Tuổi trẻ Nghệ An xung kích triển khai gần 3.500 công trình vì cộng đồng
(Baonghean.vn) - Trong năm 2023, tuổi trẻ toàn tỉnh đã triển khai gần 3.500 công trình Thanh niên các cấp với tổng giá trị làm lợi hơn 40 tỷ đồng. Nỗ lực này đã phản ánh đúng tinh thần của thanh niên Nghệ An khi luôn xung kích dấn thân vào việc khó, việc mới để hướng tới cộng đồng, xã hội.
Đưa nguồn lực về địa bàn khó khăn
Trong tiết Tin học, ánh mắt của cô học trò nhỏ Nguyễn Ngọc Đan Lê - lớp 5A3, Trường Tiểu học Thạch Ngàn (Con Cuông) gần như mải mê khám phá các tổ hợp phím đầy thú vị mà quên hết thời gian. Trước đây, phòng học có rất ít máy tính, muốn thực hành thì 5, 6 bạn phải dùng chung một máy. Vậy nhưng, kể từ ngày trường được Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh cùng các doanh nghiệp đồng hành trang bị phòng Tin học với 20 máy tính, những buổi học Tin thực sự đã mang lại nguồn cảm hứng đầy thú vị cho các em.
Trường Tiểu học Thạch Ngàn hiện có 594 em học sinh thì có tới 508 học sinh là đồng bào dân tộc Thái và Đan Lai. Ngoài điểm trường chính tại bản Đồng Tâm, trường còn có 4 điểm trường lẻ tại các bản Khe Đóng, Kẻ Gia, Bá Hạ và Thạch Sơn. Trước đây, cả 5 điểm trường chỉ có 10 máy tính, việc duy trì dạy – học bộ môn Tin học vì thế vô cùng gian nan. Vậy nhưng, giờ đây khi có thêm 20 máy mới thì thầy, trò nơi đây đã có thêm động lực để nâng cao được chất lượng dạy và học.
Cùng chung niềm vui đó, trong tháng 11 vừa qua, tại mảnh đất rẻo cao Kỳ Sơn, Tỉnh đoàn cùng các đơn vị doanh nghiệp đồng hành đã trao tặng công trình “Phòng Tin học cho em” tại Trường Tiểu học Tây Sơn (xã Tây Sơn). Đó là những công trình ý nghĩa giúp nâng cao cơ sở vật chất tại các điểm trường khó khăn, và cũng đảm bảo rằng, mọi trẻ em đều có quyền lợi và cơ hội tiếp cận kiến thức công nghệ một cách bình đẳng, đặc biệt là trong thời đại 4.0.
Năm qua, các cơ sở Đoàn đã tích cực tìm kiếm các nguồn lực để quan tâm, hỗ trợ 405.000 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị hơn 16 tỷ đồng. Đồng thời, trao học bổng với tổng trị giá hơn 9 tỷ đồng cho 6.035 học sinh, sinh viên khó khăn.
Có thể khẳng định, phong trào thanh niên tình nguyện với trọng tâm đưa nhân lực và huy động vật lực về hỗ trợ các thôn, xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa luôn là mục tiêu then chốt của tuổi trẻ Nghệ An.
Chỉ tính riêng năm 2023, toàn tỉnh tổ chức được 7 công trình thanh niên cấp tỉnh, 204 công trình thanh niên cấp huyện, 3.227 công trình, phần việc thanh niên cơ sở với tổng giá trị làm lợi hơn 40 tỷ đồng. Đặc biệt, tại các địa phương đang hoàn thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì việc triển khai các công trình thanh niên càng thêm sôi nổi, hiệu quả.
Đối với việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đặc biệt tại địa bàn còn nhiều thiếu thốn, các cấp bộ đoàn đã có nhiều cố gắng, sáng tạo trong tìm kiếm, tổ chức các hoạt động đồng hành với thanh niên. Hiện toàn tỉnh đã có 1.655/1.500 ý tưởng, sáng kiến của đoàn viên thanh niên được tổ chức đoàn triển khai, hiện thực hóa, xuất sắc vượt chỉ tiêu đề ra.
Trong năm 2023, dư nợ ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội của Đoàn thanh niên đạt trên 2.125 tỷ đồng (tăng 17% so với đầu năm 2022), đã cho 400 hộ gia đình chính sách và thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Xuất hiện nhiều mô hình Thanh niên phát triển kinh tế cho thu nhập mỗi năm từ 200 đến 400 triệu đồng, tạo tiền đề tươi sáng trong phát triển kinh tế cho lực lượng thanh niên, đoàn viên toàn tỉnh.
