Thiết thực vì sự phát triển bền vững của rừng

Hoàng Vĩnh 27/11/2023 09:53

(Baonghean.vn) - Thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và người dân, ngành Lâm nghiệp Nghệ An đã nỗ lực vươn lên hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, với tổng diện tích được quy hoạch trên 1,16 triệu ha (chiếm 71,6% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh), có Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An với diện tích gần 1,3 triệu ha (là khu dự trữ sinh quyển lớn nhất trong số 9 khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam).

bna_ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Sở Nông nghiệp &PTNT thăm và làm việc tại xã Tây Sơn-Kỳ-Sơn. Ảnh Thanh Lê.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Sở Nông nghiệp và PTNT thăm và làm việc tại xã Tây Sơn (Kỳ Sơn). Ảnh tư liệu: Thanh Lê

Hành động thiết thực vì rừng

Hiện Nghệ An có khoảng 1 triệu ha rừng (trong đó, rừng tự nhiên hơn 789.000 ha; rừng trồng trên 224.000 ha). Tài nguyên đa dạng sinh học được phát hiện và ghi nhận khoảng 3.961 loài (khoảng 3.019 loài thực vật bậc cao, 942 loài động vật có xương sống lớn, nhỏ).

Trữ lượng gỗ hiện có khoảng 91,0 triệu m3 (bao gồm, gỗ rừng tự nhiên khoảng 81,35 triệu m3; gỗ rừng trồng khoảng 9,65 triệu m3); trên 1,94 tỷ cây tre, mét, có nhiều loại cây dược liệu quý và các loại cây nguyên liệu làm hàng thủ công, mỹ nghệ.

bna- 11.JPG
Cán bộ Kiểm lâm hướng dẫn, hỗ trợ người dân huyện Quỳ Châu phát triển cây lùng. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Sản lượng gỗ khai thác bình quân hàng năm đạt từ 1,2 - 1,4 triệu m3 gỗ rừng trồng và hàng ngàn tấn dược liệu, lâm sản ngoài gỗ. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 thành lập Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại Nghệ An. Các điều kiện trên là tiền đề để bảo vệ môi trường sống một cách bền vững, và là nguồn cung cấp nguyên liệu tiềm năng cho các ngành sản xuất hàng hóa từ gỗ và các sản phẩm ngoài gỗ, tạo nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh và ngành kinh tế lâm nghiệp.

Thực hiện Quyết định số 4378/QĐ-UBND ngày 30/12/2022, năm 2023, ngành Lâm nghiệp đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ diện tích rừng hiện có là 962.230 ha. Song song với đó là triển khai hiệu quả công tác trồng rừng, đến nay, đã trồng được 16.072 ha và trồng 6,515 triệu cây phân tán, đồng thời, chăm sóc 54.000 ha rừng và khoanh nuôi 76.000 ha, đã tạo được hơn 42,06 triệu cây giống các loại. Trên diện tích rừng trồng tập trung, toàn ngành đã khai thác 1.282.670m3 và khai thác 1.143,2 tấn nhựa thông…

bna_ Thị Trấn - Kỳ Sơn. Ảnh TL báo Nghệ An.JPG
Thị trấn Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu: Quang Dũng

Cùng với thực hiện tốt công tác chuyển mục đích sử dụng rừng, năm 2023, ngành Lâm nghiệp đã triển khai trồng 55,18734 ha rừng thay thế. Đến nay, toàn tỉnh đã có 15.614,17 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC (trong đó, diện tích rừng trồng là 14.775,37 ha và rừng tự nhiên là 838,90 ha) và thực hiện hiệu quả công tác chống chặt phá rừng, PCCCR và bảo tồn thiên nhiên...

Trao đổi về công tác quản lý và phát triển rừng, đại diện lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho hay: Thời gian qua, Chi cục luôn chủ động tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng, phát triển rừng và quản lý lâm sản. Thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, thanh tra, pháp chế trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Tăng cường phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng tại gốc, ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng; chủ động triển khai tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, nhờ vậy, độ che phủ rừng hiện đạt 58,36%.
Đặc biệt, lực lượng Kiểm lâm Nghệ An thực hiện tốt công tác ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong quản lý, bảo vệ rừng, như: Áp dụng chuyển đổi số giao đất, giao rừng; theo dõi diễn biến rừng; phòng, chống cháy rừng… Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Khu Dự trữ sinh quyển thế giới trên cạn lớn nhất Việt Nam

Bản đồ phân vùng khu DTSQ.png
Bản đồ phân vùng Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.

Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận vào năm 2007, đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới trên cạn lớn nhất Việt Nam, với tổng diện tích gần 1,3 triệu ha (trên địa bàn 9 huyện miền Tây Nghệ An, với hành lang xanh nối kết 3 vùng lõi gồm: Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt), chiếm hơn 84% tổng diện tích tỉnh Nghệ An; dân số khoảng trên 1 triệu người (gồm 6 dân tộc anh em), chiếm khoảng 30,14% tổng dân số toàn tỉnh.

