Tiếp tục thu hồi đất từ các công ty nông, lâm trường, tổng đội thanh niên xung phong để bàn giao cho địa phương quản lý, người dân sử dụng

Phạm Bằng 07/12/2023 15:20

(Baonghean.vn) - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt đã đăng đàn trả lời chất vấn những vấn đề liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm trường, tổng đội TNXP... tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Nghệ An, nhiệm kỳ 2021-2026.

Sáng 7/12, Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm nội dung: “Công tác quản lý, hiệu quả sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh và tổng đội thanh niên xung phong. Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý, hiệu quả sử dụng đất trong thời gian tới”.

Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.

Dự phiên chất vấn có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các vị đại biểu HĐND tỉnh và các đại biểu khách mời.

BNA_6716-01.jpeg
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khoá XVIII. Ảnh: Thành Cường

QUẢN LÝ DIỆN TÍCH LỚN, NHƯNG SỬ DỤNG KHÔNG HIỆU QUẢ

Đặt câu hỏi đầu tiên đến Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đại biểu Lê Thị Thêu (Tổ đại biểu huyện Tân Kỳ) cho rằng, hiện có 5 hộ dân tại xã Tân Phú (Tân Kỳ) đã làm nhà ở, sinh sống ổn định từ những năm 1992 trong ranh giới sử dụng đất của Công ty CP Nông nghiệp Sông Con. Đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp xử lý để giải quyết vấn đề nêu trên nhằm đảm bảo quyền lợi cho các hộ gia đình.

Bên cạnh đó, hiện các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, các tổng đội TNXP... được Nhà nước giao quản lý, sử dụng diện tích đất lâm nghiệp khá lớn, trong khi người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng miền núi vẫn thiếu đất sản xuất. Đại biểu Thêu đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp để giải quyết hài hòa giữa việc quản lý, sử dụng đất của các đơn vị và nhu cầu đất sản xuất của người dân.

BNA_6796-01.jpeg
Đại biểu Lê Thị Thêu (Tổ đại biểu huyện Tân Kỳ) đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp để giải quyết hài hòa giữa việc quản lý, sử dụng đất của các đơn vị và nhu cầu đất sản xuất của người dân. Ảnh: Thành Cường

Đại biểu Hoàng Thị Hồng Hạnh (Tổ đại biểu huyện Đô Lương) đề nghị làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các sở, ngành liên quan về những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, hiệu quả sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh và Tổng đội TNXP.

Nêu thực trạng, trong thời gian qua việc chuyển đổi mô hình các nông, lâm trường thực chất mới thực hiện việc đổi tên, chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp; phần lớn đất đai và rừng chưa được rà soát, đo đạc trên thực địa, chưa lập được bản đồ địa chính, tạo kẽ hở cho việc vi phạm pháp luật và gây khó khăn cho việc quản lý đất đai. Việc giao khoán theo kiểu “Phát canh, thu tô”; cho thuê, cho mượn, lấn chiếm, chồng lấn, tranh chấp, khiếu kiện, đại biểu Nguyễn Công Văn (Tổ đại biểu huyện Nghi Lộc) đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp để quản lý, sử dụng đất đai, rừng của các nông, lâm trường, sớm khắc phục những tồn tại như đã nêu trên.

BNA_6812-01.jpeg
Đại biểu Nguyễn Công Văn (Tổ đại biểu huyện Nghi Lộc) đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp để quản lý, sử dụng đất đai, rừng của các nông, lâm trường, sớm khắc phục những tồn tại. Ảnh: Thành Cường

Trả lời câu hỏi của đại biểu Thêu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt cho biết, đất của Công ty CP Nông nghiệp Sông Con được UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng hơn 2.000ha. Trong quá trình công ty lập phương án trình UBND tỉnh để thu hồi, còn để lại diện tích đất liên quan 5 hộ dân ở xã Tân Phú (Tân Kỳ).

