Quan tâm việc làm, vốn vay cho người hoàn lương

Đặng Cường 28/11/2023 14:08

(Baonghean.vn) - Sự thông cảm, quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền, đoàn thể, cộng đồng, cùng với đó là chính sách hỗ trợ cho vay, tạo việc làm chính là động lực quan trọng để những người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá vượt qua mặc cảm, có động lực làm lại cuộc đời.

GIẢI PHÁP HỖ TRỢ

Theo số liệu tổng hợp của Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 10/11/2023, toàn tỉnh có 4.889 người đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.

Để giúp đỡ những người lầm lỗi có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội, trên cơ sở thực hiện các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công an, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, công văn chỉ đạo về công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn. Theo đó, các cấp, ngành, địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các cơ quan đoàn thể tổ chức xã hội, tập thể, cá nhân và mọi tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ việc quản lý giáo dục giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương…

bna_0. ảnh pv.jpg
Công an xã Thông Thụ thăm gia đình anh S.V.M ở bản Hiệp Phong sau thời gian trở về địa phương. Ảnh: Đ.C

Nhiều mô hình tái hòa nhập cộng đồng cũng đã được triển khai, như: “Dân vận khéo trong công tác tái hòa nhập cộng đồng” ở TX. Thái Hòa; “Chung tay cảm hóa, hướng nghiệp, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù” tại xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương; “Chung tay giúp đỡ người lầm lỗi” ở phường Nghi Thu (TX. Cửa Lò); “Câu lạc bộ vòng tay bè bạn” của Hội Phụ nữ phường Vinh Tân (TP. Vinh); “Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, vận động các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng” ở xã Xuân Hòa (Nam Đàn), xã Hưng Xá (Hưng Nguyên), xã Nam Sơn (Đô Lương)…

bna_4. ảnh pv.jpg
Công an xã Thông Thụ trao đổi với anh S.V.M ở bản Hiệp Phong. Ảnh: Đ.C

Chính sự quan tâm, hỗ trợ thông qua những mô hình, hoạt động như trên đã giúp những người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá có chỗ dựa vươn lên làm lại cuộc đời. Anh S.V.M (SN 1996) trú tại bản Hiệp Phong, xã Thông Thụ (Quế Phong), sau khi thụ án 8 năm 3 tháng tù vì tội mua bán trái phép chất ma túy, trở về địa phương vào năm 2022 cho biết: “Những ngày đầu mới trở về tái hoà nhập, tôi cảm thấy lạc lõng. Nhưng khi nhận được sự giúp đỡ, động viên từ gia đình và cộng đồng, tôi dần thoát khỏi mặc cảm, chí thú làm ăn. Hiện nay, ngoài chăm sóc 10 ha keo, tôi còn tập trung chăn nuôi lợn, ếch để ổn định kinh tế, nâng cao thu nhập”.

bna_45. ảnh pv.jpg
Công an xã Mỹ Sơn tham quan vườn cây ăn quả của anh Đ.V.Q trú tại xóm 4. Ảnh: Đ.C

Tương tự, anh Đ.V.Q trú tại xóm 4, xã Mỹ Sơn (Đô Lương) cho hay: “Sau thời gian chấp hành án phạt tù 27 tháng vì tội “Gây rối trật tự công cộng”, trở về địa phương, ngoài nguồn động viên từ gia đình, tôi còn nhận được sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền, các tổ chức, đoàn thể tại địa phương, nhờ vậy đã tạo động lực cho tôi vươn lên phát triển kinh tế”. Được biết, hiện nay, ngoài nguồn thu từ diện tích 45 ha keo của gia đình, anh Q. còn đầu tư vào chăn nuôi, trồng cây ăn quả và đấu thầu con đập gần nhà để làm dịch vụ câu cá.

