Nghệ An vận động người dân mở lối thoát nạn thứ 2, tháo dỡ chuồng cọp để phòng ngừa cháy nổ
(Baonghean.vn) - “Phấn đấu đến 31/12 mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 bình chữa cháy; Tuyên truyền, vận động các gia đình, hộ kinh doanh tiến hành việc mở lối thoát nạn thứ 2, tháo dỡ chuồng cọp… đáp ứng việc thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra”, là chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An tại Văn bản số 9668.
Vẫn tiềm ẩn nguy cơ
Thời gian qua, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo ngành chức năng tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC. Đặc biệt, đối với nhà chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao.
Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo thành lập trên 100 đoàn kiểm tra, rà soát đối với 4.289 cơ sở. (Bao gồm 83 chung cư, 2.912 nhà trọ, 1.294 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh). Qua kiểm tra đã kịp thời chỉ ra nguy cơ xảy ra cháy nổ, gây mất khả năng ngăn cháy, khả năng thoát nạn…; đồng thời, hướng dẫn các giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo an toàn PCCC&CNCH trong quá trình hoạt động. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và không khắc phục triệt để các tồn tại vi phạm về PCCC&CNCH.
Tuy nhiên, theo các ngành chức năng, qua kiểm tra vẫn còn những tồn tại, vi phạm như: hệ thống, thiết bị điện không đảm bảo an toàn PCCC; không bố trí đủ số lối thoát nạn; chưa có giải pháp ngăn cháy lan phù hợp; trang bị phương tiện, thiết bị PCCC chưa đầy đủ…
Bên cạnh đó, đa phần các tòa chung cư đã được chủ đầu tư bàn giao trách nhiệm cho Ban Quản trị và bàn giao kinh phí bảo trì 2% để sử dụng cho công tác quản lý, vận hành chung cư, nhưng sau một thời gian hoạt động đã sử dụng hết kinh phí bảo trì; một số chung cư đã bàn giao cho Ban Quản trị trước thời điểm có quy định về trích phí bảo trì từ kinh phí đầu tư xây dựng (trước 1/7/2006)… Một số ban quản trị, ban quản lý các chung cư thường làm việc kiêm nhiệm, năng lực quản lý vận hành còn hạn chế, do đó, công tác PCCC chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Các cơ sở cho thuê trọ chủ yếu là nhỏ lẻ, đã được xây dựng và đi vào hoạt động từ lâu, mang tính tự phát, vì thời điểm xây dựng không thuộc diện cấp phép, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng công trình, không có giấy phép kinh doanh, xây dựng sai với giấy phép xây dựng hoặc xây dựng không có giấy phép, dẫn đến không đảm bảo lối thoát nạn, ngăn cháy lan và các điều kiện an toàn về PCCC.
Một số cơ sở cho thuê trọ nhưng chủ cơ sở không thường xuyên có mặt tại địa phương, vì vậy, việc sắp xếp, bố trí thời gian để tiến hành kiểm tra, hướng dẫn và xử lý cũng gặp phải khó khăn. Đối tượng thuê trọ chủ yếu là học sinh, sinh viên chưa nhận thức rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PCCC; không tham gia tập huấn, hướng dẫn kỹ năng về PCCC đầy đủ mặc dù đã được thông báo, vận động tham gia...
Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 204 vụ cháy lớn, nhỏ, tuy không gây thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về tài sản khoảng 27,3 tỷ đồng.
Đơn cử, đêm 19/3, tại xưởng sửa chữa ô tô của gia đình anh Phan Đức Lâm (37 tuổi) tại xóm Sào Nam, xã Xuân Hòa (Nam Đàn) đã xảy ra hỏa hoạn. Vụ cháy được phát hiện vào lúc 21h45. Lửa bén từ bảng điện cháy lan sang các can nhựa chứa dầu nhớt khiến ngọn lửa bùng mạnh khó dập. Được người dân địa phương, lực lượng PCCC tích cực cứu hộ, khoảng 12h đêm, vụ cháy mới được dập tắt hoàn toàn. Vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi nhiều vật dụng, đồ nghề trong gian trước của gara, đặc biệt, chiếc xe tải của gia đình anh Lâm để trong gara đã bị cháy, gây thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.
