Huyện miền núi Quế Phong chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thiên tai

Tiến Đông 05/11/2023 10:12

(Baonghean.vn) - Để ứng phó với những diễn biến phức tạp của thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của huyện Quế Phong đã chỉ đạo các cấp sẵn sàng phương châm “4 tại chỗ”, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại khi thiên tai xảy ra.

Diễn biến phức tạp

Quế Phong là địa phương có diện tích rộng nằm phía Tây Bắc của tỉnh với hơn 1.888km2, chia thành 13 xã, thị trấn. Địa hình bị chia cắt mạnh bởi nhiều khe, suối có độ dốc lớn. Trong đó các hệ thống sông lớn như: Sông Chu bắt nguồn từ Lào, chảy qua 2 xã Thông Thụ và Đồng Văn rồi đổ về Thanh Hóa; ngoài ra còn có các sông Nậm Việc, Nậm Quàng, Nậm Giải, là những nhánh đầu nguồn của sông Hiếu, tạo ra lưu vực lớn, nằm ở địa hình núi cao, nên thường gây ra lũ ống, lũ quét, gây sạt lở đất, làm ảnh hưởng lớn đến hạ tầng, sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Với địa hình đó, hàng năm huyện Quế Phong luôn phải hứng chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra. Mới đây nhất, từ chiều 26 đến ngày 29/9/2023, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn huyện Quế Phong đã xảy ra mưa lớn gây ngập sâu, sạt lở đất, làm chia cắt nhiều thôn, bản và hư hỏng nhiều nhà cửa, cơ sở vật chất, hạ tầng trên địa bàn huyện. Trong đó, đã có 333 nhà dân bị ảnh hưởng (7 nhà sập hoàn toàn; 8 nhà bị hư hỏng nặng; 110 nhà bị sạt lở đất, đá…). Chưa kể, nhiều công trình trường học, trạm y tế, các tuyến đường tỉnh, đường huyện bị sạt lở gây ách tắc giao thông. Ước tính đợt lũ này gây thiệt hại hơn 82 tỷ đồng.

BNA_Quang phong.jpg
Trận lũ vào cuối tháng 9 vừa qua đã khiến cho nhiều khu vực tại huyện Quế Phong bị ngập úng. Ảnh: CSCC

Theo đánh giá của các chuyên gia về thiên tai, ngoài các loại hình thiên tai như rét đậm, rét hại, nắng nóng, gió lốc, mưa đá, thì huyện Quế Phong là địa bàn chịu mức độ thiên tai từ cấp 2 đến cấp 4 đối với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Các hiện tượng thiên tai này thường xảy ra trong khoảng từ tháng 8 đến tháng 10, khi khu vực chịu nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới, gây mưa lớn tại khu vực thượng nguồn các con sông. Mưa lớn tập trung, dồn dập với cường độ lớn trong nhiều ngày khiến nguy cơ hình thành các trận lũ quét, lũ ống tăng cao, kèm theo đó là hiện tượng sạt lở đất, đứt gãy mạch núi…

Theo báo cáo tổng hợp về nhận dạng thiên tai của huyện Quế Phong thì mưa lớn trên địa bàn thường xảy ra 7-9 đợt mỗi năm, lượng mưa trung bình trên 100mm mỗi đợt. Do mưa lớn nên gây lũ, ngập úng. Kéo theo đó là lũ ống, lũ quét thường xảy ra ở các lưu vực nhỏ, có thảm thực bì thưa, độ dốc lưu vực trên 20%. Hàng năm, huyện Quế Phong thường chịu ảnh hưởng của 3 - 7 trận lũ lớn, nhỏ từ 3 con sông chính (sông Quàng, sông Nậm Giải, sông Nậm Việc) và các dòng suối lớn nhỏ trên địa bàn huyện.

BNA_Một ngôi nhà của người dân tại bản Hạnh Tiến, xã Hạnh Dịch bị sập hoàn toàn. Ảnh- CSCC.jpg
Một ngôi nhà của người dân tại bản Hạnh Tiến, xã Hạnh Dịch bị sập hoàn toàn do sạt lở đất. Ảnh: CSCC

Chủ động ứng phó

Lường trước những diễn biến phức tạp của thiên tai, hàng năm chính quyền địa phương các cấp tại huyện Quế Phong luôn tổ chức tốt công tác sẵn sàng ứng phó với phương châm “4 tại chỗ”, nhằm mục đích hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là người, tài sản và các công trình trọng yếu.

