Người trồng cao su Nghệ An phấn khởi khi 'vàng trắng' tăng giá

Văn Trường 04/12/2023 07:53

(Baonghean.vn) - Cao su bất ngờ tăng giá sau nhiều năm giảm sâu, giúp thu nhập của các hộ dân trồng cao su ở Nghệ An được cải thiện.

Từ tháng 11/2023 đến nay, mủ cao su bất ngờ tăng giá, nông dân phấn khởi khi đầu ra dần ổn định.

Có mặt tại cánh rừng cao su ở xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ, thấy nông dân đã cạo mủ cao su trở lại. Anh Nguyễn Minh - một nông dân ở xã Tân Phú, trồng trên 1 ha cao su, chia sẻ: Nhiều năm qua, có lúc mủ cao su chạm đáy chỉ đạt 13.000 đồng/kg, tiền thu không đủ nguồn vốn đầu tư bỏ ra. Nhưng hơn 1 tháng nay, giá tăng lên 16.500-19.000 đồng/kg, dù tăng nhẹ nhưng chúng tôi phấn khởi vì có thêm chi phí chăm sóc vườn cây cũng như trang trải sinh hoạt gia đình.

bna_van truong 1.jpeg
Hiện nay cao su tăng giá, người dân đã khai thác, cạo mủ trở lại. Ảnh: Văn Trường

Đại diện Công ty cổ phần Nông nghiệp Sông Con cho biết: Do đầu ra khó tiêu thụ, có những thời điểm đơn vị chỉ có 150/600 ha cao su phải ngừng khai thác mủ. Nhưng gần 2 tháng nay, mủ cao su tăng giá nhẹ, trên 100 tấn cao su tồn đọng từ đầu năm 2023 đến nay đã bán hết. Hiện, đơn vị đã thu mua cho vùng nguyên liệu xã Tân Phú, Tân Long 45-50 tấn mủ cao su/tháng. Nguyên nhân tăng giá là hiện nay thị trường Trung Quốc đã nhập khẩu cao su. Chúng tôi đang hy vọng sẽ trở lại thời hoàng kim đạt giá 23.000 đồng/kg mủ.

Cũng thời điểm này, tại nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cà phê – Cao su Nghệ An (thị xã Thái Hòa) hoạt động khá nhộn nhịp. Ông Hoàng Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết: Trước đây, do tiêu thụ khó khăn, nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng chế biến 50 tấn/tháng; gần 2 tháng qua, cao su tăng giá nên nhà máy chế biến đạt 280 tấn/tháng (đạt trên 90% công suất).

bna_van truong 3.JPG
Đóng hàng cao su thành phẩm ở Công ty TNHH MTV Cà phê – Cao su Nghệ An (thị xã Thái Hòa). Ảnh: Văn Trường

Giá mủ tạp thu mua cho vùng nguyên liệu 17.000 đồng/kg (tăng 3.000 -4.000 đồng/kg so với trước đây). Giá cao su thành phẩm (đã qua chế biến) trước đây xuất bán chỉ đạt 26-27 triệu đồng/tấn, nay giá tăng lên 30 triệu đồng/tấn, như vậy là đã có lãi. Hiện nay trên 1.800ha cao su hầu hết đang được khai thác lấy mủ đồng đều, thị trường cao su hiện nay chủ yếu tiêu thụ nội địa và Trung Quốc.

Mặc dù giá cao su tăng giá, tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn khác như hầu hết dây chuyền, thiết bị chế biến của nhà máy trên địa bàn Nghệ An còn lạc hậu, nên sản phẩm cao su khi chế biến ra chưa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, một số lô hàng khi xuất bán đi các nước đã từng bị trả lại, chủ yếu cao su bị lỗi dính tạp chất nhiều.

Theo các nhà chuyên môn, giá cao su tại thị trường châu Á biến động mạnh trong bối cảnh lạc quan về số liệu kinh tế của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc hiện có nhiều chính sách cho ngành công nghiệp xe điện, tác động tích cực lên tổng cầu cao su tại quốc gia này, nên thời điểm mấy tháng vừa qua giá cao su đã tăng nhẹ.

bna_van truong mmm.JPG
Các dây chuyền chế biến mủ cao su ở thị xã Thái Hoà đang hoạt động. Ảnh: Văn Trường

Ông Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương) cho biết: Địa bàn Nghệ An hiện có trên 10.000 ha cao su, tập trung chủ yếu ở các huyện Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quế Phong… Chủ yếu các doanh nghiệp, đơn vị nông lâm, trường, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý diện tích cao su, giao khoán cho các hộ dân chăm sóc, khai thác, các đơn vị trên đứng ra thu mua mủ cao su.

Các doanh nghiệp nên đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến công nghệ hiện đại, nhằm tăng tỷ lệ cao su chế biến hơn là cao su nguyên liệu để nâng cao giá trị xuất khẩu./.

Văn Trường