Khai thác văn hóa bản địa để hiện thực hoá giấc mơ 'điểm đến'

Công Kiên 15/11/2023 20:23

(Baonghean.vn) - Văn hóa bản địa là yếu tố quan trọng, góp phần làm nên sản phẩm du lịch đặc trưng của mỗi địa phương. Hiện nay, nhiều địa phương đang tập trung khai thác, phát huy giá trị văn hóa bản địa trong hoạt động du lịch để thu hút du khách và khẳng định được hiệu quả bước đầu.

Những “điểm sáng” ở miền Tây

Vài năm gần đây, điểm du lịch Yên Hòa (Tương Dương) được nhiều người biết đến và đón, phục vụ được nhiều lượt du khách về khám phá, trải nghiệm. Điều làm nên thành công ở xã Yên Hòa chính là đã khai thác, phát huy hiệu quả văn hóa bản địa để xây dựng sản phẩm du lịch.

Ở đây có cánh đồng bản Coọc khá rộng, nằm bên dòng suối Chà Hạ trong xanh và rất đỗi hữu tình. Dọc theo dòng suối, người dân địa phương đặt hàng chục chiếc cọn nước (guồng) để dẫn nước tưới cho đồng ruộng. Những cọn nước ngày đêm miệt mài quay tròn cùng dòng nước suối tạo nên cảnh yên bình và thơ mộng của bản làng vùng cao.

bna_1.jpg
Điểm du lịch xã Yên Hòa (Tương Dương). Ảnh: Đình Tuyên

Nhận thấy tiềm năng về du lịch, xã đã đầu tư lắp đặt hệ thống gần 60 cọn nước, cải tạo lại các lối đi giữa đồng để du khách tiện tham quan. Từ đó, du khách khắp nơi tìm về trải nghiệm và check-in trên đồng ruộng ở bản Coọc, nhất là bên những cọn nước ngày một nhiều, mang lại nguồn thu nhập cho người dân địa phương.

Không chỉ có đồng lúa và cọn nước, xã Yên Hòa còn khai thác khu rừng săng lẻ trên địa bàn vào mục đích phát triển du lịch. Rừng săng lẻ ở bản Yên Tân khoảng mấy chục năm tuổi, thân cây suôn, tán cây xanh tươi, khép kín là điểm thu hút khách du lịch.

Dưới tán rừng, một số chòi, lán được dựng lên để du khách ngắm cảnh và ngồi thưởng thức những món ăn đặc sản của địa phương như xôi ngũ sắc, cơm lam, thịt nướng, canh ột… Rừng săng lẻ còn là nơi tổ chức giao lưu văn nghệ phục vụ du khách, vì xã Yên Hòa có đội văn nghệ chuyên biểu diễn dân ca, dân vũ cổ truyền của đồng bào Thái để du khách trải nghiệm bản sắc.

bna_2.jpg
Hệ thống cọn nước ở xã Yên Hòa (Tương Dương) luôn hấp dẫn khách du lịch. Ảnh: Đình Tuyên

Xuất phát từ những nét văn hóa bản địa như cánh đồng, khe, suối, rừng cây và văn hóa ẩm thực, bản sắc âm nhạc, chúng tôi đã xây dựng đề án phát triển du lịch, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Qua một thời gian triển khai, bước đầu đã khẳng định được hiệu quả khi lượng khách du lịch về trải nghiệm ngày càng nhiều, người dân cũng đã bắt đầu có nguồn thu nhập

ÔNG LÔ THANH - CHỦ TỊCH UBND XÃ YÊN HÒA

Giống với xã Yên Hòa, điểm du lịch Mường Đán, xã Hạnh Dịch (Quế Phong) cũng khai thác khá hiệu quả văn hóa bản địa. Mường Đán là bản Thái cổ, còn lưu giữ được những nét bản sắc, từ kiến trúc nhà sàn, phong tục, tập quán, nghề dệt thổ cẩm và làn điệu dân ca cổ truyền.

Đặc biệt, phải kể đến kiến trúc nhà sàn Mường Đán, ở đây nhiều gia đình vẫn lưu giữ được ngôi nhà lợp ván gỗ sa mu. So với mái nhà của người Mông, ván sa mu lợp nhà của người Thái ở Mường Đán có kích thước nhỏ và được bào chuốt kỹ hơn. Nét kiến trúc độc đáo này đã tạo nên sự khác biệt của bản cổ Mường Đán so với các bản làng người Thái khác.

05.jpg
Quần thể thác 7 tầng ở xã Hạnh Dịch (Quế Phong). Ảnh tư liệu: Hồ Đình Chiến

Vì thế, những năm gần đây, huyện Quế Phong và xã Hạnh Dịch đã khai thác, phát triển du lịch cộng đồng ở Mường Đán với nét đẹp cổ kính cùng những món ăn cổ truyền và bản sắc âm nhạc.

