Phương Tây nhận ra tại sao không đánh bại được Tổng thống Putin

Mỹ Nga 17/11/2023 07:01

(Baonghean.vn) - Tờ UnHerd cho biết, việc tập trung vào năng lượng xanh đã khiến phương Tây không thể đánh bại Nga trong cuộc chiến năng lượng. Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin lại hiểu rõ, giá trị của năng lượng trong địa chính trị. Do đó, phương Tây không thể đánh bại nhà lãnh đạo Nga.

Putin. ảnh Ria
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Ria Novosti

Ria Novosti dẫn bài phân tích của nhà báo Ralf Schellhammer trên tờ UnHerd cho biết, một trong những lý do khiến Nga trở nên bất khả chiến bại trong cuộc chiến tài nguyên năng lượng là do phương Tây chú trọng đến năng lượng xanh.

"Để thắng một ván cờ, bạn không cần phải là đại kiện tướng, bạn chỉ cần chơi tốt hơn đối thủ. Năng lượng vẫn đóng vai trò then chốt trong địa chính trị. Tổng thống Nga Putin hiểu rõ thị trường hàng hóa hơn các đối thủ phương Tây, vậy nên việc đánh bại Moskva trong cuộc chiến tranh giành tài nguyên sẽ không hề dễ dàng" - nhà báo Schellhammer cho hay.

Theo Schellhammer, nền kinh tế Nga không có dấu hiệu sụp đổ dưới sức nặng của các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Tờ Financial Times tuần này đưa tin rằng, các quan chức phương Tây công khai thừa nhận rằng, hầu như không có loại dầu nào của Nga được bán dưới mức giá trần 60 USD của Mỹ.

G7 áp đặt các hạn chế nhằm cắt giảm nguồn thu từ dầu mỏ của Nga, và phủ nhận khả năng Tổng thống Putin tiếp tục duy trì chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, trong khi vẫn duy trì nguồn cung ổn định cho toàn cầu.

Trên thực tế, các nước phương Tây vẫn chưa thống nhất, khi thảo luận về mức giá trần. Ngay sau khi quyết định có hiệu lực, Nhật Bản đã yêu cầu miễn mua nguyên liệu thô từ Nga trên ngưỡng giá 60 USD để duy trì nền kinh tế phát triển.

"Không thể nghi ngờ gì nữa, Tổng thống Putin hiểu rất rõ rằng các nguyên liệu thô như dầu và khí đốt vốn dĩ có đặc điểm nổi bật “không co giãn” và bất kỳ mức giá trần nào cũng sẽ không có giá trị" - nhà báo Schellhammer đánh giá.

Nga chiếm 13% xuất khẩu dầu thô toàn cầu, và 11% xuất khẩu sản phẩm tinh chế, trong bối cảnh thế giới đối diện với cuộc khủng hoảng năng lượng. Nếu cộng đồng quốc tế tẩy chay hoàn toàn dầu mỏ của Nga, điều này rất có thể sẽ dẫn đến sự sụp đổ không chỉ của nền kinh tế Nga mà còn của cả thế giới.

Theo nhà báo Schellhammer, ngay từ đầu, G7 đã sai lầm khi tin rằng có thể kêu gọi phần còn lại của thế giới về giá của một sản phẩm mà họ không sở hữu. Ấn Độ, Trung Quốc và thậm chí cả Ả Rập Saudi sẵn sàng mua dầu của Nga với mức giá chiết khấu, lọc dầu rồi bán lại cho châu Âu và Mỹ. Điều này cũng dẫn đến sự bùng nổ của thị trường dầu mỏ chợ đen. Và nó cũng một lần nữa chứng tỏ, các quốc gia từ chối tiếp cận nguồn tài nguyên quan trọng nhất thế giới khó đến mức nào.

Chuyên gia này đưa ra gợi ý rằng, Mỹ và châu Âu có thể xây dựng đường ống Keystone XL mới, và "mở van năng lượng" thay vì áp đặt mức giá trần đối với khí đốt và dầu của Nga. Trong trường hợp này, giá nhiên liệu có thể sụt giảm.

Nhà báo Schellhammer giải thích rằng, việc tập trung vào năng lượng xanh và vận động hành lang vì môi trường đã không cho phép các nước phương Tây gây ra thiệt hại mong muốn đối với nền kinh tế Nga./.

.

Mỹ Nga