Nghệ An chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế do Ban chỉ đạo CCHC Chính phủ nêu ra

Đức Dũng 06/11/2023 11:39

(Baonghean.vn) -UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế theo Thông báo số 37/VPBCĐCCHC ngày 19/10/2023 của Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ về kết luận kiểm tra công tác cải cách hành chính tại tỉnh Nghệ An.

bna_IMG_7670.jpg
Đoàn kiểm tra Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ làm việc với UBND tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Mục đích của Kế hoạch nhằm đề ra các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC trên địa bàn tỉnh theo Thông báo số 37/VPBCĐCCHC ngày 19/10/2023 của Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ; Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện công tác CCHC; Khắc phục những nút thắt, điểm nghẽn trong công tác CCHC, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.

UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các ngành, các cấp nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo kế hoạch này. Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấn chỉnh, quán triệt, kịp thời khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế được Đoàn kiểm tra chỉ ra.

Cụ thể về nhiệm vụ và giải pháp khắc phục như sau:

1. Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính

- Tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về CCHC; tập trung thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ theo Kế hoạch CCHC năm 2023;

- Đề cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ các nội dung trong công tác CCHC, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo những sáng kiến hay, cách làm mới trong công tác CCHC;

- Thường xuyên tổ chức đối thoại, khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, ban hành các chính sách cải cách nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp;

- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra giám sát việc thực hiện nhiệm vụ CCHC; rà soát, khắc phục những tồn tại, hạn chế sau thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

2. Cải cách thể chế

- Nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng, ban hành văn bản QPPL, đảm bảo chất lượng đúng quy định của pháp luật, phù hợp thực tiễn; bố trí nguồn lực đầy đủ để hiện thực hóa văn bản QPPL đúng quy định;

- Thường xuyên kiểm tra, rà soát và xử lý văn bản QPPL để đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. Tập trung hoàn thiện các quy định pháp luật để xử lý những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo và trái pháp luật, nhất là các lĩnh vực liên quan đến sản xuất kinh doanh, đầu tư, du lịch, đất đai,...

3. Cải cách thủ tục hành chính

- Thực hiện công bố, công khai kịp thời các TTHC; đảm bảo 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết được cập nhật công khai đầy đủ, đúng quy định tại nơi tiếp nhận, giải quyết TTHC và trên Cổng/Trang Thông tin điện tử (TTĐT) của các cơ quan, đơn vị;

- Tiếp tục rà soát, đánh giá TTHC, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ các TTHC không cần thiết, không hợp pháp và không hợp lý; cắt giảm đơn giản hóa thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết TTHC, tập trung một số lĩnh vực trọng tâm như: Đầu tư, đất đai, xây dựng, tài nguyên và môi trường, thuế, hải quan, y tế... nhất là TTHC liên quan liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; tăng cường các biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn cho tổ chức, cá nhân trong giải quyết TTHC;

- Tập trung đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đang còn hiệu lực để đáp ứng yêu cầu của Chính phủ; tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai các giải pháp để tăng tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến, thanh toán trực tuyến;

- Nâng cấp, kiện toàn, tổ chức lại Bộ phận Một cửa các cấp theo đúng quy định của Chính phủ, giảm tối đa tỷ lệ hồ sơ trễ hạn; tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp gây khó khăn, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp hoặc không tuân thủ quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC;

- Đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

4. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

- Rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành kịp thời quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính nhà nước theo Nghị định Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương gắn với việc thực hiện Đề án, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) của các cơ quan, đơn vị đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh phê duyệt;

- Tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện các quy định về phân công, phân cấp, đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra sau phân công, phân cấp.

5. Cải cách chế độ công vụ, công chức

- Thực hiện nghiêm việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức. Bố trí công chức, viên chức theo đúng vị trí việc làm và tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp đã được phê duyệt;

- Tăng cường các hoạt động kiểm tra nhằm chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về chuẩn mực xử sự, thái độ giao tiếp ứng xử, nội quy, giờ giấc làm việc. Phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm đạo đức công vụ;

- Triển khai thực hiện các chính sách mới về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách quy định tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;

- Tổ chức thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài, quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung theo quy định tại Nghị định số 73/2023/NĐ- CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ. Thực hiện có hiệu quả chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ về tinh giản biên chế. Đối với các đơn vị thực hiện chính sách tinh giản biên chế còn chậm tiến độ cần khẩn trương nhanh chóng hoàn thành theo kế hoạch đề ra.

6. Cải cách tài chính công

- Tăng cường công tác quản lý thu, chi ngân sách, chống thất thu, nợ đọng thuế; thường xuyên đánh giá khả năng thực hiện các nguồn thu trên địa bàn, thực hiện các giải pháp thiết thực, hiệu quả phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2023;

- Thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức khoa học công nghệ công lập theo các quy định của Chính phủ;

- Đảm bảo kịp thời tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch đề ra;

- Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách đối với các cơ quan, đơn vị; tăng cường kiểm tra và chấn chỉnh các sai phạm trong quản lý, sử dụng kinh phí quản lý hành chính tại cơ quan hành chính các cấp ở địa phương. Kịp thời thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán về tài chính, ngân sách.

7. Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số

- Lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả việc chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An hành theo kế hoạch đã ban hành;

- Tiếp tục triển khai kiến trúc chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ, nhiệm vụ đảm bảo tính đồng bộ ở các cấp chính quyền;

- Tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ việc ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ các cơ quan, đơn vị.

Kế hoạch cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này.

Đức Dũng