Khi tiếp nhận ý kiến cử tri, Sở đã thành lập đoàn kiểm tra, lập biên bản tiến hành thu hồi phần diện tích đất 5 hộ dân đang sử dụng. Dự kiến trong tháng 12/2023, Sở sẽ trình UBND tỉnh quyết định thu hồi diện tích 5 hộ dân đang sử dụng và bàn giao về cho huyện Tân Kỳ để thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

BNA_6823-01.jpeg
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt trả lời câu hỏi của các đại biểu. Ảnh: Thành Cường

Về chất vấn của các đại biểu khác, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời: Trước thực trạng các công ty nông, lâm trường, tổng đội TNXP đang quản lý diện tích lớn, sử dụng không hiệu quả, người dân lại thiếu đất, từ năm 2014 đến nay, Sở đã tham mưu phương án sử dụng đất của 11 công ty TNHH một thành viên, 4 công ty lâm nghiệp với diện tích 51.337 ha; UBND tỉnh đã thu hồi và bàn giao cho địa phương quản lý 12.794ha để giao đất cho người dân sản xuất.

Hiện nay, các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng quản lý 516.034ha; 4 tổng đội TNXP đang quản lý, sử dụng 22.970ha. Giải pháp của Sở là đề nghị UBND huyện đẩy nhanh lập, phê duyệt phương án sử dụng đất, để giao đất cho người dân sử dụng. Sở sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT, các huyện sẽ tổ chức rà soát các quỹ đất sử dụng không hiệu quả, khoán trắng để tiếp tục thu hồi, giao cho nhân dân sản xuất.

UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường thanh kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của các công ty, tổng đội, ban quản lý; tổ chức rà soát, bóc tách diện tích đất, trong đó có đất nhân dân đang sử dụng, làm nhà ở để bàn giao cho địa phương. Sở NN&PTNT cần tổ chức rà soát lại quy hoạch 3 loại rừng, phát huy hiệu quả kinh tế; rút kinh nghiệm sẽ chỉ đạo rà soát và bóc tách kỹ để tránh các trường hợp thiếu sót như trước đây.

Đồng tình với ý kiến, hoạt động quản lý, sử dụng đất của các công ty nông lâm trường, Tổng đội TNXP chưa hiệu quả, trong đó có yếu tố lịch sử , Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trước thực trạng trên, Đảng và Nhà nước có chủ trương sắp xếp lại các công ty, tổng đội để phát huy hiệu quả đất đai.

BNA_6770-01.jpeg
Các đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả hơn, hạn chế tối đa tình trạng "phát canh thu tô", khoán trắng. Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh để giao, cho thuê đất; phối hợp Cục Thuế tỉnh tiến hành thu tiền thuê đất của các công ty nông, lâm nghiệp; phối hợp thanh tra, kiểm tra hoạt động của các công ty, tránh các trường hợp vi phạm pháp luật như thời gian qua.

Trao đổi về trách nhiệm khi để xảy ra các tồn tại, hạn chế nêu trên, ông Hoàng Quốc Việt cho rằng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các đơn vị chủ sử dụng đất, đó là các công ty, ban quản lý rừng, tổng đội TNXP. Thứ hai là trách nhiệm của các cơ quan chủ quản chưa thường xuyên thanh, kiểm tra hoạt động quản lý, sử dụng đất của các công ty, ban quản lý, tổng đội.

Thứ ba là trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường chưa thường xuyên thanh, kiểm tra tình hình sử dụng đất của các công ty, ban quản lý, tổng đội. Thứ tư là trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã khi phát sinh hành vi vi phạm thì phải lập biên bản và xử lý theo quy định, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

BNA_6869-01.jpeg
Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Tổ đại biểu Kỳ Sơn) đề nghị cho biết kết quả thực hiện, nguyên nhân việc giao đất gắn với giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Ảnh: Thành Cường

TRANH CHẤP KÉO DÀI, CHẬM CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Tiếp tục đặt câu hỏi tới Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Tổ đại biểu Kỳ Sơn) đề nghị cho biết thực trạng việc chồng lấn đất sản xuất, đất ở của nhân dân với đất công ty nông lâm nghiệp hiện nay; Nguyên nhân, trách nhiệm; Quy hoạch tỉnh Nghệ An được duyệt đã bóc tách hết diện tích chồng lấn, giải quyết các tồn tại trong quy hoạch các loại rừng chưa và giải pháp trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn cũng đề nghị cho biết kết quả thực hiện, nguyên nhân việc giao đất gắn với giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân và đề nghị làm rõ nguyên nhân, vướng mắc, giải pháp việc thực hiện giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân sử dụng đối với quỹ đất đã thu hồi và giao cho địa phương còn chậm trong thời gian tới.