Mới đây, vào sáng sớm ngày 1/11, người dân ở chung cư Green View 2, số 2 đường Hoàng Nghĩa Lương, thuộc phường Lê Lợi (TP. Vinh) được phen nháo nhào khi có tin báo cháy. Theo một người dân tại chung cư, người này vừa mở cửa ra để chạy thể dục thì thấy khói bốc lên, tiếng bảo vệ gọi trên loa báo cháy. Sau đó là cảnh mọi người nhốn nháo gọi tìm nhau, rồi ùn ùn chạy theo cầu thang bộ để xuống. Rất may, chỉ sau ít phút có mặt, phát hiện sự cố tại buồng kỹ thuật điện giữa tầng 1 và tầng 2 của toà chung cư, lực lượng PCCC cơ sở và Cảnh sát PCCC đã xử lý kịp thời.
Mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 bình chữa cháy
Thượng tá Nguyễn Đình Hạnh - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC& CNCH Công an tỉnh, cho biết: Hiện Công an tỉnh đang tập trung hướng dẫn các chủ cơ sở một số giải pháp, cụ thể: Đối với các công trình, cơ sở hiện hữu cho phép áp dụng các biện pháp khả thi khắc phục các tồn tại, hạn chế về PCCC, như tạo lối thoát nạn khẩn cấp thứ 2; có giải pháp ngăn cách khu vực để xe, khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao với khu vực ở và lối thoát nạn; trang bị phương tiện, thiết bị PCCC bảo đảm hạn chế cháy nổ và giảm thiểu tối đa thiệt hại, hậu quả do cháy, nổ gây ra. Đối với các công trình xây dựng mới, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của địa phương kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, PCCC...
Đồng thời, nhằm khắc phục một số khó khăn, vướng mắc, Công an tỉnh đã có báo cáo và đề xuất với Bộ Công an có hướng dẫn cụ thể trong việc duy trì kinh phí quản lý, vận hành chung cư, công tác PCCC, mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc định kỳ hàng năm và công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống PCCC... đảm bảo phù hợp đối với các chung cư mà chủ đầu tư đã bàn giao cho Ban Quản trị và các chung cư người dân tự bầu ra Ban Quản lý.
Phối hợp Bộ Xây dựng để hướng dẫn các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về xây dựng, PCCC đối với các cơ sở tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng công trình, xây dựng sai với giấy phép xây dựng, xây dựng không có giấy phép…
Đề xuất cấp có thẩm quyền sớm ban hành các quy chuẩn, quy định hoặc ban hành tài liệu hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm an toàn về PCCC đối với loại hình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao phù hợp với tình hình mới…
Đây cũng là nội dung chỉ đạo tại Văn bản số 9668/UBND-NC ngày 10/11/2023 của UBND tỉnh Nghệ An về tăng cường phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu: Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn các giải pháp cấp bách nhằm hạn chế tối đa xảy ra cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân tại địa bàn cơ sở. UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh trong triển khai các giải pháp công tác PCCC và CNCH tại các khu dân cư trên địa bàn, tiếp tục phát động mạnh mẽ phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” trên địa bàn, phấn đấu đến ngày 31/12/2023 mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 bình chữa cháy.
Tổ chức tuyên truyền, kiểm tra đối với 100% khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn (hoàn thành trước ngày 31/12/2023). Rà soát, tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, hộ kinh doanh tiến hành việc mở lối thoát nạn thứ 2, tháo dỡ chuồng cọp đáp ứng yêu cầu thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra. Tiếp tục rà soát, nhân rộng mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC, đảm bảo 100% nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ và liền kề nhau trên địa bàn tham gia Tổ liên gia an toàn PCCC. Rà soát các ngõ, hẻm tập trung đông dân cư (hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà trọ, tập thể cũ...) có chiều dài từ 50m trở lên mà xe chữa cháy không tiếp cận được theo địa bàn khu dân cư để tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”.