Làm thế nào để không 'bỏ ngỏ' tiềm năng kinh tế vùng cửa khẩu của Nghệ An?
(Baonghean.vn) - Đối với địa phương có đường biên giới dài, nhiều cửa khẩu như Nghệ An, thương mại vùng cửa khẩu là một trong những hướng phát triển kinh tế hiệu quả. Theo đánh giá của các chuyên gia cũng như thực tế, Nghệ An còn “bỏ ngỏ” tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế thông qua các cửa khẩu.
Giao thương trầm lắng
Những ngày đầu tháng 11/2023, chúng tôi đến Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Thường lệ, cuối tháng 10 là thời điểm bắt đầu chộn rộn chuẩn bị cho nguồn hàng Tết, song các hoạt động nơi đây vẫn trầm lắng. Ngoài những chuyến xe chở quặng từ Lào sang Việt Nam làm thủ tục thông quan, một số người dân qua lại thăm thân thì lượng hàng hoá trao đổi qua lại hai bên rất ít.
Chị Y Khắn, người dân ở bản Noọng Dẻ chuyên thu mua hàng thổ cẩm và buôn bán hàng tạp hoá, cho biết, người dân Nậm Cắn hầu như nhà nào cũng sản xuất thổ cẩm; mỗi tháng chợ phiên Nậm Cắn mở vào dịp cuối tuần, song lượng hàng hoá được phép đưa từ Việt Nam qua buôn bán ở chợ này không nhiều. Các nông sản khác cũng vậy.
Tại vùng kinh tế cửa khẩu Nậm Cắn đã xây dựng toà nhà trung tâm thương mại, nhưng toà nhà này hiện nay hầu như đang bỏ trống, không có gian hàng cũng như các hoạt động trao đổi mua bán. Bên trong trung tâm thương mại là những khoảng trống, không người qua lại và đang xuống cấp, cũ kỹ.
Ngoài ra, trên địa bàn xã Nậm Cắn cũng chưa có cơ sở lưu trú phục vụ nhu cầu ngủ nghỉ của du khách, người dân khi đi qua vùng này.
Theo ông Lang Lương - Bí thư Đảng uỷ xã Nậm Cắn, hiện nay, việc buôn bán, hàng hoá giữa hai bên qua Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn vẫn còn hạn chế. Người dân Việt Nam qua Cửa khẩu Nậm Cắn mỗi tháng 1 lần được mang lượng hàng hoá có giá trị không quá 2 triệu đồng, chưa phát huy được hiệu quả thương mại xứng tầm cửa khẩu quốc tế. Vì thế chủ yếu người dân đi chợ biên chỉ để giải trí, tham quan, người buôn bán hàng hoá không nhiều. Tuy tỷ lệ ngành dịch vụ của xã chiếm 55%, song vẫn là con số khiêm tốn so với tiềm năng.
Tại Nghệ An, ngoài Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn còn có Cửa khẩu Thanh Thuỷ cũng là một trong những địa điểm tiềm năng phát triển kinh tế vùng của tỉnh. Hiện tại, cơ sở hạ tầng quanh vùng cửa khẩu tuy đã có quy hoạch xây dựng, song vẫn chưa triển khai trên thực tế. Hai bên vùng cửa khẩu ngoài kiểm soát về an ninh, hoạt động giao thương hầu như không có.
Một trong những lý do vùng cửa khẩu Thanh Thuỷ chưa phát huy được, theo lãnh đạo UBND xã Thanh Thủy (huyện Thanh Chương), một phần vì phía nước bạn Lào chưa nâng cấp cửa khẩu Nậm On thành cửa khẩu quốc tế.
Giải pháp phát huy tiềm năng kinh tế cửa khẩu
Nghệ An có 4 cửa khẩu, bao gồm Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn - Kỳ Sơn; Cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy - Thanh Chương; 2 cửa khẩu khác: Tam Hợp - Tương Dương và Cao Vều - Anh Sơn, nằm trong vùng Tây Nam của tỉnh với sự đa dạng về văn hoá, tài nguyên tự nhiên thuận lợi cho phát triển kinh tế rừng, du lịch cũng như phát triển kinh tế cửa khẩu.
Theo thống kê của Sở Công Thương, thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao kịp thời của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, tình hình an ninh, quốc phòng khu vực biên giới được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế cửa khẩu, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh.