NHỮNG KHÓ KHĂN

Dù đã nhận được nhiều sự hỗ trợ, tạo điều kiện nhưng theo tìm hiểu thực tế, hiện nay những người đã chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng vẫn còn gặp phải không ít khó khăn. Bởi công tác phối kết hợp, chung tay chưa thực sự hiệu quả, còn ỷ lại vào lực lượng công an. Nguồn kinh phí cấp cho công tác tái hòa nhập cộng đồng còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra nên phần lớn chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, vận động…

1.jpg
Các phạm nhân nữ tích cực tham gia học nghề tại Trạm giam số 6. Ảnh tư liệu: Đ.C

Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là vấn đề việc làm, theo các địa phương, một số doanh nghiệp khi tuyển dụng, yêu cầu xác nhận lý lịch, vì vậy, những người chưa xóa án tích rất khó để được nhận vào làm việc. Do đó, nhiều người sau khi ra tù không tìm được việc làm nên bị kẻ xấu lợi dụng dẫn tới tái phạm. Có người sau khi ra tù không về đúng địa chỉ đã đăng ký, không khai báo với chính quyền địa phương nơi cư trú; nhiều trường hợp đi làm xa không khai báo tạm vắng gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, nhận xét để thực hiện xóa án tích…

Số người tái hòa nhập cộng đồng hiện trong diện quản lý trên địa bàn huyện hiện là 168 người. Xác định nguyện vọng của các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng là được tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế, địa phương đã làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội trong công tác hỗ trợ các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng về vấn đề vay vốn. Đồng thời, chủ động trao đổi với các doanh nghiệp trên địa bàn về nhu cầu tuyển dụng lao động để định hướng đào tạo nghề, tạo việc làm phù hợp. Tuy nhiên, thực tế số trường hợp tiếp cận được nguồn vốn vay, cũng như được nhận vào làm tại các doanh nghiệp vẫn còn ít.

ÔNG LÔ MINH ĐIỆP - TRƯỞNG PHÒNG LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI HUYỆN QUẾ PHONG

Theo Thiếu tá Hoàng Văn Hiệp - Trưởng Công an xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, thì chỉ tính riêng từ năm 2012 đến tháng 10/2022, xã có 50 trường hợp chấp hành xong án phạt tù, so với các xã trên địa bàn huyện tương đối nhiều. Hiện phần lớn các trường hợp này vẫn chưa có công việc ổn định, một số ít trường hợp sau khi chấp hành xong án phạt tù vẫn tiếp tục tái phạm… Đây là cơ sở để xã xây dựng mô hình “Tái hòa nhập cộng đồng phát triển kinh tế giỏi”. Tuy nhiên, về vấn đề hỗ trợ nguồn vốn vay, thực tế ngoài đáp ứng các điều kiện như chấp hành tốt các quy định của pháp luật; không tham gia các tệ nạn xã hội và được công an, UBND xã xác nhận, lập danh sách gửi Ngân hàng Chính sách xã hội thì quy định mức vay hiện còn thấp so với nhu cầu, nhất là phục vụ sản xuất, kinh doanh của các đối tượng ở địa phương như kinh doanh nhà hàng, xưởng mộc…

bna_87. ảnh pv.jpg
Công an xã Diễn Hải giới thiệu với cán bộ Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an huyện Diễn Châu về xưởng mộc của anh B.V.T ở xóm 5. Ảnh: Đ.C

Theo anh H.N.A, trú tại xóm 4, xã Diễn Hải, quy định mức vay hiện nay theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, mức vốn vay đối với cá nhân để đào tạo nghề, học nghề tối đa 4 triệu đồng/tháng/ người; cho vay để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm tối đa là 100 triệu đồng/người. Với mục đích sản xuất, kinh doanh, cụ thể là kinh doanh nhà hàng như anh A, thì đây là mức vay thấp, không đáp ứng được nhu cầu vay nên anh phải thông qua các hình thức vay khác.

Vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Nghệ An cho rằng, để những người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá ổn định cuộc sống, bên cạnh việc tạo điều kiện về việc làm… cần có sự quan tâm hỗ trợ về nguồn vốn kịp thời để họ có thể tự lực trong sản xuất, kinh doanh. Có như vậy, công tác tái hòa nhập cộng đồng mới thực sự hiệu quả, nhằm hạn chế, ngăn chặn tình trạng tái phạm tội.

Đặng Cường