Kết nối di động 5G ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng 10 lần vào năm 2030

Phan Văn Hoà (Theo The Mobile Economy Asia Pacific 2023 của GSMA) 21/11/2023 16:18

(Baonghean.vn) - Theo báo cáo mới nhất về Nền kinh tế di động khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) 2023 của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSMA) cho thấy, kết nối di động 5G dự kiến sẽ tăng 10 lần, tức là từ 4% trong năm 2022 lên hơn 41% vào năm 2030.

Đến cuối năm 2030, khu vực APAC dự kiến sẽ có khoảng 1,4 tỷ kết nối 5G, sự gia tăng này có được nhờ vào các yếu tố như giá thiết bị đầu cuối tích hợp công nghệ 5G giảm; các quốc gia trong khu vực đẩy nhanh việc mở rộng vùng phủ sóng 5G và nỗ lực phối hợp của các chính phủ nhằm tích hợp các công nghệ hỗ trợ di động vào nhiều khía cạnh của xã hội.

Tuy nhiên, báo cáo của GSMA cũng tiết lộ rằng, trong khi các thị trường có công nghệ di động phát triển như Úc, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc đang đi đầu trong việc thúc đẩy phát triển công nghệ 5G thì vẫn còn nhiều rào cản tác động đến việc truy cập và sử dụng di động nói chung ở một số quốc gia APAC khác.

1.png
Bảng thống kê số liệu kinh tế di động khu vực APAC. Nguồn: GSMA

Báo cáo của GSMA cho rằng, để tối đa hóa tiềm năng tăng trưởng và đổi mới trong khu vực, các nhà hoạch định chính sách có thể hành động để tái cân bằng hệ sinh thái kỹ thuật số và tạo ra các điều kiện kinh doanh công bằng hơn cho các nhà khai thác di động. Từ đó tạo động lực cho các nhà khai thác di động tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 4G hiện có, thúc đẩy đầu tư vào việc triển khai các mạng 5G và giới thiệu các dịch vụ mới đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số trong những thập kỷ tới.

Những phát hiện chính trong báo cáo Nền kinh tế di động khu vực APAC năm 2023 bao gồm:

Số thuê bao di động khu vực APAC sẽ tăng từ 1,73 tỷ trong năm 2022 lên 2,11 tỷ vào năm 2030

Trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2030, số lượng thuê bao di động khu vực APAC dự kiến ​​sẽ tăng thêm khoảng 380 triệu, tức là từ 1,73 tỷ trong năm 2022 lên mức 2,11 tỷ vào năm 2030, trong đó khu vực Nam Á chiếm khoảng 2/3 tổng số thuê bao di động của khu vực APAC.

Tỷ lệ thâm nhập di động ở khu vực APAC sẽ tăng từ 62% trong năm 2022 lên 70% vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 2,5%. Tuy nhiên, nó vẫn được cho là sẽ thấp hơn mức trung bình toàn cầu là 73%. Tỷ lệ thâm nhập di động cao nhất ở khu vực Đông Bắc Á và Châu Đại Dương tương ứng ở mức 82% và 79%.

Khu vực APAC đã có 1,36 tỷ thuê bao internet di động trong năm 2022

Trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2030, số lượng người dùng Internet di động khu vực APAC dự kiến ​​sẽ tăng thêm khoảng 480 triệu, tức là từ 1,36 tỷ trong năm 2022 lên mức 1,84 tỷ vào năm 2030.

Tỷ lệ thâm nhập Internet di động ở khu vực APAC sẽ tăng từ 49% trong năm 2022 lên 61% vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 3,8%.

Mặc dù đã có những cải thiện đáng kể trong thời gian qua nhưng nghiên cứu cũng cho thấy chỉ gần một nửa (47%) dân số ở khu vực APAC được truy cập Internet di động và khu vực này vẫn tụt hậu so với các khu vực khác trên thế giới. Các nguyên nhân chính dẫn đến sự tụt hậu này là do thiếu kỹ năng số, đặc biệt là ở nhóm dân số lớn tuổi; không đủ khả năng tài chính để chi trả cho thiết bị và dịch vụ cũng như những lo ngại về an toàn trực tuyến.