BNA_6874-01.jpeg
Đại biểu Vi Văn Quý (Tổ đại biểu Quỳ Hợp) đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết các giải pháp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Ảnh: Thành Cường

Đại biểu Vi Văn Quý (Tổ đại biểu Quỳ Hợp) cho rằng, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đã xảy ra tình trạng tranh chấp đất đai phức tạp giữa người dân và Công ty Sông Hiếu. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu xử lý nội dung trên thế nào? Đại biểu Trần Đình Toàn (Tổ đại biểu huyện Đô Lương) đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết các giải pháp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hồng Sơn, ông Hoàng Quốc Việt cho rằng, các công ty nông, nghiệp ra đời sớm, pháp luật chưa chặt chẽ, diện tích chưa đo đạc đầy đủ nên còn tình trạng chồng lấn với đất của người dân. Trong hơn 12.000ha mà tỉnh đã thu hồi có diện tích lớn đất của người dân đã ở và sản xuất.

Để giải quyết vấn đề này, ông Việt cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh rà soát lại để bóc tách ra và tiến hành cấp giấy chứng nhận cho người dân, kể cả đất ở và đất sản xuất. Đối với diện tích mà các công ty, tổng đội, ban quản lý giao đất trái thẩm quyền cho người dân thì Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh thu hồi để cấp giấy cho người dân. Đối với diện tích các hộ tự ý lấn chiếm sau ngày 1/7/2014 thì giao công ty, địa phương xử lý trả lại tình trạng ban đầu.

BNA_6798-01.jpeg
Các đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Ông Việt cũng cho rằng, Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt nhưng chỉ quy định những vấn đề chung, tổng thể. Sở NN&PTNT sẽ tham mưu điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng và các địa phương rà soát điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030 để điều chỉnh với tình hình thực tế.

Liên quan đến Đề án giao rừng gắn với giao đất, ông Hoàng Quốc Việt cho biết, đã được UBND tỉnh phê duyệt gia hạn thực hiện đề án. Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2023 đã giao đạt 69,12% so với diện tích được duyệt; tổng số hộ gia đình được giao là 22.901 hộ, với diện tích 98.948ha, chiếm 37,2%. Giai đoạn 2018-2022, đã tiếp nhận 13.458 hồ sơ và xử lý xong, trả kết quả 12.179 hồ sơ, chiếm hơn 90,36%. Hiện nay Sở NN&PTNT đang chỉ đạo các đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp.

BNA_6841-01.jpeg
Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường trả lời chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Liên quan đến tình trạng tranh chấp đất đai giữa người dân và các công ty nông, lâm nghiệp, ông Hoàng Quốc Việt cho rằng, thời gian qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo xử lý các vụ việc. Tại huyện Quỳ Hợp, Sở đã tiếp nhận kiểm tra, rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý của Công ty Lâm nghiệp Sông Hiếu.

Đối với các hộ dân đề nghị cấp giấy trên diện tích nhận giao khoán của lâm trường thuộc Công ty Lâm nghiệp Sông Hiếu, qua kiểm tra Sở đánh giá không đủ điều kiện để cấp giấy. Sở đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh 51 báo cáo, trả lời 51 hộ dân ở 2 xã Đồng Hợp, Tam Hợp của huyện Quỳ Hợp. Sở đã chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai phối hợp với địa phương đo đạc lại bản đồ địa chính khu vực đất nông nghiệp xóm Bãi Kè, xã Đồng Hợp và đã bàn giao cho xã để tiến hành cấp giấy cho người dân theo quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã thành lập tổ kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm trường Đồng Hợp và kết luận việc cấp giấy đúng quy định tại thời điểm đó. Sở đã tham mưu UBND tỉnh thu hồi 762ha đất của Lâm trường Đồng Hợp, bàn giao cho địa phương để giao cho nhân dân sản xuất.

BNA_6891-01.jpeg
Đại biểu Trần Đình Toàn đề nghị làm rõ công tác thanh, kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Thành Cường

Về câu hỏi của đại biểu Trần Đình Toàn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt cho rằng, Sở được UBND tỉnh giao giải quyết rất nhiều đơn thư, trong khi đó số lượng cán bộ thanh tra có hạn nên việc thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành, chuyên đề đối với đất nông lâm trường , Sở chưa làm được. Trong thời gian qua, Sở mới đang tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai.

Công tác thanh, kiểm tra là trách nhiệm của nhiều ngành, địa phương. Trong thời gian tới, Sở sẽ tập trung để thực hiện thanh kiểm tra một số công ty có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất

ông Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường

Đặt vấn đề, hiện nay tồn tại thực trạng nhiều thửa đất ở, đất sản xuất nông nghiệp có nguồn gốc đất từ các nông, lâm trường, mặc dù đã bàn giao cho người dân sử dụng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do không đầy đủ hồ sơ pháp lý, đại biểu Hồ Sỹ Nguyệt (Tổ đại biểu huyện Quỳnh Lưu) đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường có giải pháp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt thừa nhận đang tồn tại thực trạng như đại biểu Nguyệt phản ánh. Đối với đất mà người dân làm nhà ở trước khi thành lập nông lâm trường thì tiến hành thu hồi, bàn giao địa phương để cấp giấy cho người dân. Đối với diện tích có nguồn gốc từ nông, lâm trường mà giao trái thẩm quyền thì xử lý theo Nghị định 43 và Quyết định 28 của UBND tỉnh. Vì vậy, đề nghị các địa phương rà soát các trường hợp này để đẩy nhanh việc cấp giấy.

BNA_6900-01.jpeg
Đại biểu Hồ Sỹ Nguyệt (Tổ đại biểu Quỳnh Lưu) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Hiện nay, diện tích và kinh phí để đo đạc rất lớn, trong khi tỉnh đang khó khăn về kinh phí nên chưa bố trí được nhiều. Trong giai đoạn tới, Sở sẽ báo cáo UBND tỉnh cố gắng bố trí khoảng 50% theo quy định của Trung ương và trong khoảng 3-4 năm sẽ giải quyết được tồn tại này.

Về giải pháp trước mắt, những hộ dân có nguyện vọng, do yêu cầu cấp thiết thì có thể tự đóng tiền để được đo đạc lại và từ đó có cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, những trường hợp bức xúc thì đề nghị các huyện hợp đồng với các chi nhánh văn phòng đăng ký để trích lục, trích đo.

Về giải pháp tổng thể, lâu dài, trong thời gian tới sẽ lập thiết kế kỹ thuật dự toán, trình UBND tỉnh phê duyệt đề án để triển khai đo đạc đất của các nông, lâm trường, tổng đội, ban quản lý, đất đã được bàn giao cho các địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thị Thúy An (Tổ đại biểu Anh Sơn) đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành việc thu hồi đất của Tổng đội TNXP 1 bàn giao đất cho địa phương quản lý nhằm phát triển kinh tế - xã hội và ổn định cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết kế hoạch, giải pháp của Sở về việc đo đạc, lập hồ sơ địa chính để cấp giấy chứng nhận cho người dân đối với diện tích 1.536,78 ha đất của Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn đã được UBND tỉnh thu hồi.

Trả lời câu hỏi này, ông Hoàng Quốc Việt cho biết, ngày 20/2/2023, UBND tỉnh đã thống nhất chỉ đạo thực hiện thu hồi đất của Tổng đội TNXP 1 để bàn giao đất cho huyện Anh Sơn và các xã. Trên cơ sở đó, dự kiến trong quý I/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ chỉ đạo Văn phòng Đăng ký lập thiết kế kỹ thuật dự toán xong và sau đó tiến hành đo đạc, tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi để bàn giao cho nhân dân sử dụng.

