Nghệ An sẽ xử lý nghiêm hành vi điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi theo quy định

Đặng Cường 22/11/2023 15:37

(Baonghean.vn) - Để chấn chỉnh tình trạng người điều khiển phương tiện chưa đủ tuổi theo quy định, không có giấy phép lái xe khi tham gia giao thông, ngoài biện pháp tuyên truyền, cần thiết phải truy cứu, xử lý nghiêm trách nhiệm của cá nhân giao phương tiện cho người không đủ điều kiện.

Điều khiển xe gắn máy khi chưa đủ tuổi theo quy định

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, hàng năm tai nạn giao thông liên quan đến mô tô, xe gắn máy chiếm khoảng 70% tổng số các vụ tai nạn. Trong 9 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 8.335 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.765 người, bị thương 5.802 người. Trong đó, tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng, chỉ 9 tháng đầu năm có đến 329 em học sinh, sinh viên tử vong vì tai nạn giao thông.

Tại Nghệ An, từ đầu năm đến nay, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản 1.335 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm trật tự, an toàn giao thông, chiếm 1,9% và phạt tiền hơn 1 tỷ đồng. Trong đó, ngoài các lỗi vi phạm như không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định… chiếm phần nhiều là lỗi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông.

bna_Đội Cảnh sát 113 vận chuyển phương tiện bàn giao cho công an phường Lê Lợi xử lý vào tối 11.11. ảnh pv.jpg
Đội Cảnh sát 113 vận chuyển phương tiện bàn giao cho Công an phường Lê Lợi (TP. Vinh) xử lý vào tối 11/11. Ảnh: Đ.C

Đơn cử, tối 11/11, một nhóm khoảng 20 thanh, thiếu niên điều khiển xe máy với tốc độ cao, dàn hàng ngang, lạng lách, đánh võng trên đường từ địa bàn huyện Nghi Lộc vào thành phố Vinh. Sự việc gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, khiến người dân bất an. Từ thông tin người dân cung cấp, Đội Cảnh sát 113 thuộc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh đã xuất quân, triển khai lực lượng xử lý.

Đến 20h40, tổ công tác đã phát hiện nhóm thanh, thiếu niên nói trên đang tụ tập tại ngõ 90, đường Trường Chinh, thuộc địa bàn phường Lê Lợi. Phương tiện các đối tượng điều khiển là xe máy có dung tích xi lanh trên 50 phân khối, phần lớn không đội mũ bảo hiểm, biển kiểm soát xe được che bởi khẩu trang, xe không có gương chiếu hậu... Phát hiện lực lượng chức năng, một số đối tượng đã nhanh chóng bỏ chạy, còn 5 đối tượng, cùng 6 xe máy bị bắt giữ. Cả 5 đối tượng đều sinh năm 2007 và 2008 (chưa đủ tuổi để điều khiển xe máy có dung tích xi lanh trên 50 phân khối), thường trú tại Nghi Lộc và TP.Vinh.

21.jpg
Nhóm thanh, thiếu niên mang theo dao, kiếm, dàn hàng ngang lạng lách, đánh võng trên các tuyến đường bị tổ công tác Đội CSGT-TT Công an TP. Vinh bắt giữ đêm 2/3. Ảnh: CATPV

Trước đó, nhiều sự việc tương tự cũng đã được lực lượng Cảnh sát giao thông công an các địa phương xử lý, nhất là tại địa bàn thành phố Vinh. Sau khi phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, lực lượng chức năng đã gửi thông báo vi phạm trật tự, an toàn giao thông đến nhà trường để phối hợp giáo dục ý thức pháp luật an toàn giao thông, có hình thức xử lý kỷ luật đối với các trường hợp vi phạm.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm an toàn giao thông, theo đánh giá của cơ quan chức năng: Việc phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội để quản lý, giáo dục học sinh chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông còn chưa hiệu quả; một bộ phận phụ huynh, người giám hộ còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong quản lý con cái (qua thống kê, hơn 71% vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh là do điều khiển xe mô tô trên 50 phân khối, đây là hệ quả của việc giao xe cho học sinh điều khiển không đúng quy định).

Xử lý nghiêm trách nhiệm chủ phương tiện

Hàng năm, Ban An toàn giao thông tỉnh đều chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn, Ban An toàn giao thông các huyện, thành, thị tổ chức chương trình “Ngày hội thanh, thiếu nhi với văn hóa giao thông”, “An toàn giao thông cho học sinh đến trường”, “Học sinh, sinh viên xây dựng văn hóa giao thông an toàn”..., nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Trong đó, đề cập nhiều đến việc thanh, thiếu niên điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi theo quy định, không có giấy phép lái xe khi tham gia giao thông, làm gia tăng tai nạn giao thông.

ÔNG PHAN HUY CHƯƠNG- PHÓ TRƯỞNG BAN CHUYÊN TRÁCH BAN AN TOÀN GIAO THÔNG TỈNH NGHỆ AN

Mới đây, chiều 2/11, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trần Lưu Quang, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến về chuyên đề bảo đảm an toàn giao thông đối với học sinh. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng nhắc nhở các địa phương, các nhà trường cần tuyên truyền để mỗi người tham gia giao thông không được lơ là, chủ quan và mạnh dạn đưa nội dung này vào kiểm điểm cuối năm của một số đơn vị, nhà trường. Đồng thời, đề nghị thời gian tới, ngành Công an cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với các trường hợp học sinh vi phạm điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ điều kiện, chưa có Giấy phép lái xe. Phối hợp với các nhà trường tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông, đa dạng hóa các biện pháp tuyên truyền, ứng dụng mạng xã hội để các em học sinh dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện…

32.jpg
Đội CSGT-TT Công an TP. Vinh xử lý các trường hợp vi phạm. Ảnh: CATPV

Đây cũng là nội dung được nêu rõ tại Văn bản số 8845/UBND-NC ngày 19/10/2023 của UBND tỉnh Nghệ An về chỉ đạo tăng cường các giải pháp phòng ngừa; ngăn chặn tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm trật tự về an toàn giao thông của người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện; trong đó, chú trọng các đối tượng là thanh, thiếu niên với các hành vi vi phạm như: Điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi theo quy định; không có Giấy phép lái xe khi tham gia giao thông; không đội mũ bảo hiểm và các hành vi vi phạm tương tự khác. UBND tỉnh cũng đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm của cá nhân giao phương tiện cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; cung cấp thông tin về học sinh vi phạm quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho các cơ sở giáo dục để phối hợp xử lý, giáo dục.

Điểm đ, Khoản 5, Điều 30, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Phạt tiền từ 800.000 đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô với các lỗi: Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng).

Đặng Cường