Việc tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm được quy định như thế nào?
(Baonghean.vn) - Anh Hồ Văn Tùng huyện Thanh Chương hỏi: Việc tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm được quy định cụ thể như thế nào? Do cơ quan nào quyết định?
Trả lời:
Vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là vật hoặc tiền có thể là công cụ, phương tiện phạm tội, cũng có thể là thông qua phạm tội mà có hoặc là do mua, bán, chuyển nhượng hoặc có thể là những vật do Nhà nước cấm sản xuất, mua bán, tàng trữ, lưu hành.
Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là một biện pháp tư pháp hỗ trợ cho hình phạt để đạt được mục đích của hình phạt.
-Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định việc “Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm”, cụ thể như sau:
1. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:
a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;
b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;
c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành.
2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
3. Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.
-Cơ quan có thẩm quyền quyết định tịch thu sung ngân sách, tịch thu tiêu hủy hoặc trả lại vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 106 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 gồm:
- Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra;
- Viện kiểm sát nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố;
- Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử;
- Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử.