Nước nào có khả năng trở thành trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine?
(Baonghean.vn) -Theo một nguồn tin cấp cao, Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine, kể cả trên lãnh thổ của một quốc gia phương Tây. Trong khi đó, giới chuyên gia tin rằng, rất có thể, vai trò hòa giải thuộc về một quốc gia không phải thành viên NATO.
Tuần trước, trong một cuộc phỏng vấn với Izvestia, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjártó cho biết, Budapest sẵn sàng trở thành trung tâm hòa giải cho Moskva và Kiev. Điều này cũng đã được ông Szijjártó đề cập với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andrei Ermak hồi tháng 2/2022.
Izvestia dẫn một nguồn tin cấp cao cho hay, Moskva không phản đối các cuộc đàm phán với Kiev trên lãnh thổ của một quốc gia phương Tây, bao gồm cả Hungary. Tuy nhiên, điều quan trọng là liệu phương Tây và Ukraine sẵn sàng đối thoại mang tính xây dựng với Nga.
Các cuộc đàm phán nhằm giải quyết xung đột Nga-Ukraine diễn ra từ tháng 2 đến tháng 3 năm 2022, lần lượt thông qua các quốc gia trung gian là Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ.
Rodion Miroshnik, Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga chia sẻ với Izvestia rằng, hiện tại Kiev đang cố gắng tuân thủ nghiêm ngặt các “chỉ dẫn” của phương Tây để “chiến đấu đến người Ukraine cuối cùng”.
“Chúng tôi đánh giá cao mong muốn giúp ngăn chặn xung đột của Hungary, nhưng hòa giải chỉ là công cụ để tổ chức quá trình đàm phán. Câu hỏi quan trọng vẫn là: Ở phía bên kia, ai sẵn sàng đàm phán? Ukraine, vốn không tự đưa ra quyết định, còn bó hẹp mình trong sắc lệnh cấm đàm phán với Nga. Trong khi đó, đồng minh phương Tây của Kiev không thể hiện mong muốn đàm phán” - ông Rodion Miroshnik cho biết.
Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng, Moskva sẵn sàng đạt được các mục tiêu chiến dịch quân sự đặc biệt thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao.
Kể từ khi xung đột nổ ra, nhiều quốc gia đã bày tỏ mong muốn trở thành trung gian hòa giải. Thổ Nhĩ Kỳ là nước đóng vai trò tích cực nhất. Tại đây, các bên không chỉ đồng ý về lệnh ngừng bắn và các nguyên tắc tương tác trong tương lai giữa Moskva và Kiev, mà còn tiến hành đối thoại về xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.
Vào tháng 2/2023, Trung Quốc đưa ra kế hoạch hòa bình của mình, bao gồm 12 điểm. Văn bản kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán hòa bình theo sáng kiến của Bắc Kinh như là "giải pháp khả thi duy nhất" cho cuộc xung đột.
Vào tháng 6/2023, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã đề xuất kế hoạch hòa bình 10 điểm từ các nước châu Phi.
Nhà khoa học chính trị Bogdan Bezpalko - Ủy viên Hội đồng Quan hệ các dân tộc trực thuộc Tổng thống Nga cho biết, một số quốc gia trong liên minh châu Âu có thể cung cấp nền tảng cho các cuộc đàm phán và đóng vai trò trung gian. Tuy nhiên, ông tin rằng, các nước ngoài EU và NATO vẫn có cơ hội tốt hơn.
Theo Bezpalko, Hungary và Slovakia có thể trở thành trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Nhưng từ quan điểm của quan hệ quốc tế hiện đại, sẽ hợp lý hơn nếu nhấn mạnh vào một quốc gia trung lập nào đó, chẳng hạn như Ấn Độ.
“Ít nhất Ấn Độ cũng có sức ảnh hưởng khá quan trọng trong nền chính trị thế giới, và nước này giữ thái độ trung lập trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Ấn Độ duy trì mối quan hệ riêng với cả Nga và phương Tây” – nhà khoa học chính trị Nga cho hay.
Tuy nhiên, ông Bezpalko không loại trừ khả năng một quốc gia Trung Đông hoặc thậm chí một nước cộng hòa hậu Xô viết, chẳng hạn như Uzbekistan, có thể trở thành quốc gia hòa giải./.