Bối cảnh Internet di động ở khu vực APAC khá đa dạng, các thị trường trưởng thành như Úc, Hàn Quốc và New Zealand có mức độ thâm nhập trên 80%, trong khi các rào cản tiếp tục tác động đến khả năng tiếp cận và sử dụng ở các thị trường khác.

5G sẽ chiếm 41% tổng số kết nối di động khu vực APAC vào năm 2030

5G đang trên đà phát triển ở nhiều thị trường trên khắp khu vực APAC, điều này được thúc đẩy bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố như sự mở rộng vùng phủ sóng 5G nhanh chóng ở nhiều thị trường (như Ấn Độ), sự sụt giảm giá bán trung bình của thiết bị hỗ trợ 5G và nỗ lực tiếp thị của các nhà khai thác di động 5G. Dự báo đến năm 2030, 5G sẽ chiếm khoảng 41% kết nối di động của khu vực, tăng từ 4% trong năm 2022.

Bất chấp sự tăng trưởng của 5G ở các thị trường trưởng thành, 4G sẽ vẫn là công nghệ thống trị ở cấp độ khu vực trong tương lai gần, chiếm khoảng 55% tổng số kết nối vào năm 2030, giảm từ 70% trong năm 2022. Trong khi đó, kết nối dựa trên mạng 2G và 3G đang trên đà giảm dần, chỉ còn tương ứng 2% và 3% vào năm 2030. Nhiều nhà khai thác ở các quốc gia trong khu vực APAC gần đây đã công bố kế hoạch tắt sóng các mạng 2G và 3G trong những năm tới.

Các quốc gia ở khu vực APAC nằm trong số những quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc áp dụng 5G

Làn sóng tăng trưởng 5G đầu tiên được thống trị bởi các thị trường tiên phong ở khu vực Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Bắc Á và vùng Vịnh. Đến cuối năm 2023, việc áp dụng 5G sẽ phổ biến ở các thị trường đại chúng như Úc (42%), Nhật Bản (47%) và Hàn Quốc (53%), tương đương với các thị trường khác trên toàn cầu như Trung Quốc (45%), Đức (35%) và Mỹ (59%).

Làn sóng tăng trưởng 5G thứ hai hiện đang diễn ra và đang được thúc đẩy bởi việc triển khai mạng 5G ở các thị trường lớn mới nổi như Ấn Độ. Mặc dù thị phần của kết nối di động 5G sẽ vẫn duy trì mức cao trong các thị trường ở làn sóng tăng trưởng đầu tiên vào năm 2030, nhưng các thị trường ở làn sóng thứ hai sẽ ghi nhận mức số lượng kết nối 5G mới cao hơn nhiều, chiếm khoảng 5 tỷ kết nối 5G trên toàn cầu lên vào năm 2030.

Việc sử dụng điện thoại thông minh sẽ tăng trung bình hai con số trong giai đoạn đến năm 2030

Dự báo sẽ có hơn 3 tỷ kết nối điện thoại thông minh ở khu vực APAC vào năm 2030, tức là chiếm khoảng 94% kết nối di động, tăng 18% so với năm 2022; trong khi đó mức trung bình toàn cầu là 92%. Sự gia tăng trong các kết nối điện thoại thông minh khá nhất quán trên khắp khu vực, với cả ở thị trường trưởng thành và thị trường mới nổi.

Trong đó, sự sẵn có của điện thoại thông minh giá cả phải chăng và kiến thức số được cải thiện là hai lý do đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy gia tăng sự chấp nhận và sử dụng điện thoại thông minh trong khu vực. Một số quốc gia ở khu vực APAC đã đưa ra các sáng kiến nhằm nâng cao kỹ năng số giữa các nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ và người già. Trong ngân sách năm 2023, chính phủ Ấn Độ đã thực hiện giảm thuế hải quan đối với việc nhập khẩu một số mặt hàng đầu vào cho việc sản xuất điện thoại, đây được cho là một bước đi tích cực cho việc sản xuất điện thoại giá cả phải chăng hơn.

Dự báo của GSMA Intelligence cho thấy, 3 thị trường có số lượng kết nối điện thoại thông minh hàng đầu trong khu vực APAC bao gồm Ấn Độ với khoảng 1,3 tỷ, tiếp theo là Indonesia với 381 triệu và Nhật Bản với 168 triệu.

APAC là khu vực tập trung các thị trường có lưu lượng dữ liệu di động cao nhất

Lưu lượng dữ liệu di động sẽ tăng hơn gấp đôi ở các quốc gia thuộc khu vực APAC trong giai đoạn đến năm 2030, trong đó, 5G là một động lực chính thúc đẩy tăng trưởng lưu lượng dữ liệu di động. Ở khu vực này, trò chơi điện tử và trò chơi trực tuyến nằm trong số các dịch vụ và nội dung hàng đầu được người dùng 5G sử dụng.

Kết nối IoT di động được cấp phép sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2030

Dự báo sẽ có hơn 280 triệu kết nối IoT di động ở khu vực APPAC vào năm 2030. Trong đó, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ sẽ chiếm khoảng 71% số kết nối này, tương ứng 41%, 19% và 11%. Sẽ có sự bùng nổ về các ứng dụng cho IoT khi mạng 5G mở rộng trên toàn khu vực vì mạng 5G cho phép các trường hợp sử dụng IoT mới dựa trên độ trễ thấp và dung lượng cao của công nghệ 5G.

IoT sẽ rất quan trọng trong việc hiện thực hóa tham vọng chuyển đổi số của các quốc gia trên khắp khu vực APAC, vì nó sẽ tạo điều kiện cho một loạt sáng kiến như sản xuất thông minh, nhà máy thông minh, thành phố thông minh,...

Các nhà khai thác di động sẽ chi 259 tỷ USD để phát triển mạng lưới trong giai đoạn 2023–2030, chủ yếu là cho 5G.

Báo cáo của GSMA cho thấy, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng viễn thông 5G khu vực APAC dự kiến sẽ đạt 259 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2030, trong đó các khoản đầu tư sẽ phục vụ cho việc mở rộng các khu vực kết nối và chủ yếu triển khai triển khai 5G quy mô đầy đủ.

Theo các nhà phân tích, sau khi xây dựng mạng 5G trên diện rộng trong vài năm qua tại các thị trường 5G tiên phong, dẫn đến cường độ đầu tư kỷ lục ở một số thị trường thì các khoản chi phí đầu tư, nâng cấp và duy trì tài sản cố định như máy móc, thiết bị,… (CAPEX) ở các thị trường này sẽ bắt đầu giảm xuống.

Thay vào đó, các nhà khai thác di động sẽ chuyển trọng tâm sang kiếm tiền từ các dịch vụ 5G sau khi đã đầu tư một khoản tiền lớn vào đó. Mặc dù các thị trường tiên phong trong khu vực sẽ tăng cường đầu tư vào 5G trong năm 2023, nhưng tốc độ triển khai 5G sẽ không đủ để ngăn chặn sự sụt giảm chung về vốn đầu tư. Điều này là do các thế hệ mạng trước đó, chẳng hạn như 3G và 4G, sẽ vẫn không thể thiếu đối với bối cảnh kết nối trong tương lai gần.

Lĩnh vực di động đã đóng góp khoảng 810 tỷ USD cho nền kinh tế APAC trong năm 2022

Lĩnh vực di động đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế khu vực APAC, đóng góp 810 tỷ USD giá trị kinh tế trong năm 2022, chiếm gần 4,8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực.

Đến năm 2030, đóng góp của lĩnh vực di động sẽ đạt khoảng 990 tỷ USD ở khu vực APAC, được thúc đẩy chủ yếu là do sự cải thiện về năng suất và hiệu quả mang lại bởi sự gia tăng sử dụng các dịch vụ di động.

