cửa hàng.

Ông Nguyễn Thế Cường - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thanh Chương cho biết: Địa bàn huyện Thanh Chương có 26 cây xăng dầu, từ năm 2022 đến nay, có 2 cây xăng dầu đã dừng hoạt động do chiết khấu xăng dầu quá thấp. Huyện mong các ngành liên quan cần sớm có giải pháp nhằm cung cầu xăng dầu để người dân thuận lợi trong làm ăn, đi lại.

Thời gian qua, huyện Thanh Chương phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 8 thường xuyên kiểm tra, giám sát việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, không để xảy ra tình trạng ngừng bán hàng không có lý do chính đáng; Đảm bảo việc bán hàng tại các cửa hàng xăng dầu không bị gián đoạn, nhất là trước chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu.

bna_van truong 345.JPG
Kinh doanh thua lỗ, một cây xăng dầu ở huyện Quỳ Hợp dừng hoạt động. Ảnh: Văn Trường

Tại địa bàn huyện Diễn Châu, hiện có nhiều cửa hàng xăng dầu đang phải hoạt động cầm cự. Chủ một cây xăng dầu ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu chia sẻ thêm: Mỗi ngày chúng tôi bán được 600-700 lít xăng, dầu, thời điểm hiện tại mức chiết khấu chỉ dao động 450-500 đồng/lít xăng, dầu. Doanh nghiệp không có lãi, thậm chí không đủ trả chi phí vận chuyển từ kho về cây xăng. Còn nếu tính đủ các chi phí bán hàng, điện, lương nhân viên, lãi suất ngân hàng, mỗi lít xăng bán ra, doanh nghiệp đang phải bù lỗ.

“Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên dù lời hay lỗ, doanh nghiệp vẫn buộc phải bán hàng, nếu ngừng bán phải có lý do chính đáng, nếu không sẽ bị phạt, nên cửa hàng vẫn phải hoạt động” - một số chủ cửa hàng xăng dầu ở xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu cho hay.

Theo báo cáo của phòng Kinh tế hạ tầng huyện Diễn Châu, toàn huyện có 84 cây xăng dầu, từ đầu năm 2023 đến nay, có 5 cây xăng dầu xin dừng hoạt động do kinh doanh thua lỗ. Huyện phối hợp với Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra giám sát chặt chẽ các cửa hàng bán xăng dầu lẻ, không để xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung xăng dầu. Cùng với đó, thực hiện chế độ báo cáo nhanh về tình hình thị trường cung ứng xăng dầu trên địa bàn trước mỗi chu kỳ điều chỉnh giá gửi về UBND huyện.

Với địa bàn huyện Yên Thành hiện có khá nhiều cây xăng dầu xin dừng hoạt động do kinh doanh thua lỗ. "Để đầu tư được một cửa hàng xăng dầu bán lẻ không phải chuyện đơn giản, phải lo các thủ tục, chủ trương đầu tư, quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất, giấy phép xây dựng, giấy phép đấu nối, giấy phép phòng cháy, chữa cháy, giấy đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu... chưa kể đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng hạ tầng kho bãi. Do không có lãi nên chúng tôi dừng hoạt động" - chủ cây xăng dầu ở xã Văn Thành, Yên Thành nói thêm.

Toàn huyện Yên Thành có 50 cây xăng dầu. Từ năm 2022 đến nay, có 6 cây xăng dầu xin dừng hoạt động do làm ăn thua lỗ đã bị Sở Công Thương thu hồi giấy phép kinh doanh.

Tính cả tỉnh, Nghệ An có 600 cây xăng dầu hiện đang hoạt động bình thường, từ năm 2021 đến nay có trên 80 cây xăng dầu đã dừng hoạt động.

Đại diện Sở Công Thương cho biết: Hiện nay, qua mức chiết khấu thực tế cho thấy, hầu hết các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn Nghệ An bán ra đang lỗ. Điều này gây nhiều khó khăn cho việc duy trì hoạt động của các doanh nghiệp xăng dầu. Việc chiết khấu xăng dầu thấp, nhưng hiện nay ngành chức năng chưa thể tìm ra giải pháp để tháo gỡ, bởi đây là hợp đồng kinh tế, thoả thuận giữa nhà cung ứng và cửa hàng xăng dầu, chưa kể xăng dầu còn phụ thuộc vào nguồn hàng ở nước ngoài.

bna_van truong 45.jpeg
Những cây xăng ở Yên Thành đang hoạt động rất khó khăn do chiết khấu thấp. Ảnh: Văn Trường

Để tháo gỡ khó khăn hiện nay, giải pháp đặt ra là các đầu mối, thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu cần phải chia sẻ lợi ích hài hoà giữa 2 bên, và trong giai đoạn khó khăn thì các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cũng phải chia sẻ với các đầu mối, thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu.

Sở Công Thương hiện đang tiếp tục chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu trên địa bàn chủ động cân đối nguồn cung sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu nhằm đảm bảo duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục, cung cấp đầy đủ xăng dầu cho các thương nhân nhượng quyền thương mại, tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu, đảm bảo không để thiếu hụt, thường xuyên kiểm tra, giám sát, chỉ đạo nắm bắt tình hình. Rà soát, tổng hợp các vấn đề vướng mắc phát sinh về nguồn cung xăng dầu, quản lý, điều hành hoạt động xăng dầu; báo cáo, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phương án chỉ đạo, điều hành hợp lý, kịp thời.

Theo các nhà chuyên môn; muốn thị trường xăng dầu hoạt động ổn định và duy trì hệ thống hoạt động xuyên suốt, kể cả trong dịp lễ và Tết, thì phải có điều kiện cần và đủ là quy định chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp bán lẻ không dưới 5-6%/giá bán lẻ tùy theo thời điểm. Cùng đó, quy định cho doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng ở nhiều nơi để đảm bảo nguồn hàng và có thù lao tăng thêm từ cạnh tranh.

Văn Trường