Mặt khác, đối với đất của Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn thì thực hiện trước khi có Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và Nghị định 118 của Chính phủ. Tuy nhiên, khi Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn giải thể đã không tiến hành thanh lý hợp đồng giao khoán với người dân. Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn liên ngành để rà soát, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết vấn đề này.

Nêu thực trạng tại huyện Quỳ Châu, có 74ha đất đã được UBND tỉnh thu hồi của Lâm trường Quỳ Châu bàn giao cho địa phương. Hiện người dân đang có tài sản là cây trồng trên đất, đại biểu Vương Quang Minh (Tổ đại biểu huyện Quỳ Châu) đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp để thực hiện giải phóng mặt bằng, chia lại đất sản xuất cho người dân và kế hoạch thu hồi phần diện tích chưa có quyết định thu hồi khoảng 120 ha tại huyện Quỳ Châu và huyện Quỳ Hợp.

BNA_6914-01.jpeg
Đại biểu Vương Quang Minh (Tổ đại biểu huyện Quỳ Châu) đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp để thực hiện giải phóng mặt bằng để chia lại đất sản xuất cho người dân. Ảnh: Thành Cường

Trả lời câu hỏi của đại biểu Vương Quang Minh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt cho biết, đối với những diện tích đã có quyết định bàn giao, Sở đang chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tiến hành lập thiết kế kỹ thuật dự toán để thu hồi, bàn giao cho địa phương quản lý, cố gắng trong năm 2024 sẽ thực hiện xong các thủ tục để thu hồi, bàn giao cho người dân Quỳ Châu.

Tiếp tục chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đại biểu Hoàng Lân (Tổ đại biểu huyện Nghi Lộc) đề nghị cho biết công tác phối hợp của các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc thu hồi đất nông, lâm trường trả đất cho địa phương để giao cho người dân sử dụng. Tồn tại hạn chế và bất cập, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới? Trong 12.794ha đất mà UBND tỉnh đã thu hồi của 11 công ty nông lâm trường, có bao nhiêu diện tích do điều kiện vùng sâu, đồi núi, không thể giao cho người dân và giải pháp quản lý quỹ đất này?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lân, ông Hoàng Quốc Việt cho biết, đến nay mới có 4 công ty nông, lâm trường lập hồ sơ để UBND tỉnh giao đất; 11 ban quản lý rừng phòng hộ đã tiến hành đo đạc, lập bản đồ địa chính, 3 tổng đội và 1 vườn quốc gia 2 khu bảo tồn đang hoàn thiện thiết kế kỹ thuật dự toán; các diện tích đã thu hồi thì Sở đang triển khai.

BNA_6933-01.jpeg
Đại biểu Lữ Thị Khuyên (Tổ đại biểu huyện Con Cuông) nêu câu hỏi liên quan đến đất của Công ty CP Tổng Công ty chè Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Đến nay, UBND tỉnh đã thu hồi và bàn giao cho các địa phương quản lý 12.794 ha. Hiện UBND các huyện đã và đang lập phương án giao đất. Trong diện tích UBND đã thu hồi, có 9.500 đất nông, lâm nghiệp sản xuất được, hơn 3.000 bao gồm đất ở, đất đồi núi đá, đất giao thông.

Về câu hỏi của đại biểu Lữ Thị Khuyên (Tổ đại biểu huyện Con Cuông) liên quan đến đất của Công ty CP Tổng Công ty chè Nghệ An, ông Hoàng Quốc Việt cho biết, công ty được Nhà nước giao quản lý, sử dụng 5.152ha. Sau khi cắm mốc thực địa, đo đạc bản đồ địa chính, tổng diện tích đất mà công ty đang sử dụng là hơn 1.900ha. Tổng diện tích đã thu hồi của công ty tại nhiều địa phương là hơn 3.800ha. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị chưa tiến hành rà soát hết đất công ty đã giao cho người dân ở, đất khoán trắng nên xảy ra một số vi phạm.

