Bước chuyển trong sản xuất công nghiệp nông thôn ở Nghệ An

Thu Huyền 24/11/2023 10:47

(Baonghean.vn) - Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, công tác khuyến công ở Nghệ An đã có chuyển biến tích cực. Trong đó, hoạt động bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là “gam màu sáng” tạo nên nét nổi bật trong bức tranh ngành Công Thương những năm qua.

Chuyển biến tích cực

Theo thống kê, đến nay, Nghệ An đã tổ chức được 6 kỳ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu từ cấp huyện đến cấp tỉnh; kết quả đã lựa chọn được 223 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, 96 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 26 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và 11 sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp quốc gia.

Tiêu biểu có các đơn vị: Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu (Quỳnh Lưu), Công ty TNHH Đức Phong (TP.Vinh), Công ty CP Khoa học Công nghệ tảo Việt Nam (Quỳnh Lưu), Hợp tác xã làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến (Quỳ Châu)… nhiều năm liền được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp cho nhiều loại sản phẩm khác nhau.

bna_Lớp học nghề dệt thổ cẩm tại huyện Con Cuông thuộc Chương trình khuyến công Nghệ An.jpeg
Lớp học nghề dệt thổ cẩm tại huyện Con Cuông thuộc Chương trình khuyến công Nghệ An. Ảnh: TH

Việc tôn vinh sản phẩm qua bình chọn đã giúp nhiều cơ sở có điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó, đẩy mạnh đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm của các doanh nghiệp ngoài tỉnh và hàng nhập khẩu.

Việc vinh danh công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cũng giúp cho người tiêu dùng yên tâm và tin tưởng vào chất lượng và uy tín của doanh nghiệp. Từ đó, củng cố vị thế thương hiệu của cơ sở để nhiều khách hàng biết đến sản phẩm của doanh nghiệp. Qua các kỳ tổ chức bình chọn đã thu hút được nhiều cơ sở sản xuất tham gia, số lượng sản phẩm tham dự bình chọn và đạt giải tăng dần qua từng năm; chất lượng, hình thức mẫu mã sản phẩm tham gia ngày càng cao. Sau khi được bình chọn, nhiều cơ sở đã được hỗ trợ kết nối sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu vào các hệ thống phân phối hàng hóa bán buôn, bán lẻ trên toàn quốc; xây dựng dữ liệu quảng bá trên sàn thương mại điện tử và trên các cổng thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng.

bna_Sản phẩm mây tre đan xuất khẩu của Công ty TNHH Đức Phong - 1 trong những sản phẩm đạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022.jpeg
Sản phẩm mây tre đan xuất khẩu của Công ty TNHH Đức Phong - 1 trong những sản phẩm đạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022. Ảnh: TH

Đến nay, nhiều cơ sở sản xuất đã phát triển từ quy mô vài chục lao động lên đến hàng trăm lao động, đưa doanh thu từ 3-5 tỷ đồng lên trên 20 tỷ đồng mỗi năm..., nhiều sản phẩm đã vươn ra thị trường xuất khẩu.

Nói tới sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu phải kể đến sản phẩm mây, tre đan xuất khẩu của Công ty TNHH Đức Phong. Những năm qua, tuy thị trường khó khăn nhưng doanh nhân Thái Đại Phong – Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong vẫn giữ vững ổn định sản xuất cho hàng ngàn lao động, nhất là lao động tại nông thôn. Công ty vừa được Hội đồng Quốc gia chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh Nghệ An.

Ông Thái Đại Phong - Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong cho biết: Nhờ áp dụng công nghệ, thiết bị hiện đại vào sản xuất, cộng với kinh nghiệm lâu nay, chúng tôi đã sản xuất và cung cấp cho thị trường những sản phẩm đẹp về mẫu mã, tốt về chất lượng, đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế, giá cả nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn, khiến nhiều cơ sở sản xuất mây, tre đan lao đao. Để tháo gỡ khó khăn cho sản phẩm mây, tre đan, chúng tôi trăn trở giải pháp phát triển nghề gắn với phát triển vùng trồng rừng nguyên liệu; đồng thời, tăng cường quảng bá, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm, để qua đó, khôi phục các làng nghề mây, tre đan, tạo việc làm cho lao động nông thôn...

Giúp doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất

Để đạt được kết quả đó, công tác khuyến công tích cực định hướng các nội dung hoạt động, nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu là hỗ trợ phát triển mạnh công nghiệp ở các vùng nông thôn theo quy hoạch. Ngành công thương cũng hỗ trợ, khuyến khích, động viên các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu và thị trường, đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, triển khai chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề.

Nhờ đó, đã lan tỏa chính sách, khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nỗ lực, quyết tâm đổi mới, sáng tạo. Cùng với đó, hoạt động bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là gam màu sáng trong bước chuyển mình tạo nên nét nổi bật trong bức tranh ngành Công Thương Nghệ An trong những năm qua.

1.jpeg
Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được trưng bày tại các hội nghị. Ảnh: T.H

Theo số liệu thống kê, từ nguồn kinh phí khuyến công tỉnh đã trích hỗ trợ cho 26 cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng. Các nội dung hỗ trợ gồm: Đào tạo lao động, đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị, ứng dụng dây chuyền công nghệ, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm.

Các cơ sở được hỗ trợ đã huy động vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết thêm việc làm cho lao động nông thôn; nhiều công nghệ sản xuất tiên tiến được chuyển giao, các mô hình trình diễn được nhân rộng.

bna_Sở Công Thương trao Giấy chứng nhận cho 25 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.jpeg
Sở Công Thương trao Giấy chứng nhận cho 25 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Ảnh: TH

Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn chưa phản ánh đúng thực tế tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Một số cơ sở, doanh nghiệp sản xuất chưa thực sự quan tâm đến cuộc thi bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Một số sản phẩm chưa phát huy được lợi thế, duy trì và ổn định được chất lượng sản phẩm. Một số cơ sở tham gia là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, chưa đầu tư ứng dụng hệ thống máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất nên quy mô sản lượng không nhiều, hoặc có trường hợp thủ công mỹ nghệ là sản phẩm độc bản. Một số sản phẩm vẫn áp dụng quy trình, công nghệ sản xuất thủ công, năng suất thấp, chất lượng còn hạn chế,…

Để khắc phục những tồn tại, khó khăn, trong những năm qua, trên cơ sở kết quả bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp, Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển.

Ông Ngô Xuân Vinh – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn phát triển công thương Nghệ An chia sẻ: Cùng với những đóng góp tích cực của hoạt động khuyến công, việc tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu sẽ tiếp tục đồng hành với các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao. Qua đó, tạo cơ hội để các sản phẩm công nghiệp nông thôn trong tỉnh ngày càng khẳng định được thương hiệu của mình, từ đó, tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

Sở Công Thương Nghệ An tiếp tục đồng hành với các cơ sở và ưu tiên hỗ trợ kinh phí khuyến công cho các doanh nghiệp có sản phẩm đạt giải để tháo gỡ nguồn vốn cho doanh nghiệp trong đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.

Ông Ngô Xuân Vinh – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn phát triển công thương Nghệ An

Thu Huyền