Người chăn nuôi ở Nghệ An tích cực chăm sóc đàn vật nuôi, chuẩn bị thị trường Tết

Hoài Thu 27/11/2023 10:22

(Baonghean.vn) - Trước thời điểm tết Nguyên đán 2024 cận kề, người chăn nuôi ở Nghệ An tích cực chăm sóc đàn vật nuôi, tuân thủ nghiêm công tác phòng trừ dịch bệnh, chuẩn bị nguồn cung ứng cho thị trường. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng, dự báo giá thịt gia súc, gia cầm tăng nhẹ dịp Tết.

Tăng sản lượng thịt gia súc, gia cầm xuất chuồng

Một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của người dân xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) là chăn nuôi trâu, bò, dê. Để phục vụ thị trường tết Nguyên đán, ngay từ đầu năm, người dân nơi đây đã có kế hoạch tăng đàn vật nuôi. Ông Moong Văn Chum ở bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn cũng vậy, trong gia trại của mình, ông Chum thường duy trì đàn trâu, bò 30 con và đàn dê từ 80 - 150 con tùy thời điểm.

Ông Chum cho biết, từ tháng 9/2023, ông ngừng việc bán lẻ trâu, bò để tập trung chăm sóc chuẩn bị nguồn “hàng” bán dịp cận Tết. Ông Hờ Bá Pó - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Cắn cho biết, cũng như gia đình ông Chum, các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm của xã cũng đang tập trung chăm sóc vật nuôi phục vụ thị trường Tết. Cả xã Nậm Cắn có tổng đàn trâu, bò hơn 3.000 con, riêng bản Khánh Thành có hơn 800 con trâu, bò, nhiều hơn mức trung bình trong năm khoảng 200 con.

bna_chăn nuôi Nậm Cắn HT.JPG
Người dân bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) chăm sóc, tăng số lượng đàn vật nuôi chuẩn bị phục vụ thị trường Tết. Ảnh: Hoài Thu

Trên địa bàn toàn tỉnh, đến thời điểm tháng 11 năm 2023, tổng đàn trâu, bò ước đạt 800.460 con, tăng 3,12% so với cùng kỳ. Tổng đàn lợn ước đạt 988.625 con, tăng 3,35% so với cùng kỳ. Tổng đàn gia cầm ước đạt 32.618 nghìn con, tăng 7,82% so với cùng kỳ.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện đang là thời điểm người chăn nuôi tích cực chăm sóc đàn vật nuôi, dự kiến đến cuối năm, tổng đàn trâu, bò đạt 805 nghìn con, đàn lợn 1,05 triệu con và tổng đàn gia cầm khoảng 34 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 10 tháng năm 2023 ước đạt 238 nghìn tấn, tăng 3,36% so với cùng kỳ, sản lượng sữa 240 nghìn tấn. Với nguồn cung tăng, dự kiến cả năm sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 285 nghìn tấn - đạt tỷ lệ 100% so với kế hoạch, sản lượng sữa tươi 280 nghìn tấn so với kế hoạch 265 nghìn tấn.

Hiện trên thị trường, giá bán các sản phẩm chăn nuôi không ổn định. Giá thịt lợn hơi dao động 50.000-52.000 đồng/kg, giá thịt gà tại trang trại từ 52.000 - 55.000 đồng/kg, giá trứng gà 2.000 - 2.400 đồng /quả, giá bò hơi (bò laisind) 67.000 - 70.000 đồng /kg, giá bò 3B từ 80.000 – 82.000 đồng/kg.

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 970 trang trại chăn nuôi (theo quy mô của Luật Chăn nuôi). Cụ thể, trang trại lợn: 438 trang trại, bao gồm 24 trang trại quy mô lớn, 75 trang trại quy mô vừa và 339 trang trại quy mô nhỏ; trang trại bò: 50 trang trại, bao gồm 4 trang trại quy mô lớn, 14 trang trại quy mô vừa và 32 trang trại quy mô nhỏ; trang trại gia cầm: 482 trại, trong đó, có 332 trại gà (73 trang trại quy mô vừa, 259 trang trại quy mô nhỏ) và 150 trại vịt (45 trang trại quy mô vừa, 105 trang trại quy mô nhỏ).

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trên cơ sở tổng đàn và dự kiến sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2023, ngành chăn nuôi đã chủ động hướng dẫn các địa phương tăng đàn, tái đàn đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm phục vụ tiêu dùng các tháng cuối năm 2023, đặc biệt là dịp tết Nguyên đán 2024.

