V-League, Đội tuyển Việt Nam và câu chuyện đuổi hình bắt bóng

Bùi Hoa 07/11/2023 19:39

(Baonghean.vn) - 3 vòng đấu đầu tiên của V.League 1, 2023-2024 đã trôi đi trong sự bất ngờ thú vị của giới chuyên môn và đông đảo người hâm mộ, đồng thời, cũng gợi mở những điều mới mẻ, đáng chú ý cho chặng đường sắp tới của bóng đá Việt Nam.

Điều bất ngờ đầu tiên là đội cựu vô địch Hà Nội FC thua liên tiếp 2 trận mở màn và trong bảng xếp hạng tạm thời đang phải đứng ở vị trí cuối cùng. Tất nhiên, 2 đối thủ mà Duy Mạnh và đồng đội để thua là Công an Hà Nội (đương kim vô địch V.League) và Hải Phòng FC, đội bóng luôn đạt thứ hạng cao các mùa gần đây, đều không phải đối thủ dễ chơi. Nhưng rõ ràng, lực lượng của đội bóng Thủ đô đang có vấn đề cả trên băng ghế chỉ đạo lẫn trên sân cỏ. Tầm vóc của Hà Nội FC đòi hỏi một nhà cầm quân lão luyện, chứ không phải là những người chuyên làm bóng đá trẻ như hiện nay.

Trong khi đối thủ cùng thành phố đã mang về cựu huấn luyện viên trưởng U23 Việt Nam là ông Gong Oh Kyun, thì Hà Nội FC vẫn chỉ bằng lòng với một thuyền trưởng không có nhiều kinh nghiệm chinh chiến ở V.League nên sẽ rất khó khăn để đội quân thiện chiến này thể hiện tốt nhất năng lực của mình sắp tới.

hanoi-fc-0911-minh-hoang-7672.jpeg

Hai vị trí xếp cuối là Quảng Nam và Hoàng Anh Gia Lai được xem là… mặc định bởi một đội bóng vừa chân ướt, chân ráo trở lại V.League, một đội bóng chủ yếu dùng nội lực trẻ nên sẽ rất khó chen chân với các đội bóng hùng mạnh, được đầu tư lớn như Công an Hà Nội, Nam Định, Bình Dương…

Có một chi tiết đáng chú ý ở vòng 3 V.League mới đây là 2 đội bóng trẻ nhất giải đấu là Sông Lam Nghệ An và Hoàng Anh Gia Lai đều cùng bại trận với tỷ số cách biệt 1-3 trên sân khách. Sức trẻ là vốn quý nhưng kinh nghiệm, sự từng trải xưa nay chưa bao giờ là điều không cần thiết, không quyết định ở một giải đấu đường dài như V.League. Các nhân tố trẻ Sông Lam Nghệ An chơi khá hay ở các trận mở màn gặp Viettel và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, nhưng đến trận thứ 3 thì dần bộc lộ rõ sự non nớt, lúng túng đến từ Văn Việt, Văn Thành, Văn Bách và nhiều cầu thủ khác. Pha bóng tỏa sáng của Xuân Tiến không thể “cứu” nổi một tập thể chắp vá, thay đổi liên tục, trong khi ngoại binh trên thực tế không “gánh” được bao nhiêu nhiệm vụ so với kỳ vọng.

Mới 3 trận đấu mà vị trí trung vệ nội của Sông Lam Nghệ An đã thay đổi đến 3 người từ Văn Thành đến Khắc Lương đến Nguyên Hoàng, trong khi Khắc Lương đã bị chấn thương nặng, Văn Thành cũng tập tễnh rời sân sớm ở ngay trận mở màn. Vị trí tiền vệ trụ được giao cho Bá Quyền và nhân tố trẻ này chơi không hề tệ, nhưng không thể đảm đương nhiệm vụ từ trận này sang trận khác. Sự xoay tua của ban huấn luyện càng khiến cho đội hình thiếu sự nhất quán nhưng thực ra không còn cách nào khác. Và cầu thủ trẻ thi đấu dù rất cố gắng nhưng sẽ không ổn định, như Văn Bách 2 trận đầu chơi tốt, đến trận thứ 3 thì vỡ vụn và phải thay ra sớm.