Hệ sinh thái di động khu vực APAC đã hỗ trợ khoảng 11 triệu việc làm trong năm 2022

Các nhà khai thác di động và hệ sinh thái di động đã trực tiếp tuyển dụng khoảng 7 triệu việc làm trên khắp khu vực APAC trong năm 2022. Ngoài ra, hoạt động kinh tế trong hệ sinh thái di động cũng đã tạo ra khoảng 4 triệu việc làm trong các lĩnh vực khác, nghĩa là gần 11 triệu việc làm được hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua hệ sinh thái di động.

Năm 2022, đóng góp tài chính của hệ sinh thái di động đạt 90 tỷ USD

Trong năm 2022, lĩnh vực di động đã đóng góp đáng kể vào nguồn tài chính của khu vực công, với khoảng 90 tỷ USD thu được thông qua các khoản thuế trong lĩnh vực này. Theo đó, nguồn thu từ thuế giá trị gia tăng (VAT) từ các dịch vụ, thuế bán hàng và thuế tiêu thụ đặc biệt là 30 tỷ USD, tiếp theo là thuế VAT từ điện thoại; thuế dựa trên lợi nhuận doanh nghiệp và thuế an sinh xã hội, mỗi loại thu được 20 tỷ USD.

5G sẽ bổ sung khoảng 133 tỷ USD cho nền kinh tế khu vực APAC vào năm 2030

5G được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế khu vực APAC thêm 133 tỷ USD vào năm 2030, chiếm hơn 13% tác động kinh tế tổng thể của lĩnh vực di động. Phần lớn lợi ích 5G sẽ được hiện thực hóa trong giai đoạn đến năm 2030, khi một số quốc gia đang trong giai đoạn đầu triển khai và lợi ích kinh tế của 5G sẽ tăng lên khi công nghệ 5G bắt đầu đạt được quy mô và áp dụng rộng rãi trong khu vực.

Lợi ích của 5G vào năm 2030 sẽ tập trung vào các ngành dịch vụ và sản xuất

5G dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho hầu hết các lĩnh vực trong toàn bộ nền kinh tế khu vực APAC, tùy thuộc vào khả năng kết hợp các trường hợp sử dụng 5G trong kinh doanh. Năm 2030, 42% lợi ích thu được từ 5G dự kiến sẽ bắt nguồn từ lĩnh vực dịch vụ (hành chính công, tài chính, chăm sóc sức khỏe, giáo dục); 34% từ sản xuất, được thúc đẩy bởi các ứng dụng bao gồm nhà máy thông minh, thành phố thông minh và lưới điện thông minh; 11% từ quản lý tiện ích, xây dựng, dầu khí và nông nghiệp; 8% từ ICT; 4% từ bán lẻ và 1% từ các lĩnh vực khác.

Các xu hướng khác trong công nghiệp di động khu vực

Lưu lượng dữ liệu qua các mạng viễn thông đang tăng theo cấp số nhân khi ngày càng có nhiều người tận dụng lợi thế của kết nối băng thông rộng và nhu cầu về nội dung kỹ thuật số chứa nhiều dữ liệu tăng lên.

Theo nghiên cứu của GSMA, để đáp ứng lưu lượng truy cập kỹ thuật số ngày càng tăng và duy trì hiệu suất dịch vụ, các nhà khai thác di động phải liên tục đầu tư để mở rộng dung lượng mạng, thu hẹp khoảng cách phủ sóng và triển khai các công nghệ mới.

Báo cáo nhận thấy rằng, khi việc áp dụng 5G ngày càng tăng, nhu cầu kiếm tiền sẽ tăng lên, cùng với nhu cầu thu hút khách hàng mới và khuyến khích những khách hàng hiện tại chi tiêu nhiều hơn. Công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) dự kiến ​​sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra trải nghiệm mới cho người tiêu dùng bằng cách tận dụng tốc độ, độ trễ và dung lượng của 5G. Dịch vụ truy cập vô tuyến cố định 5G mang lại cơ hội tăng thêm doanh thu, đặc biệt ở những khu vực có tỷ lệ thâm nhập băng thông rộng cố định thấp.

