Nông dân Nghệ An bám sát nhu cầu thị trường để tăng đàn phù hợp
(Baonghean.vn) - Giá cả và dịch bệnh đang là yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến chăn nuôi trong thời điểm hiện nay. Song, kỳ vọng vào thị trường cuối năm - “thời điểm vàng” tiêu thụ, hiện các trang trại, gia trại và nông hộ tập trung tăng đàn, tái đàn cung ứng thị trường Tết.
Chủ động tái đàn cung ứng thị trường Tết
Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương xuất hiện các ổ dịch, trong khi đó, thị trường tiêu thụ chậm, giá lợn xuống thấp nên nhiều trang trại, gia trại gặp không ít khó khăn. Anh Nguyễn Văn Công - chủ trang trại ở xã Hiến Sơn (Đô Lương) cho biết: “Năm nay, người chăn nuôi lợn gặp không ít khó khăn khi giá cả liên tục biến động, dịch bệnh phức tạp. Do đó, chúng tôi rất mong chờ vào thị trường cuối năm sẽ khởi sắc, khi nhu cầu tăng, sức mua tăng và giá cả sẽ tăng”.
Do đó, ngoài duy trì 30 con lợn thịt trong chuồng, từ đầu tháng 10 âm lịch, anh Công đã mua thêm 20 con lợn nhỡ để vỗ béo, bán vào dịp Tết. “Do dịch tả lợn châu Phi nên khi mua lợn để tăng đàn tôi đặc biệt chú ý đến nguồn gốc lợn, giấy tờ kiểm dịch và nuôi cách ly trước khi cho nhập đàn. Sau 2 tháng, tôi sẽ cho tách cám công nghiệp, tăng thức ăn thô, xanh để tăng cơ, giảm mỡ, chất lượng thịt tốt để bán dịp Tết”, anh Công cho biết thêm.
Chăn nuôi lợn với quy mô lớn, duy trì sản xuất liên tục trong năm nhưng vào thời điểm cuối năm, trang trại của Hợp tác xã Kim Tiến Đại Phát ở phường Hòa Hiếu (thị xã Thái Hòa) tăng đàn lợn rừng, lợn rừng lai Móng Cái do nhu cầu của thương lái tăng cao.
Chị Nguyễn Thị Kim Tiến - đại diện hợp tác xã cho biết, từ cuối tháng 9, khi xuất bán lứa lợn rừng 100 con thì đã tách mẹ 200 con lợn rừng thuần chủng và 100 con lợn rừng lai, nâng tổng đàn lợn rừng lên 500 con để cung ứng cho thị trường Tết.
Do khép kín từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm nên vấn đề dịch bệnh không đáng lo ngại. Đến nay, hợp tác xã đã nhận đơn hàng lợn rừng của các thương lái, các lò mổ. Đồng thời, tăng đàn lợn thịt để phục vụ cho khâu chế biến giò, chả, ruốc bông, chả cuốn… vào dịp cuối năm.
Với kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi gà, đối với lứa nuôi cuối năm, anh Nguyễn Mạnh Cường ở xã Thanh Liên (Thanh Chương) thường tăng đàn thêm 200-300 con do nhu cầu của các thương lái tăng cao. Theo đó, anh chủ yếu tăng đàn gà trống mía. Với đặc điểm, mình ngắn, đùi to, mắt sâu, mào đỏ, lông óng mượt và phần chân vàng ươm rất được ưa chuộng để làm gà cỗ, gà cúng.
“Sau khi xuất bán lứa gà thứ hai trong năm, trang trại được gia cố lại, tiêu độc, khử trùng và vào đàn 1.000 con, tăng 300 con so với lứa trước. Trong đó, chủ yếu là gà trống mía vì dịp lễ Tết, nhu cầu gà cúng tăng cao; ngoài phục vụ cúng ông Táo, cúng 3 ngày Tết thì còn để phục vụ Lễ Khai hạ, Rằm tháng Giêng. Năm nào cũng vậy, lứa gà này luôn đắt hàng, được giá”, anh Cường cho biết.
Những lưu ý khi vào đàn
Để không tạo áp lực tiêu thụ, ngoài cơ cấu các loại giống khác nhau, phục vụ nhu cầu sử dụng khác nhau, thì các trang trại, gia trại cũng giãn lứa thả, cách nhau từ 20-35 ngày. Nếu như dịp Tết không tiêu thụ hết có thể kéo dài thời gian xuất chuồng ra tháng Giêng, tháng Hai.
Với quy mô 1.000 con gà, anh Đặng Phúc Hải ở xã Thuận Sơn (Đô Lương) đang dồn sức chăm lo lứa gà phục vụ thực phẩm Tết và cơ cấu đàn gà Tết nhiều loại giống khác nhau. "Gà trống mía bán gà cúng; gà mái cỏ để làm gà ủ muối hoa tiêu cho các cơ sở, đại lý; gà mái tơ để làm các loại mọc gà, giò gà; gà lai chọi để làm khô gà… Lứa gà cuối năm thường dễ tiêu thụ, giá bán cũng cao hơn các thời điểm khác trong năm”, anh Hùng cho biết
Ngoài ra, tái đàn phục vụ thị trường cuối năm vào giai đoạn chuyển mùa, thường xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của vật nuôi, vì vậy, ngành Nông nghiệp chỉ đạo các địa phương chú trọng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng vắc-xin theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, thực hiện công tác dự báo nhu cầu của thị trường để có kế hoạch hướng dẫn người dân tái đàn, định hướng con nuôi, số lượng đàn, tránh tái đàn ồ ạt; khuyến khích người chăn nuôi tận dụng sản phẩm và phụ phẩm nông nghiệp sẵn có để giảm chi phí, cũng như không sử dụng thức ăn kém chất lượng, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bảo đảm chất lượng sản phẩm chăn nuôi khi xuất bán.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có tổng đàn gia cầm khoảng 35 triệu con; đàn lợn khoảng 1 triệu con và đàn trâu, bò khoảng 801.000 con. Vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi có thể tăng thêm từ 10 đến 30% so với ngày thường. Hiện nguồn cung gia súc, gia cầm và trứng khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu thị trường cuối năm.