Tiên phong chuyển đổi số
Là miền quê nghèo, giàu truyền thống yêu nước, mảnh đất Yên Thành có nhiều chứng tích lịch sử gắn liền với quá trình đấu tranh của người dân nơi đây vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong đó, địa danh Tràng Kè ở xã Mỹ Thành là “địa chỉ đỏ” đối với biết bao người con quê lúa. Nơi đây, thực dân Pháp đã xử bắn 72 chiến sĩ cộng sản trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931).
Hiểu được giá trị lịch sử to lớn và thiêng liêng đó, tháng 11/2023, tuổi trẻ huyện Yên Thành đã tiến hành triển khai và bàn giao công trình “Thanh niên số hóa dữ liệu lịch sử Tràng Kè”, đây là hoạt động quan trọng nhằm hiện thực hóa chủ đề "Năm chuyển đổi số các hoạt động của đoàn" mà lực lượng đoàn viên, thanh niên địa phương đang nỗ lực thực hiện trong thời gian qua.
Ngoài Khu Di tích Tràng Kè, hiện trên địa bàn toàn huyện Yên Thành đã có thêm 6 địa chỉ đỏ được lắp mã QR gồm: Nhà lưu niệm Phan Đăng Lưu, nhà lưu niệm Hồ Tông Thốc, Đình Sừng, đền Đức Hoàng, nhà lưu niệm Bác Hồ, nghĩa trang liệt sĩ. Cùng đó, tuổi trẻ địa phương đã xây dựng mô hình chợ 4.0 cấp huyện tại chợ thị trấn và phối hợp với các đơn vị đồng hành cấp mã QR cho các tiểu thương tại chợ, các cửa hàng buôn bán trên địa bàn.
Nhờ việc bám sát chủ đề công tác năm và Nghị quyết Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII, các cấp bộ Đoàn đã triển khai nhiều hoạt động quan trọng tập trung vào các hoạt động mới về chuyển đổi số, tiên phong xây dựng chính phủ số, xã hội số; nâng cao năng lực số cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên. Hiện toàn tỉnh xây dựng 207 bản đồ số các địa chỉ đỏ, số hóa 35 tài liệu, hiện vật.
Cùng đó, trong công cuộc chuyển đổi số, tuổi trẻ Nghệ An đã đề xuất nhiều giải pháp, mô hình mới để thực hiện hiệu quả Đề án số 06 của Chính phủ như: Thành lập các tổ chuyển đổi số cộng đồng; phát động đợt thi đua cao điểm “Hướng về cơ sở, phủ xanh tài khoản định danh điện tử”; ngày cao điểm hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng điện tử, đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2 trên ứng dụng VNeID; thực hiện thủ tục hành chính trên dịch vụ công trực tuyến. Tỉnh đoàn triển khai xây dựng mô hình “Chợ dân sinh không dùng tiền mặt”, “Chợ 4.0”; thư viện số, tủ sách điện tử... Các hoạt động được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Nhìn lại hành trình năm 2023, Bí thư Tỉnh đoàn Lê Văn Lương khẳng định, tuổi trẻ Nghệ An đã không ngại dấn thân vào những nhiệm vụ khó và những phần việc mới. Khó ở đây là nỗ lực trong chủ động kết nối, kêu gọi, thu hút các nguồn lực và triển khai các công trình, phần việc tại các địa bàn khó khăn. Mới ở đây là công cuộc chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn và đóng góp tích cực vào công cuộc chuyển đổi số của đất nước. Sau những nỗ lực đó, việc thực hiện 14 chỉ tiêu công tác năm đã hoàn thành một cách xuất sắc với 9 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra.
Thời gian tới, các cấp bộ Đoàn cần tiếp tục tăng cường giải pháp tìm hiểu, kết nối, phối hợp, kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ cho các phong trào. Việc xã hội hóa nguồn lực trong triển khai các hoạt động là "đòn bẩy" để phong trào thanh thiếu nhi phát triển cả bề rộng và chiều sâu.
Năm 2024, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn đã ban hành định hướng công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2024 với chủ đề “Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là căn cứ để tuổi trẻ Nghệ An nghiên cứu, cụ thể hóa trong quá trình xây dựng chương trình công tác năm 2024.
Trong đó chú trọng thực hiện chủ trương “3 liên kết”, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động tình nguyện. Tổ chức hiệu quả các đợt hoạt động tình nguyện cao điểm, các hoạt động tình nguyện thường xuyên, tại chỗ, tình nguyện theo khối đối tượng, tại các địa bàn xây dựng nông thôn mới, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, biển đảo. Từ đó, xây dựng hình ảnh thanh niên Nghệ An xung kích, tình nguyện, sáng tạo, luôn dấn thân, đi tuyến đầu trong thực hiện các nhiệm vụ, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.