Báo cáo cũng cho thấy ngành công nghệ tài chính (fintech) đang phát triển nhanh chóng ở khu vực APAC, từ các thị trường trưởng thành rộng lớn như Ấn Độ đến các thị trường mới nổi như Việt Nam và Indonesia. Đặc biệt, lĩnh vực fintech đã tiếp tục phát triển kể từ sau đại dịch COVID-19 và mức độ tiếp cận tài chính ở khu vực APAC đang được cải thiện, như dịch vụ thanh toán dùng tài khoản viễn thông (mobile money) ngày càng tăng lên.

Để hiện thực hóa những tham vọng này và tối đa hóa tiềm năng tăng trưởng và đổi mới trong khu vực, các nhà hoạch định chính sách có thể hành động để tái cân bằng hệ sinh thái kỹ thuật số và tạo điều kiện kinh doanh công bằng hơn cho các nhà khai thác di động. Theo đó, các cơ quan quản lý cần đưa ra các chính sách thuế phù hợp, cơ chế cấp phép linh hoạt và khung pháp lý hoàn chỉnh nhằm thu hẹp khoảng cách số và bảo vệ an toàn cho không gian mạng.

Bên cạnh đó, tính sẵn có của phổ tần và việc cấp phép hiệu quả tiếp tục đóng vai trò quan trọng nhằm tạo điều kiện cho khoản đầu tư cần thiết để mở rộng quyền truy cập di động, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ dữ liệu và nâng cao chất lượng cũng như phạm vi dịch vụ được cung cấp. Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới 2023 (WRC-23) sắp tới sẽ tạo cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách đảm bảo các nguồn tài nguyên phổ tần quan trọng cho việc mở rộng 5G và xây dựng lộ trình phổ tần dài hạn đến năm 2030 và những năm sau đó.

Liên quan đến vấn đề này, ông Julian Gorman, người đứng đầu khu vực APAC của GSMA cho biết: “Là thị trường di động trải rộng trên khu vực địa lý lớn nhất thế giới, hệ sinh thái kết nối của khu vực APAC rất đa dạng và bao gồm cả các nhà đổi mới di động tiên phong và các thị trường mới nổi”.

“Khu vực này có một số thị trường 5G phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay, đặc biệt là Ấn Độ, quốc gia sẽ bổ sung hàng chục triệu kết nối 5G trong năm 2023. Tuy nhiên, xét trên toàn khu vực APAC, chúng ta cũng đang chứng kiến ​​một sự chênh lệch lớn trong việc sử dụng Internet di động”, ông Julian Gorman cho biết thêm.

Anh minh hoa 5G.jpg
Ảnh minh họa.

Để giúp người dân trong khu vực APAC tiếp cận đầy đủ kết nối di động, người đứng đầu khu vực APAC của GSMA cho rằng, các cơ quan chính phủ cần thiết lập một chế độ chính sách và quy định linh hoạt, hướng tới tương lai để hỗ trợ triển khai và vận hành mạng di động. Điều này bao gồm những nỗ lực lớn hơn để thu hẹp khoảng cách số, đặc biệt là đối với phụ nữ và nhóm dân số yếu thế như người lao động nghèo thuần túy, lao động di cư, lao động trẻ em, người khuyết tật, dân tộc thiểu số, người tái hòa nhập cộng đồng,…

Trong khi đó, ông Yuen Kuan Moon, Giám đốc điều hành Tập đoàn Singtel (Singapore) cho biết: “Kinh nghiệm của chúng tôi ở Singapore đã dạy chúng tôi rằng, việc áp dụng sớm các công nghệ mới nổi là rất quan trọng trong việc tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Đây là lý do tại sao Singtel triển khai phủ sóng mạng 5G dựa trên kiến trúc độc lập (5G Standalone) trên toàn quốc trước 3 năm so với các mục tiêu quy định, biến Singapore thành nơi thử nghiệm để thế giới khám phá các giải pháp và ứng dụng mới”.

Phan Văn Hoà (Theo The Mobile Economy Asia Pacific 2023 của GSMA)