Tại xã Quang Phong - địa phương thường xuyên bị thiệt hại bởi thiên tai, trong đợt mưa lũ vào cuối tháng 9 vừa qua, đã có 29 hộ dân có nhà bị ngập; 5 điểm bị sạt lở (chủ yếu là trên Quốc lộ 48D); một số điểm trường học và trạm y tế bị sụt lún và tốc mái, tổng thiệt hại ước tính hơn 1,6 tỷ đồng. Rất may là trong đợt lũ lụt vừa qua, nhờ sự chuẩn bị kỹ càng mà không có thiệt hại về người xảy ra.

BNA_giải toả.jpg
Các lực lượng tại chỗ của xã Quang Phong khắc phục điểm sạt lở. Ảnh: CSCC

Ông Lô Văn Cường – Chủ tịch UBND xã Quang Phong cho biết: Ngay từ tháng 5/2023, địa phương đã xây dựng phương án, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho năm 2023. Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của xã đã giao nhiệm vụ cho các bộ phận, ban quản lý 6 thôn, bản tổ chức kiểm tra, đánh giá khả năng chống chịu với thiên tai của các công trình trên địa bàn, nhất là hệ thống giao thông, thuỷ lợi. Đồng thời lên phương án sơ tán, bố trí nơi ăn ở cho nhân dân theo từng cấp độ thiên tai. Đặt an toàn của người dân lên hàng đầu, và hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại về cơ sở vật chất, hạ tầng…

Ngoài phương án của các xã, thị trấn, ngày 8/5/2023, UBND huyện Quế Phong cũng đã ban hành Quyết định 140/QĐ-UBND về việc ban hành phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn năm 2023. Theo đó, qua phân tích, nhận định tình hình diễn biến thiên tai, UBND huyện Quế Phong đã lên phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai và từng cấp độ thiên tai. Phân công trách nhiệm cho Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp phải phát huy nguồn lực tại chỗ để phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Vận động mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hộ gia đình chủ động phòng chống, khắc phục thiên tai. Tất cả các ngành, các cấp phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả”.

BNA_Các đồng chí lãnh đạo huyện Quế Phong chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh CSCC.jpg
Các đồng chí lãnh đạo huyện Quế Phong chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: CSCC

Hay như trước khi bước vào mùa mưa bão, ngày 18/7/2023, UBND huyện đã ban hành Công điện số 08/CĐ-UBND gửi các cơ quan, ban, ngành cấp huyện, các xã, thị trấn về việc chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản nhân dân trước và trong mùa mưa lũ. Trong đó, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ phải theo dõi chặt chẽ tình hình sự cố, thiên tai, sạt lở, chủ động kiểm tra, rà soát các cơ sở vật chất, hạ tầng; tổ chức kiểm tra các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế… để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn; kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và cơ sở hạ tầng. Đồng thời có phương án ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời...

Ông Bùi Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Ngoài việc gây thiệt hại cho tài sản của nhân dân, thiên tai còn gây thiệt hại lớn đến cơ sở vật chất hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, thuỷ lợi trên địa bàn. Ngay như đợt mưa lũ diễn ra trong tháng 9 vừa qua, đã làm sạt lở nhiều điểm trên tuyến Quốc lộ 16 đi qua địa bàn, đây là tuyến đường do tỉnh quản lý. Như sạt lở taluy dương tại 6 điểm ở địa bàn xã Châu Kim; tại Km265+800 bị sạt lở taluy dương với chiều dài dọc theo tuyến đường 30m gây ách tắc giao thông tại địa phận xã Châu Thôn…

“Mặc dù đã có phương án đối phó, tuy nhiên, những thiệt hại do thiên tai gây ra là điều không thể lường trước được và không thể tránh khỏi, vì vậy để khắc phục những khó khăn, hư hỏng do thiên tai gây ra trên địa bàn, bên cạnh việc phát huy nội lực, huyện cũng mong các ban, ngành Trung ương, tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí giúp đỡ huyện để khắc phục kịp thời các công trình bị hư hỏng nghiêm trọng, nhất là về giao thông, thuỷ lợi. Đồng thời đề nghị các cấp, ngành liên quan công bố thiên tai do mưa lớn gây ra trên địa bàn huyện Quế Phong thời gian gần đây để UBND huyện có cơ sở hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ thiệt hại cho các hộ dân bị ảnh hưởng theo quy định hiện hành” – Ông Hiền nhấn mạnh.

Tiến Đông