Nơi đây có đa dạng sinh học cao, với nhiều loài động, thực vật đặc hữu, nguy cấp quý hiếm, và đa dạng bản sắc các cộng đồng 6 dân tộc sinh sống; đồng thời, chứa đựng nhiều cảnh quan, danh lam, thắng cảnh, di tích nổi tiếng.

bna_ ba con dan toc thai nuoi cac be tren song giang_1.JPG
Bà con nuôi cá bè trên sông Giăng. Ảnh tư liệu

Năm 2023, ngành Lâm nghiệp Nghệ An và Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây của tỉnh đã có nhiều hoạt động quan trọng: Thực hiện “Chiến lược quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An giai đoạn 2017 - 2027, tầm nhìn đến năm 2030”; tham gia phản biện, có ý kiến đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội thực hiện trong địa bàn khu dự trữ, đưa ra những khuyến nghị kịp thời, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. Đồng thời, phát huy vai trò, chức năng của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới hướng đến mục tiêu “Phát triển để bảo tồn, bảo tồn để phát triển”; đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh; bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học, đa dạng bản sắc văn hóa độc đáo và mang tính đặc thù của miền Tây xứ Nghệ.

Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An nhận được nhiều sự quan tâm từ Bộ, ngành Trung ương, UNESSCO, Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam) và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ngành, sự đồng lòng của người dân, nên đã đạt được một số thành tựu nhất định. Hiện, nơi đây đã và đang từng bước phát huy danh hiệu Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, hướng đến “danh hiệu trở thành thương hiệu” của tỉnh Nghệ An.

bna_ Guồng nước - Quỳ Châu.JPG
Guồng nước ở huyện Quỳ Châu. Ảnh tư liệu

Sự hình thành và phát triển Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An trong những năm qua đã có những đóng góp nhất định cho công cuộc phát triển của khu vực miền Tây Nghệ An và cả tỉnh. Tiềm lực kinh tế ở khu vực miền Tây Nghệ An có bước phát triển khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Công nghiệp chế biến nông sản, lâm sản, khoáng sản chuyển biến mạnh, từ chỗ chủ yếu là sản xuất sản phẩm thô sang chế biến tinh, chế biến sâu, áp dụng công nghiệp hiện đại, làm ra các sản phẩm có giá trị cao, mở ra hướng mới về phát triển thị trường. Công tác giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao.

Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống của đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số được nâng lên; an sinh xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt kết quả khá; khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống của nhân dân vùng miền Tây Nghệ An so với bình quân chung cả tỉnh từng bước được thu hẹp. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Hoạt động dịch vụ, du lịch thu được nhiều kết quả tốt.

bna_ Vẻ-đẹp-non-nước-sông-Giăng-và-đại-ngàn-Pù-Mát-Lê-Quang-Dũng.jpg
Vẻ đẹp non nước sông Giăng và đại ngàn Pù Mát. Ảnh tư liệu: Quang Dũng

Năm 2023, ngành Lâm nghiệp Nghệ An và Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây của tỉnh đã tiến hành điều tra, rà soát các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có tiềm năng và hỗ trợ, quảng bá, giới thiệu gần 20 sản phẩm gắn nhãn sinh thái “Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An”. Tổ chức các cuộc hội thảo tham vấn về triển khai kế hoạch gắn nhãn với thành phần gồm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các nhà quản lý, đơn vị đầu tư. Hỗ trợ thực hiện Dự án "Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển Việt Nam". Phối hợp, tổ chức tốt các hoạt động truyền thông với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng…

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 là tiếp tục triển khai các hoạt động thực hiện “Chiến lược quản lý Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An giai đoạn 2017 - 2027, tầm nhìn đến năm 2030” và đẩy mạnh việc thực hiện phòng, chống rác thải nhựa trong khu dự trữ sinh quyển. Tiếp tục triển khai kế hoạch gắn nhãn sinh thái “Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An” kết hợp với các công tác xúc tiến, quảng bá cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tiềm năng có xuất xứ từ khu dự trữ sinh quyển.
Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển trong nước và quốc tế. Xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ mới trong kế hoạch hành động Lima, Chiến lược trung hạn của UNESCO 2022-2029 (41 C/4) theo đề xuất của UNESCO và MAB Việt Nam, Khung đa dạng sinh học toàn cầu đặc biệt là thỏa thuận Côn Minh - Montreal và Công ước Khung về đa dạng sinh học sau năm2020, Công ước Biến đổi khí hậu toàn cầu và Ramsar Cop14T như: Thúc đẩy xây dựng khu khu dự trữ sinh quyển là mô hình phát triển bền vững, đóng góp cho các mục tiêu phát triển bền vững, triển khai các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa, tiến tới không rác thải nhựa và thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái trong khu dự trữ…” - đồng chí Nguyễn Danh Hùng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An cho biết.

Hoàng Vĩnh