Dự kiến, sản lượng sản phẩm chăn nuôi sản xuất 2 tháng cuối năm và tháng 1 năm 2024 khoảng 57.000 tấn, sản lượng sữa 70.000 tấn và sản lượng trứng 180 triệu quả. Dự báo, giá các sản phẩm chăn nuôi dịp tết Nguyên đán 2024 sẽ chỉ tăng nhẹ từ 10-15% do sức tiêu thụ không tăng đột biến so với nhu cầu và không thiếu hụt sản phẩm chăn nuôi phục vụ người tiêu dùng.

bna_Mô hình chăn nuôi lợn cho thu nhập cao của bà VânJPG.JPG
Người dân xã Mậu Đức (Con Cuông) chăn nuôi lợn theo hướng VietGAP. Ảnh: Hoài Thu

Siết chặt phòng ngừa dịch bệnh

Bên cạnh việc sẵn sàng chuẩn bị cung ứng các sản phẩm chăn nuôi, người nông dân còn tích cực tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Trước mắt, hạn chế nguồn lây lan, phòng ngừa cho đàn vật nuôi chưa bị nhiễm bệnh.

Tại huyện Đô Lương, đến thời điểm giữa tháng 11/2023 có 17 ổ dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày. Địa phương đang tích cực ngăn chặn lây lan, khoanh vùng dập dịch. Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đô Lương cho biết, ngay từ khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên, huyện đã lập tổ chỉ đạo phòng, chống dịch, thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm nhằm ngăn chặn nguồn lây. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 10 tháng năm 2023 ước đạt 24 nghìn tấn, tăng 1,10% so với năm 2022. Riêng 6 tháng đầu năm 2023 đạt 11.810 tấn, tăng 2,46% so với cùng kỳ.

bna_Tiêu huỷ lợn phải đảm bảo các quy trình phòng dịch ảnh QA.jpg
Nghệ An xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Đến tháng 11/2023, đã xử phạt 5 trường hợp vi phạm quy định về chăn nuôi, thú y với số tiền 56 triệu đồng. Ảnh tư liệu: Quang An

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm từ đầu năm 2023 đến nay diễn biến phức tạp, nhất là dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, dại chó; bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính, vi bào tử trùng trên tôm nuôi tại các hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Cụ thể, hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra 93 ổ dịch tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa qua 21 ngày tại 15 huyện, thị. Tổng số lợn chết, buộc tiêu hủy là 3.524 con, tương đương tổng trọng lượng 201.425 kg, trong đó, lợn nái 749 con, lợn thịt 2.016 con, lợn con 752 con. Tổng số lợn tiêu hủy năm 2023 khoảng 0,7% tổng đàn.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đang từng bước được khống chế. So với cùng kỳ năm 2022, số ổ dịch giảm 19,4%, số lợn tiêu hủy tại các ổ dịch giảm 11,1%. Có nhiều địa phương làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, có tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi đạt cao từ 60 -80% như Đô Lương, Nam Đàn, Nghĩa Đàn, Hưng Nguyên, TX. Cửa Lò.

bna_chăn nuôi Đô Lương HT.JPG
Người dân huyện Đô Lương vỗ béo đàn vật nuôi, tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Ảnh: Hoài Thu

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong gần 11 tháng đầu năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành 16 văn bản chỉ đạo kịp thời, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình địa phương, để chỉ đạo công tác phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trên cơ sở tổng đàn và dự kiến sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2023, ngành chăn nuôi đã chủ động hướng dẫn các địa phương tăng đàn, tái đàn đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm phục vụ tiêu dùng các tháng cuối năm 2023, đặc biệt là dịp tết Nguyên đán 2024.

Bên cạnh đó, siết chặt công tác phòng, chống dịch bệnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đến tháng 11/2023, thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xử phạt 5 trường hợp vi phạm quy định về chăn nuôi, thú y, với số tiền 56 triệu đồng. Lãnh đạo sở cũng yêu cầu các địa phương theo dõi, nắm sát tình hình, kịp thời báo cáo các diễn biến bất thường của dịch bệnh gia súc, gia cầm để xử lý kịp thời. Lưu ý phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác động vật nhiễm bệnh ra môi trường.

Hoài Thu