Hợp tác xã - 'bà đỡ' cho nông dân ở Yên Thành
(Baonghean.vn) - Các hợp tác xã ở huyện Yên Thành đang phát triển khá hiệu quả, phát huy được vai trò trong việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị
Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thọ Thành (xã Thọ Thành, huyện Yên Thành) là điển hình của hợp tác xã năng động. Vai trò điều hành, tổ chức sản xuất của hợp tác xã thể hiện rất rõ, từ thực hiện tốt các hoạt động dịch vụ đến đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
Ông Hồ Sĩ Quảng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thọ Thành cho biết: Tháng 10/2015, Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thọ Thành chuyển đổi theo mô hình hợp tác xã mới, đến đầu năm 2017 mới chính thức đi vào hoạt động. Những ngày đầu, hợp tác xã chỉ có 58 thành viên, hoạt động theo hình thức kinh doanh đa ngành, trong đó, chủ đạo là dịch vụ nông nghiệp gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực, năng động, đến nay, hợp tác xã đã phát triển khá mạnh. Để phục vụ tốt cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã đã đầu tư mua sắm máy móc phục vụ bà con, như 1 máy bắc mạ khay, 2 máy cày, 2 máy gặt và 20 máy cấy, 80.000 khay bắc mạ, thực hiện chuỗi liên kết về trồng trọt, từ khâu làm đất, bắc mạ, cấy máy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Cụ thể là phục vụ gieo cấy mạ khay cho trên 500 ha lúa của xã Thọ Thành và các huyện lân cận; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất giống lúa chất lượng cao trên cánh đồng; thu mua lúa tươi cho bà con với diện tích 300-400 ha (trên 1.000 tấn lúa).
Từ năm 2022, hợp tác xã đã thực hiện chuỗi liên kết lĩnh vực chăn nuôi, từ con giống, thức ăn chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm cho thành viên. Bình quân mỗi tháng hợp tác xã cung ứng từ 200-220 tấn thức ăn cho gần 150 trang trại và hộ chăn nuôi… Cùng với đó, hợp tác xã thực hiện tốt lĩnh vực môi trường, thu gom, xử lý rác thải; hoạt động tín dụng nội bộ... Doanh thu năm 2023 dự kiến đạt trên 40 tỷ đồng.
Hợp tác xã Nông nghiệp và Xây dựng Minh Thành cũng là điểm sáng của huyện, những năm qua,đơn vị này đã phát huy vai trò của mình nhờ thực hiện tốt khâu dịch vụ nông nghiệp như cung ứng giống cây trồng các loại, vật tư phân bón, thủy nông, làm đất, bảo vệ thực vật, bảo vệ ruộng đồng. Đặc biệt, khâu cơ giới hóa, đơn vị đã mua sắm 6 máy cày, 8 máy cấy và 2 máy gặt, đáp ứng đồng bộ cho nhân dân.
Ông Nguyễn Công Hiển - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Xây dựng Minh Thành cho biết thêm: Hợp tác xã thực hiện chuỗi liên kết, đã đứng ra xây dựng thương hiệu “cam sạch”, “gạo sạch”, liên kết, bao tiêu sản phẩm (120 ha lúa chất lượng cao, 20 ha cam đạt sản phẩm OCOP), tăng thêm giá trị kinh tế sản phẩm cho nông dân.
Song song với đó, hợp tác xã thực hiện xây dựng các công trình vừa và nhỏ trên địa bàn, tạo việc làm cho 30 lao động. Đến nay, đơn vị đã có trên 720 thành viên tham gia, hàng năm đạt doanh thu trên 12 tỷ đồng. Đơn vị đã xây dựng được các nhà kho, xưởng chứa vật tư phân bón, máy móc, gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp…
Tăng cường các giải pháp hoạt động hiệu quả, bền vững
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thành, năm 2023 địa bàn huyện có 47 hợp tác xã đang hoạt động, tổng doanh thu trong năm đạt trên 131 tỷ đồng, có 15.000 thành viên tham gia. Hợp tác xã nông nghiệp đã góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Điểm đáng ghi nhận, ngoài các dịch vụ nông nghiệp, cung cấp vật tư đầu vào, các hợp tác xã đã mở rộng, chú trọng phát triển nhiều ngành nghề mới, hiệu quả cao như dịch vụ thức ăn chăn nuôi, môi trường, quản lý chợ, cung cấp nước sạch, tín dụng nội bộ... Một số hợp tác xã đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Trong năm 2023, các hợp tác xã trên địa bàn thu mua 7.680 tấn lúa cho nông dân.
Tuy nhiên, hợp tác xã ở huyện Yên Thành đang còn một số khó khăn, phần lớn các hợp tác xã thiếu vốn hoạt động, quy mô dịch vụ nhỏ, thiếu ổn định, năng lực cạnh tranh thấp. Nhiều hợp tác xã chưa có trụ sở làm việc, đang phải nhờ phòng làm việc của UBND xã, hội trường xóm; chưa có kho bãi để tập kết vật tư nên hạn chế trong việc chủ động tồn trữ vật tư khi giá thị trường giảm.
Số lượng thành viên của các hợp tác xã nông nghiệp còn ít, mức vốn góp của mỗi thành viên còn khiêm tốn, hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay. Một số hợp tác xã chưa đủ lớn để tổ chức mở rộng sản xuất, kinh doanh, chưa có tiềm lực để liên doanh, liên kết.
Hoạt động điều hành của một số hợp tác xã chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm là chính, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa linh hoạt theo cơ chế thị trường. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp mới chỉ tập trung hoạt động đối với các dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như: cung ứng giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thủy lợi nội đồng... Còn các dịch vụ khác như: làm đất, thu hoạch, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản, bảo quản, chế biến... chưa được chú trọng thực hiện.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, hàng năm, huyện Yên Thành tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật công nghệ trong nông nghiệp cho các hợp tác xã. Trong năm 2023, huyện hỗ trợ trên 6,8 tỷ đồng xây dựng các mô hình hợp tác xã hoạt động kiểu mới, hoạt động liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ của hợp tác xã.
Huyện đề ra các giải pháp; Củng cố các hợp tác xã đã có và phát triển thành lập mới các hợp tác xã nông nghiệp gắn với sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, làng nghề của từng xã theo lợi thế của từng vùng. Các hợp tác xã áp dụng sản xuất theo hướng công nghệ cao, mô hình sản xuất cây, con... theo hướng tạo ra giá trị gia tăng cao trong sản xuất.
Tăng cường năng lực tổ chức, điều hành, hoạt động, kinh doanh cho các hợp tác xã; quan tâm các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm; tạo điều kiện cho các hợp tác xã vay vốn tín dụng và tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất.
Sang năm 2024, huyện Yên Thành phấn đấu toàn huyện có trên 40% hợp tác xã có liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân, đạt doanh thu trên 150 tỷ đồng.