Nhiều điểm 'nghẽn' trong thu hút sinh viên xuất sắc về ngành giáo dục
(Baonghean.vn) - Thực hiện Nghị định 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 về thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, ngành Giáo dục là đơn vị tiên phong và đã thu hút nhiều sinh viên xuất sắc về giảng dạy tại các nhà trường. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn.
Khó thu hút
Nghị định 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được Chính phủ ban hành ngày 5/12/2017. Theo đó, có 3 đối tượng được ưu tiên tuyển dụng, trong đó có đối tượng sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc tại các cơ sở giáo dục đại học ở trong và ngoài nước.
Để được hưởng chính sách này, sinh viên xuất sắc phải từng đạt giải Ba cá nhân trở lên tại một trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, giải Khuyến khích trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi quốc gia hoặc Bằng khen trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi quốc tế trong thời gian học THPT.
Ngoài ra, sinh viên xuất sắc phải đạt giải Ba cá nhân trở lên tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia hoặc quốc tế trong thời gian học ở cấp THPT hoặc bậc đại học; người đạt giải Ba cá nhân trở lên tại cuộc thi Olympic thuộc một trong các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Cơ học, Tin học hoặc các chuyên ngành khác trong thời gian học ở bậc đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.
Từ khi Nghị định đi vào thực hiện đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã tổ chức 4 lần tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm vào làm việc tại các trường THPT trên toàn tỉnh. Lần tuyển dụng mới đây nhất vào tháng 4/2023, trong danh sách 64 người trúng tuyển, có 4 người được tuyển dụng thu hút theo chính sách này, trong đó có 2 người từng đạt là học sinh giỏi quốc gia và 2 người là học sinh giỏi tỉnh trong những năm phổ thông. Các sinh viên này đều tốt nghiệp xuất sắc, có người là thủ khoa đầu ra ở các trường đại học.
Cô giáo Nguyễn Thị Anh Thơ - Trường THPT Kim Liên (Nam Đàn) là một trong những giáo viên may mắn được tuyển dụng trong đợt vừa rồi. Nữ giáo viên trẻ này từng đạt giải Nhì học sinh giỏi tỉnh môn Sinh học và tốt nghiệp loại xuất sắc của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Với việc được tuyển dụng theo Nghị định 140, trong những năm đầu tiên cô Thơ sẽ được hưởng mức lương 200%, chưa kể các phụ cấp khác.
Nói về chính sách ưu tiên này, cô Anh Thơ chia sẻ: Việc được tuyển dụng theo chính sách thu hút là một vinh dự với tôi. Điều đó, không chỉ ghi nhận cho nỗ lực trong 4 năm học đại học mà còn là cả quá trình phấn đấu, cố gắng trong 3 năm học THPT. Cá nhân tôi cũng xem đây là một động lực để mình cần phải tiếp tục, phấn đấu.
Trước đó, tính từ năm 2019 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã tuyển dụng được 250 giáo viên. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 19 người được tuyển dụng theo chính sách thu hút của Nghị định 140. Hiện các giáo viên này đang công tác tại nhiều trường THPT trong tỉnh như Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Trường THPT Cửa Lò 2, Trường THPT Kim Liên (Nam Đàn), Trường THPT Nghi Lộc 3, Trường THPT Hoàng Mai và đang phát huy được năng lực.
Cần "nới lỏng" các tiêu chí
Nói về nguyên nhân, việc tuyển dụng theo chính sách ưu tiên thấp, ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ngành Giáo dục tạo mọi điều kiện để các sinh viên xuất sắc về công tác tại ngành. Tuy nhiên, chỉ tiêu giao cho ngành Giáo dục hàng năm thấp. Trong khi đó, số hồ sơ đủ cả hai tiêu chí thì ít nên chưa thu hút được nhiều sinh viên xuất sắc.
Thực tế cũng cho thấy, không chỉ ở cấp tỉnh, việc tuyển dụng sinh viên sư phạm về làm việc tại các trường từ mầm non đến THCS ở cấp huyện cũng rất khó khăn. Một phần là bởi những năm qua, số lượng học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi quốc gia đăng ký thi vào ngành sư phạm không nhiều nên không có nguồn tuyển. Hơn nữa, với quy định phải đạt cả 2 tiêu chí lại càng ít hơn.
Ông Nguyễn Đức Vĩnh - Trưởng phòng Nội vụ huyện Anh Sơn cho biết: Giai đoạn 2017 - 2018, huyện chúng tôi có thu hút được 1 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc về công tác ở phòng Lao động - Thương binh và Xã hội. Còn lại, những năm sau này không có nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc về nộp hồ sơ, kể cả ngành sư phạm. Theo tôi cần có những chính sách đặc thù riêng cho những huyện ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn.
Việc tiêu chí quá cao và không hợp lý còn khiến cho việc thu hút sinh viên vào ngành sư phạm bị giảm. Đơn cử như tại Nghệ An, những năm qua, mỗi năm có hàng trăm học sinh lớp 12 đậu học sinh giỏi tỉnh và học sinh giỏi quốc gia nhưng số lượng học sinh đăng ký vào ngành sư phạm đếm trên đầu ngón tay. Số còn lại, dù đã theo học sư phạm nhưng lại không đủ cả hai tiêu chí.
Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Với quy định sinh viên tốt nghiệp xuất sắc còn cần phải có giải Ba học sinh giỏi tỉnh trở lên là rất khó . Vì thế, Chính phủ cần có những điều chỉnh phù hợp với thực tế nhằm tạo nguồn chất lượng cho ngành Giáo dục.
Về điểm “nghẽn” trong thu hút sinh viên xuất sắc, tại kỳ trả lời chất vấn với đại biểu Quốc hội vào ngày 5/11/2022, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng đã thừa nhận những hạn chế vì từ năm 2022, cả nước chỉ tuyển dụng theo diện thu hút đạt 258 người, so với mục tiêu là 1.000 người. Trong đó, ở cấp Trung ương thu hút được 130 sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ, còn lại ở địa phương.
Vì vậy, thời gian tới, người đứng đầu Bộ Nội vụ cho biết, sẽ đánh giá toàn diện Nghị định 140 và sẽ xây dựng chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài để chính sách được đi vào cuộc sống và thực sự tạo động lực cho các sinh viên giỏi của nước nhà và gỡ khó cho các địa phương, các ban, ngành trong quá trình thực hiện.