Đại biểu Quốc hội: Tại sao nhiều cao tốc chỉ cho phép tốc độ tối đa là 80 km/giờ?
(Baonghean.vn) - Ngày 6/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì, điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội bắt đầu tiến hành Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn trong thời gian 2,5 ngày.
Trong ngày làm việc đầu tiên của Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đã tiến hành chất vấn nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp: Gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng và nhóm lĩnh vực kinh tế ngành: Gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường.
Trong đó, đối với nhóm lĩnh vực kinh tế ngành, các đại biểu Quốc hội đã có nhiều câu hỏi chất vấn trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhất là liên quan đến các dự án đường bộ cao tốc.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay quy định về tốc độ tối đa trên các tuyến đường cao tốc được các doanh nghiệp và cử tri rất quan tâm.
Trước đây, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập tới vấn đề này. Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Kỳ họp này, đại biểu đã có nêu vấn đề tại sao nhiều tuyến đường cao tốc hoàn thành, đi vào vận hành khai thác chỉ cho phép tối đa là 80 km/giờ.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, thời gian tới có điều chỉnh gì đối với tốc độ ở đường cao tốc nói chung và mục tiêu là giảm áp lực lưu thông, đặc biệt là giảm tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A.
Trả lời đại biểu Trần Quang Minh về tuyến đường cao tốc chỉ cho chạy tối đa 80km/giờ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện Việt Nam có tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc với 4 giới hạn tốc độ là 120 km/giờ, 100 km/giờ, 80 km/giờ và 60 km/giờ. Nhiều tuyến đường nếu đầu tư đồng bộ hoàn chỉnh theo quy hoạch thì có thể chạy tối đa 120km/giờ như tuyến Hạ Long - Móng Cái, Hà Nội - Hải Phòng.
Từ đầu năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đã cho nghiên cứu, rà soát các tiêu chuẩn có phù hợp với thực tế hay chưa và kết quả nghiên cứu cho thấy rằng các tuyến quy định 80 km/giờ có thể nâng lên 90 km/giờ.
Bộ Giao thông vận tải cũng đã điều chỉnh tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc và dự kiến năm 2024 có thay đổi giới hạn tốc độ tối đa.
Liên quan đến ngành Giao thông, các ĐBQH cũng chất vấn giải pháp của việc đầu tư một số tuyến đường cao tốc không có làn xe, dừng xe khẩn cấp; làm rõ quan điểm xã hội hóa đầu tư giao thông vận tải; kế hoạch triển khai một số tuyến đường sắt kết nối; giải pháp thu hút nguồn lực đối với các dự án PPP.
Cũng trong nhóm lĩnh vực kinh tế ngành, các ĐBQH cũng chất vấn nhiều nội dung liên quan đến giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại hệ thống Bắc Hưng Hải; cảnh báo, dự báo nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do sạt lở và lũ quét; trách nhiệm quản lý Nhà nước trước tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; trách nhiệm trình dự án đầu tư không chính xác thuộc về ai?
Giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu; nguyên nhân chậm chi trả tiền bảo vệ rừng; kế hoạch ban hành cơ chế, chính sách phát triển điện mặt trời; giải pháp chỉnh trang, xây dựng bộ mặt đô thị Việt Nam; quan điểm về quy định tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tập trung;…
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã trả lời chất vấn của ĐBQH các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách. Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm lĩnh vực kinh tế ngành sẽ tiếp tục diễn ra vào đầu phiên làm việc ngày 7/11.
Trước đó, trong sáng và đầu giờ chiều 6/11, Quốc hội đã tiến hành Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp: Gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng.
Theo đó, đã có 29 đại biểu đăng ký chất vấn và được chất vấn, trong đó 22 đại biểu chất vấn, 7 đại biểu tranh luận đưa ra nhiều câu hỏi về kế hoạch đầu tư, tài chính, ngân hàng. Những ý kiến của các đại biểu rất tâm huyết, trách nhiệm, sát với thực tiễn, gợi mở cho Chính phủ nhiều giải pháp trong điều hành kinh tế trong thời gian tới.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã làm rõ những vấn đề, trong đó có những vấn đề đã nghiêm túc chỉ đạo, đạt được những kết quả cụ thể, tuy nhiên cũng có những vấn đề phức tạp, cần có thời gian, nguồn lực, thống nhất trong hệ thống để có thể thực hiện hiệu quả. Về nội dung này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có giải trình cụ thể một số nội dung.