Trên địa bàn còn có quần thể thác 7 tầng, một thắng cảnh nổi tiếng ở miền Tây Nghệ An đã góp phần “hút” một lượng khách lớn đến với bản cổ Mường Đán. Cùng với Yên Hòa và Mường Đán, nhiều điểm đến trong tỉnh đã phát huy yếu tố văn hóa bản địa để thu hút khách du lịch. Điển hình là các điểm du lịch cộng đồng ở huyện Con Cuông và bản Hoa Tiến (Quỳ Châu), Khe Cớ (Tương Dương) và Cọ Muồng (Quế Phong)…

Cần “đưa đường, chỉ lối”

Nghệ An là vùng đất cổ, có bề dày truyền thống văn hóa hàng nghìn năm, là nơi cư trú của nhiều cộng đồng dân tộc nên có sự phong phú, đa dạng về bản sắc, tạo động lực để thúc đẩy du lịch phát triển. Nhiều vùng quê được thiên nhiên và lịch sử ban tặng cho vẻ đẹp và vốn quý, là tiềm năng để phát triển “ngành công nghiệp không khói”, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập.

Hiện nay, bên cạnh những địa phương khai thác, phát huy tốt văn hóa bản địa để phát triển du lịch còn có nhiều địa phương đang có tiềm năng, lợi thế nhưng chưa có cơ hội phát triển.

Có dịp đến xã Bình Chuẩn (Con Cuông), chúng tôi thực sự ấn tượng trước vẻ đẹp cảnh quan và bản sắc văn hóa của vùng đất này.

bna_3.JPG
Khảo sát hang Thẳm Tông, xã Bình Chuẩn (Con Cuông). Ảnh: Đình Tuyên

Nơi đây có hang Thẳm Tông là kiệt tác của thiên nhiên, trần hang rộng, có nhiều ngách, hệ thống nhũ đá tuyệt đẹp. Thẳm Tông là điểm đến lý tưởng cho những ai ưa thích khám phá, trải nghiệm thiên nhiên. Chưa kể Bình Chuẩn còn có đập nước và cánh đồng Nà Cọ tuyệt đẹp, có bản làng người Thái còn lưu giữ được bản sắc và còn có nhiều sản vật địa phương.

Nhưng tiềm năng ở đây gần như vẫn “ngủ yên” vì chưa có sự đầu tư và người “mở đường, dẫn lối”.

Ông Phạm Xuân Mạnh – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Người dân Bình Chuẩn muốn khai thác cảnh quan, văn hóa để phát triển du lịch nhưng không có nguồn kinh phí, lại chưa có kinh nghiệm trong việc tìm hướng đi. Rất mong được ngành Du lịch hỗ trợ khảo sát, kêu gọi đầu tư và hướng dẫn các bước đi để Bình Chuẩn trở thành điểm đến của du khách”.

02.jpg
Một góc bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn (Kỳ Sơn). Ảnh tư liệu: Hồ Nhật Thanh

Xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) nằm cách thị trấn Mường Xén không xa, là nơi cư trú của cộng đồng người Mông với nét bản sắc văn hóa độc đáo. Đặc biệt, ở đây có bản Huồi Giảng 1 và Huồi Giảng 2 được xem là những bản Mông lâu đời nhất ở miền Tây Nghệ An. Phần lớn những nếp nhà nơi đây vẫn giữ được mái lợp sa mu, rồi những vườn đào, vườn mận thi nhau nở bung mỗi dịp Xuân về, tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của bản làng người Mông.

Chưa kể bà con vẫn còn lưu giữ làn điệu cự xia, lù tẩu, vẫn giữ được tiếng khèn Mông rộn ràng; vẫn duy trì tập quán sản xuất từ lâu đời cùng những sản vật nổi tiếng như gà đen, lợn đen, dưa rẫy, gạo rẫy… Đặc biệt, có những cánh rừng sa mu hàng chục ha làm nên vẻ đẹp hùng vĩ, thu hút du khách về khám phá.

03.jpg
Nét đẹp không gian bản làng người Mông ở xã Tây Sơn (Kỳ Sơn). Ảnh tư liệu: Hồ Nhật Thanh

Nhưng cũng như Bình Chuẩn, tiềm năng ở Tây Sơn vẫn chưa được khai thác, Huồi Giảng vẫn đang là “người đẹp ngủ trong rừng”. Đồng bào Mông trên dãy Pu Lon đang mong chờ người đến đánh thức “người đẹp” đang ngủ, để những mái ngói sa mu, vườn đào cùng những làn điệu dân ca và tiếng khèn Mông sẽ gọi mời những bước chân du khách về đây khám phá, giao lưu.

Hiện còn nhiều địa phương có khát vọng phát triển du lịch từ nguồn văn hóa bản địa như: Xã Tam Sơn (Anh Sơn), xã Hưng Tân (Hưng Nguyên), xã Minh Châu (Diễn Châu) và xã Tri Lễ (Quế Phong)… Người dân các địa phương mong muốn được hỗ trợ, đầu tư nguồn lực và mở hướng đi để giấc mơ “điểm đến” sớm thành hiện thực.

Thời gian gần đây có nhiều địa phương đã khai thác, phát huy văn hóa bản địa để phát triển du lịch, giúp người dân có thêm việc làm và thu nhập, bước đầu đạt được kết quả. Hàng năm, Sở Du lịch đã thực hiện khảo sát một số địa điểm, định hướng giúp các địa phương kêu gọi vốn đầu tư và hướng dẫn các bước đi để đạt hiệu quả.

BÀ NGUYỄN THỊ THÀNH AN - PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ DU LỊCH

Công Kiên