Cụ thể, khu vực biên giới và các huyện biên giới vẫn duy trì, tăng trưởng kinh tế dương. Trao đổi hàng hóa của cư dân và thương nhân thông qua các chợ biên giới, đặc biệt là vào các ngày lễ, phiên chợ, nhiều hơn.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Nghệ An và Lào trong 9 tháng đầu năm 2023 dự ước đạt 78,82 triệu USD (Xuất khẩu dự ước đạt 44,63 triệu USD, nhập khẩu dự ước đạt 34,19 triệu USD); dự ước đạt 100 triệu USD trong năm nay. Trước đó, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Nghệ An và Lào đạt 73,47 triệu USD.
Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định hướng phát triển của khu vực phía Tây Nghệ An là hành lang kinh tế đường mòn Hồ Chí Minh, Hành lang kinh tế Quốc lộ 7, trong đó có kinh tế cửa khẩu. Đối với kinh tế cửa khẩu cần phát triển theo hướng phát triển vùng, liên kết vùng với nước bạn Lào gắn với an ninh quốc phòng vùng biên giới.
Đối với các huyện có cửa khẩu, hệ thống giao thông trong vùng hiện nay đã có các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 7 sang Lào, đường mòn Hồ Chí Minh nối liền các huyện và khu vực miền Tây.
Trong thời gian tới, khi dự án cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn được xây dựng, trong đó có đoạn cao tốc nối Vinh - Thanh Thủy (Thanh Chương) sẽ tăng thêm lợi thế cho sự phát triển của vùng. Gần đây nhất, Chính phủ đưa dự án cao tốc Vinh - Thanh Thủy vào danh mục đầu tư giai đoạn 2026 - 2030, là dự án thành phần có chiều dài 61km, thuộc dự án cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn với tổng chiều dài 688km.
Đây là lợi thế trong liên kết phát triển vùng và với nước bạn Lào. Khi cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn hoàn thành, đi qua Cửa khẩu Thanh Thủy về phía Tây, kết nối với đường bộ và đường sắt Bắc Nam, với cảng biển Cửa Lò và sân bay Vinh nằm trong quy hoạch tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, cao tốc nằm gần tam giác phát triển Vinh - Cửa Lò - Nam Đàn tạo lợi thế và động lực cho Thanh Chương phát triển nhanh, bền vững và phát huy vùng kinh tế cửa khẩu.
Tại hội thảo khoa học về phát triển vùng Tây Nam Nghệ An diễn ra gần đây, các nhà khoa học cũng đã đề xuất nhiều giải pháp để phát huy kinh tế cửa khẩu ở Nghệ An. Theo TS. Nguyễn Thị Minh Tú - Giám đốc Trung tâm KHXH & Nhân văn Nghệ An, vùng Tây Nam Nghệ An ngoài tiềm năng về phát triển kinh tế từ du lịch, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế rừng thì kinh tế cửa khẩu cũng là hướng đi chiến lược có hiệu quả. Vì thế, Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Tú đề xuất, phát triển khu kinh tế cửa khẩu gắn với Cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy; đồng thời tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn.
Còn theo đề xuất của TS. Nguyễn Ngọc Chu - Nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Công nghệ Đông Á, về phát triển kinh tế cửa khẩu, mở rộng hợp tác với Lào và Thái Lan là một hướng chiến lược ưu tiên. Bởi, giao thương giữa Nghệ An với Lào và Thái Lan qua vùng Tây Nam Nghệ An đã có lịch sử nhiều thế kỷ. Trong thời đại số hoá ngày nay, các rào cản về hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc đã được thu nhỏ, tạo ra nhiều thuận lợi hơn cho mở rộng hợp tác phát triển. Nhiều người dân Nghệ An đang có doanh nghiệp ở Lào, và qua Lào thông thương với Thái Lan. Tỉnh cần có những chính sách ưu đãi để thúc đẩy người dân Nghệ An mở rộng kinh doanh ở Lào và Thái Lan.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển các lĩnh vực có tiềm năng phát triển ở khu vực cửa khẩu. Ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn và hoàn thiện cơ sở hạ tầng Cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy nhằm chuẩn bị các điều kiện để hình thành Khu kinh tế cửa khẩu. Xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư đặc thù vào phát triển hạ tầng biên giới, trong đó chú trọng chính sách phát triển hạ tầng thương mại biên giới đất liền của tỉnh.