Trung Quốc tăng mua, nhiều nông sản Nghệ An tăng giá

Thanh Phúc 24/11/2023 08:12

(Baonghean.vn) - Mặc dù có nhiều mặt hàng Nghệ An không trực tiếp xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng với biến động chung của thị trường, nhiều nông sản ở Nghệ An như  sắn, dứa, cau... ghi nhận biến chuyển tích cực về giá cả và sức tiêu thụ.

bna_hái.jpg
Người dân xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu) thu hoạch dứa cuối vụ. Ảnh: T.P

Những ngày này, người dân các xã Tân Thắng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu), Quỳnh Vinh (TX. Hoàng Mai) hối hả thu hoạch dứa cuối vụ. Dứa được mùa, quả to đều, đẹp và giá dứa đang ở mức cao nên người dân hết sức phấn khởi.

Chị Nguyễn Thị Hải, nông dân xã Tân Thắng cho biết: “2ha dứa trồng gối theo hình thức cuốn chiếu, nay 0,5ha đang cho thu hoạch. Nếu như diện tích dứa đầu vụ chỉ bán được với giá 3.000 - 4.500 đồng/kg thì từ đầu tháng 10/2023 đến nay, giá dứa nhích dần đều, hiện đang được thu mua với giá 9.000 đồng/kg, riêng dứa nhập cho các nhà máy là 6.500 đồng/kg, cao gấp đôi so với đầu vụ nên người dân rất phấn khởi”.

bna_phân loại.jpg
Dứa được thu mua với giá cao hơn đầu vụ. Ngoài bán cho các nhà máy chế biến thì phần lớn dứa tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc. Ảnh: T.P

Theo thống kê, toàn xã Tân Thắng có khoảng 800ha dứa, được trồng theo hình thức rải vụ, cho thu hoạch rải từ tháng Giêng đến đầu tháng 11 âm lịch. Thời điểm này, Tân Thắng có khoảng 100ha dứa đang cho thu hoạch. Dứa Tân Thắng chủ yếu được thương lái thu mua và nhập cho các nhà máy chế biến dứa ở các tỉnh phía Bắc hoặc nhập sang Trung Quốc.

Đầu vụ giá dứa thấp, khó tiêu thụ, song từ tháng 6 đến nay thì giá dứa bắt đầu tăng. “Khoảng 1 tháng nay, giá dứa tăng cao. Riêng dứa nhập cho các nhà máy chế biến thì vẫn ở mức 6.500 đồng/kg, song thương lái thu gom tự do thì giá đã lên đến 9.000 đồng/kg, dứa loại 1 đã lên đến 10.000-11.000 đồng/kg. Theo chúng tôi được biết thì hiện nay, Trung Quốc mở cửa nhập khẩu, thu mua số lượng lớn dứa quả nên giá dứa tăng, cũng dễ bán hơn”, ông Nguyễn Văn Cấp - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thắng cho biết.

bna_dứa 3.jpg
Dứa được mùa, được giá bà con rất phấn khởi. Ảnh: T.P

Diện tích trồng dứa toàn tỉnh ước đạt 1.592,2 ha, tăng 6,59% (+98,4 ha) so với cùng kỳ năm trước. Dứa tập trung trồng chủ yếu ở huyện Quỳnh Lưu 1.150 ha, Yên Thành 85 ha, thị xã Hoàng Mai 75,8 ha, Kỳ Sơn 65 ha. Những năm gần đây, cây dứa mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá bán tại vườn ổn định, nên người dân đã chuyển một số diện tích cây hàng năm sang trồng dứa.

Ngoài cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhà máy chế biến dứa thì phần lớn dứa nhập sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Do đó, giá dứa trong nước nói chung và ở Nghệ An nói riêng cao hay thấp phụ thuộc nhiều về phía Trung Quốc.