Câu chuyện của Sông Lam Nghệ An về các cầu thủ trẻ cũng không khác là bao so với màn thể hiện của lớp trẻ Hoàng Anh Gia Lai. Khác chăng là do gặp đối thủ mạnh nên họ thua 2 trận, còn đội bóng của Như Thuật mới thua 1 trận mà thôi. Vấn đề là với lực lượng non, biến động liên tục như đã thấy, ngoại binh lại kém cỏi thì việc tìm kiếm một trận thắng được coi là giấc mơ xa vời và chặng đường sắp tới sẽ vô vàn trắc trở là điều thực tế chứ không chỉ là dự báo.

Ở phía trên bảng xếp hạng, Nam Định đang chễm chệ 9 điểm sau 3 trận thắng là điều đáng mừng. Nhưng cái chính là đội bóng Thành Nam chưa gặp đối thủ mạnh nên phải “đường dài mới biết ngựa hay”. Công an Hà Nội đang tạm xếp thứ 2, nhưng với ông thầy mới và lực lượng dư dả, việc họ chiếm ngôi đầu chỉ là vấn đề thời gian. Bình Dương cũng đang trở lại sau một mùa giải thất vọng, dù Tiến Linh hiện chỉ được coi là dự bị hạng sang.

Một câu chuyện liên quan chặt chẽ với nhau là V.League và Đội tuyển quốc gia. Việc Như Thuật hô hào các cầu thủ trẻ Sông Lam Nghệ An chủ động cầm bóng, chơi chậm chắc và thành công với 2 trận hòa mở màn cho thấy bóng dáng của lối chơi “kiểm soát bóng tấn công” mà ông Philippe Troussier truyền dạy lâu nay? Trận hòa của Hoàng Anh Gia Lai trước chủ nhà Hải Phòng cũng mang dáng dấp đó dù đội bóng này vốn sở trường kiểm soát bóng nhưng nay linh hoạt và biến hóa hơn nhiều?

Có thể ngày hôm nay chưa mang lại thành quả, nhưng việc hầu hết các nhân tố trẻ ở các đội bóng lần lượt được tung ra sân như Đình Bắc, Văn Toản, Văn Cường, Tuấn Dương, Nam Hải, Mạnh Quỳnh, Thái Sơn, Văn Tùng… sẽ là cơ sở tin cậy cho những mục tiêu dài hạn mà bóng đá Việt đang ấp ủ. Mạnh Quỳnh, Văn Bách, Xuân Tiến… ghi được bàn thắng ở V.League chính là niềm tin để họ vượt qua khó khăn, từng bước trưởng thành.

Sức trẻ và kinh nghiệm, cá nhân và đồng đội, tài năng trên ghế chỉ đạo và thích ứng khôn lường trên sân cỏ… là những “cặp quân bài” quan trọng để đưa V.League đi đến thành công bên cạnh thành công của các đội tuyển quốc gia. Ba lần tập trung đá giao hữu của Đội tuyển Việt Nam vừa qua là để tìm nguồn ban đầu cho đội tuyển. Giờ đây V.League mới thực sự là “nguồn chính” và việc các trụ cột thể hiện như thế nào, được ra sân nhiều hay ít, thành công hay chưa thành công sẽ là câu trả lời cho danh sách các đợt tập trung thi đấu theo lịch FIFA Days của Đội tuyển Việt Nam, bước hội nhập đầy đủ vào con đường chung của bóng đá thế giới. Và chính ông Philipe Troussier cũng phải căng mắt xem các ông thầy và đội bóng V.League vận hành ra sao để phát huy năng lực từng tuyển thủ, tuyệt đối không nên, không thể khư khư “kiểm soát bóng tấn công” nhưng chẳng rõ tấn công kiểu cách gì đạt hiệu quả như mong muốn, để tránh bằng được một cuộc “đuổi hình bắt bóng” rất khó khăn, mơ hồ trước đối thủ đầy quyết tâm và đẳng cấp ở khu vực và châu lục đang chờ sẵn để “vồ mồi”./.

Bùi Hoa