Chấp nhận mất đi

Phước Anh 24/11/2023 09:00

(Baonghean.vn) - Hạnh phúc đôi khi không phải là đón nhận sự tròn vẹn, viên mãn, mà rất nhiều khi ta cảm nhận được hạnh phúc nhờ biết cách chấp nhận mất đi. Chấp nhận mất đi là chấp nhận buông bỏ, chấp nhận như nó vốn có, chấp nhận những điều bất như ý. 

Một người đàn ông trắng tay sau cuộc chiến thương trường nghiệt ngã. Anh đã đầu tư hàng tỷ đồng - tất cả tài sản vào cuộc chiến ấy. Anh lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Nhìn đâu cũng thấy mất mát, thua thiệt, trống trước hụt sau. Từ một người nhẫn nại, kiên định, có chí hướng, anh trở nên dễ cáu bẳn, hoài nghi nhân sinh, chẳng thiết tha gì chuyện mai sau. Rượu chè thành thứ bất ly thân, lối sống trở nên bê tha, bệ rạc. Dù bao người khuyên răn, anh vẫn cứ chìm đắm trong thất bại, mất mát, tìm cách biện giải cho sự xuống dốc của đời mình trong thứ men say mờ mịt. Vợ con từ hoảng sợ, buồn bã, động viên anh vượt qua thất bại, cho đến chán nản, tuyệt vọng vì không thể vực dậy người chồng, người cha. Một gia đình từ hạnh phúc tót vời nay lại như địa ngục.

cach-quen-di-nguoi-yeu-cu-4.jpg

Một người phụ nữ thất bại trong tình yêu và hôn nhân. Thanh xuân của chị dành trọn cho người đàn ông duy nhất, yêu rồi cưới, gia đình từ 2 người thành 4 người, kinh tế ổn định, chồng yêu chiều, con ngoan ngoãn. “Lấy chồng mà như con A. sướng thật!” - biết bao người đã ngưỡng mộ chị như thế. Nhưng cuộc đời đầy rẫy những điều bất như ý. Ngày nọ, một cô gái trẻ xa lạ gửi chị đoạn video clip. Người thứ ba lại quay ra thách thức vợ cả, thói đời ngang ngược đến thế là cùng! Thế giới tinh thần được xây đắp nên bởi bao nhiêu niềm vui, niềm tự hào, hãnh diện nay sụp đổ vụn vỡ. Người chồng thú nhận đã có quan hệ ngoài luồng gần 2 năm nay. Chị đóng cửa phòng nằm ngơ ngác 3 ngày liền gần như tuyệt thực, nước mắt chảy khô. Những đứa con hoảng loạn, thất thần, vào, ra như chiếc bóng. Gia đình hạnh phúc tan rã, mẹ con dắt nhau đi thuê nhà ở. Chị có gia đình bên ngoại, có công việc ổn định, có bạn bè rất đông, nhưng hơn 3 năm sau đó, chị vẫn không thoát ra được ám ảnh từ cuộc hôn nhân cũ. Chị luôn tự hỏi mình đã làm gì sai, mình có lỗi gì với người ta mà nên cớ sự như thế. Đã lâu lắm rồi, chị không có nổi một nụ cười thực tâm…

Một thanh niên tuổi 18, được đóng mác “con nhà người ta” học hành giỏi giang, bỗng trượt đại học. Cú sốc đầu đời khiến không chỉ cậu, mà cả gia đình cậu cũng không chấp nhận được. Cậu làm đơn phúc khảo, chỉ nhỉnh hơn được 0,5 điểm, vẫn trượt. Từ một chàng trai xán lạn như ánh mặt trời, nay trở nên u ám, buồn nản, không vực nổi một chút khí thế. Cậu đóng cửa phòng suốt ngày, mở nhạc rock thật to, chơi game online bắn giết ầm ầm - thứ mà xưa nay cậu luôn chối từ. Cậu sợ ra ngoài, sợ đối mặt với những lời nói, ánh mắt của người thân quen, sợ gặp bạn bè - những đứa mà lúc đi học có thể kém hơn nhưng kết quả thi lại tốt đến bất ngờ. Tình trạng này kéo dài suốt mấy tháng trời.

Thế đấy, xung quanh ta, mà có khi cả chính ta nữa, đầy rẫy những chuyện buồn phiền, mất mát, thất bại, thua kém. Nói cho cùng, cuộc đời dài lắm, làm gì có ai lúc nào cũng thoả ý toại lòng. Dù ta có tính toán kỹ lưỡng, dự trù bài bản đến đâu thì cũng chẳng thể đảm bảo tuyệt đối suôn sẻ, hanh thông.

Phật giáo giảng về “Tám mối lo toan thế tục”, chia thành 4 cặp: mong ước được lợi lộc - lo sợ thua thiệt; mong ước được lạc thú - lo sợ khổ đau; mong ước được lừng danh - lo sợ bị thất sủng, ghét bỏ; mong ước được ngợi khen - lo sợ bị quở phạt. Tám mối bận tâm chi phối mọi sinh hoạt của con người, thể hiện bằng hai thái độ mong ước và lo sợ. Chúng song hành, không thể tách rời, không có ai hoàn toàn chỉ có mong ước, cũng không có ai tuyệt đối toàn những lo sợ. Con người luôn luôn vừa thế này, vừa thế kia; song điều mấu chốt là tâm thức giữ cho cán cân nghiêng về phạm trù nào thì cuộc đời sẽ định vị theo hướng đó. Người luôn nghĩ về những điều tốt đẹp, chấp nhận và sẵn sàng vượt qua khó khăn thì cuộc đời sẽ tích cực; còn người rơi vào lo sợ triền miên, sống trong quá khứ, luôn nghĩ về khổ đau thua thiệt mất mát thì luôn tiêu cực và bấn loạn, rồi cuộc đời sẽ rối tung lên.

Thường, những nỗi khổ đời ta đều là những nỗi khổ tự thân. Mất tiền, đổ vỡ hôn nhân, trượt đại học… là nỗi khổ đấy, nhưng khổ ấy vẫn là khổ ngoại cảnh, còn khổ thực sự là những dằn vặt trong tâm trí khi ta luôn truy cầu lý giải nguyên do thất bại, mắc kẹt trong những điều tự hỏi, quay cuồng trong những vọng tưởng, chết lặng trong những ảo cảnh lừa mị.

Phải hiểu rằng, những điều đã qua đã ở lại phía sau, những điều chưa tới không thuộc về ta, vậy thì chỉ có hiện tại - dẫu có ngổn ngang, khuyết thiếu, chênh vênh, bất như ý, thì vẫn là thứ ta phải chấp nhận, đối mặt và vượt qua. Chúng ta đau khổ vì đánh mất năng lực chấp nhận. Nếu biết chấp nhận thì mọi chuyện sẽ sáng dần lên, như có một phép thần thông vén màn sương mờ mịt, chỉ cho tâm trí thấy lối sáng đường quang mà dẫn bước.

Phước Anh