Theo thống kê từ Tổng Cục Hải Quan, trong 10 tháng qua, Trung Quốc chi 929,6 triệu USD để mua gần 2,2 triệu tấn sắn và sản phẩm sắn, chiếm 90,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này của Việt Nam. Các chuyên gia nhận định, những tháng cuối năm 2023 là mùa tiêu thụ cao điểm các mặt hàng thực phẩm của Trung Quốc, sẽ tác động tốt đến triển vọng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang thị trường này.

bna_thu hoạch sắn.jpg
Nông dân Nghệ An đang vào chính vụ thu hoạch sắn. Ảnh: T.P

Trung Quốc tăng mua, giá sắn xuất khẩu tăng nên giá sắn trong nước cũng tăng nhẹ. Tại Nghệ An, giá sắn tươi được thu mua ở mức 2.300 - 2.500 đồng/kg, cao nhất trong vòng 7 năm trở lại nay. Hiện, các vùng trồng sắn ở Nghệ An đang vào vụ thu hoạch, giá sắn cao nên người dân rất phấn khởi.

Anh Dương Đình Hùng, phụ trách vùng nguyên liệu nhà máy tinh bột sắn tại Thanh Chương cho biết: “Công ty có gần 2.000 ha sắn nguyên liệu với sản lượng hàng năm lên đến 45.000 tấn. Hiện, nông dân đang vào chính vụ thu hoạch sắn, nhà máy đang thu mua cho bà con với giá 2.420 đồng/kg, cao hơn các năm trước từ 200-300 đồng/kg. Do đó, người dân rất phấn khởi. Sắn thu hoạch đến đâu, nhà máy thu mua cho dân hết đến đó”.

bna_sắn 2.jpg
Trung Quốc tăng thu mua sắn lát, tinh bột nên giá sắn nguyên liệu trong nước tăng mạnh, dễ tiêu thụ. Ảnh: T.P

Theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 9, xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt 8,71 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu nông sản lên đến hơn 6,2 tỷ USD, chiếm 70% tổng xuất khẩu nông lâm thủy sản, kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.

Mặc dù một số mặt hàng, Nghệ An không trực tiếp xuất khẩu mà thông qua các công ty, đối tác khác trong nước. Tuy nhiên, khi Trung Quốc tăng mua, nông sản tiêu thụ mạnh, giá cao tác động mạnh đến giá nông sản của Nghệ An. Do đó, ngoài sắn, lạc, chè thì những nông sản khác, như dứa, gạo, cau non, thanh long…, giá tăng mạnh, đem lại nguồn thu lớn cho người dân, giúp nông dân sản xuất có lãi.

bna_cau khô.jpg
Cau quả được các thương lái thu mua, sấy khô và xuất bán sang Trung Quốc. Ảnh: T.P

Ông Nguyễn Trọng Dung, một hộ trồng cau ở xã Thanh Hoà (Thanh Chương) cho biết: “Nếu như năm 2022, giá cau chạm đáy, chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg cũng không bán được, phải để già rụng; đầu năm 2023, khi Trung Quốc mở cửa thu mua cau trở lại thì giá cau nhích dần lên 12.000-13.000 đồng/kg và nay đang dao động từ 25.000-30.000 đồng/kg. Cau chủ yếu được các lò thu mua về tách hạt, sấy khô bán cho Trung Quốc. Do đó, phía Trung Quốc thu mua giá cao thì chúng tôi bán được giá cao và ngược lại”.

Theo đề án Phát triển xuất khẩu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025 là đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu vào thị trường nói tiếng Trung Quốc (bao gồm Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông) theo hướng duy trì thặng dư thương mại trên cơ sở khai thác hiệu quả của Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hồng Kông (AHKFTA) với các mặt hàng mà tỉnh có lợi thế như: Dăm gỗ; Vật liệu xây dựng; Linh kiện điện tử; Nông, lâm, thủy sản; Dệt may...

Đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An sang thị trường khu vực nói tiếng Trung Quốc phấn đấu đạt khoảng 1,8 tỷ USD, chiếm 45% và tăng trưởng 33,8%/năm.

Thanh Phúc