Tháng 11/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập đoàn kiểm tra việc sử dụng đất của Tổng Công ty chè Nghệ An trên địa bàn huyện Con Cuông, khi có kết quả sẽ báo cáo HĐND tỉnh, UBND tỉnh để xử lý các hành vi vi phạm theo quy định.

TIẾP TỤC RÀ SOÁT, THU HỒI, GIAO CHO CHỦ THỂ CÓ KHẢ NĂNG ĐỂ PHÁT HUY GIÁ TRỊ ĐẤT

Kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý cho biết, đã có 12 đại biểu HĐND tỉnh đặt câu hỏi chất vấn với 20 câu hỏi. Các câu hỏi rõ, gọn, đúng trọng tâm, phản ánh vấn đề mà HĐND tỉnh lựa chọn chất vấn là đúng và trúng.

Không khí chất vấn thẳng thắn, trách nhiệm từ 2 phía. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã nắm khá chắc các vấn đề, trả lời thẳng thắn, làm rõ các tồn tại, hạn chế; đưa ra một số giải pháp, biện pháp trong thời gian trước mắt, cũng như lâu dài, đảm bảo chức năng, nhiệm vụ của ngành.

BNA_6982-01.jpeg
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý kết luận nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Cùng đó, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài chính, Bí thư Tỉnh đoàn, Cục phó Cục Thuế tỉnh đã phối hợp trả lời, làm rõ nội dung đại biểu chất vấn và làm rõ được trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan.

Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý cho biết, Nghệ An là một trong những tỉnh có số lượng lớn các nông, lâm trường quốc doanh, tổng đội TNXP. Có những giai đoạn lịch sử trước đây, Nghệ An là điểm sáng của cả nước trong tổ chức hoạt động của các nông lâm trường quốc doanh, tổng đội thanh niên xung phong.

Có giai đoạn, các nông, lâm trường, tổng đội thanh niên xung phong đã có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, tập trung nhiều ở khu vực nông thôn, miền núi, như; cung cấp giống cây trồng, giống vật nuôi, dịch vụ kỹ thuật và tiêu thụ, chế biến, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung; mở ra vùng kinh tế mới cho các địa bàn thưa dân cư, địa bàn khó khăn. Nhiều nông, lâm trường kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng - an ninh ở những địa bàn xung yếu, khó khăn, biên giới của tỉnh.

BNA_6778-01.jpeg
Các đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Tuy nhiên, khi bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì mô hình hoạt động của nông, lâm trường, tổng đội TNXP dần bộc lộ những bất cập, hoạt động kém hiệu quả trong cơ chế mới, thậm chí là lãng phí đất đai, là nơi khởi nguồn của những xung đột lợi ích, không giải quyết có thể trở thành điểm phức tạp, có thể trở thành điểm nóng.

Đánh giá công tác chuyển đổi các nông lâm trường, tổng đội TNXP là khó, phức tạp, cần đầu tư nhiều thời gian, nguồn lực, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, khi thành lập hồ sơ pháp lý thiếu đầy đủ, thậm chí mô hình tổng đội quy định chưa rõ ràng trong các văn bản hướng dẫn của Luật Đất đai.

Bên cạnh đó, diện tích lớn, địa bàn rộng, có nhiều thay đổi, khi đo đạc khác với trước đây. Việc quản lý, sắp xếp các nông, lâm trường liên quan đến lợi ích của nhiều bên liên quan; nhiều văn bản chi phối.

Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá, thời gian qua UBND tỉnh đã có quan tâm theo chủ trương chung của Nhà nước, tiến hành sắp xếp lại các nông lâm trường với nhiều nỗ lực. Tuy nhiên, những nỗ lực này chưa đạt đến và còn bộc lộ nhiều thiếu sót.

Đó là việc chuyển đổi, sắp xếp, giải thể còn chậm; nhiều vướng mắc, hiệu quả chưa rõ, kéo theo việc tranh chấp tại một số nơi; phần lớn đất đai chưa được đo đạc, kiểm đếm, lập bản đồ địa chính, hồ sơ thủ tục cấp giấy chứng nhận; tình trạng sử dụng đất không đúng đối tượng, không đúng mục đích vẫn còn xảy ra, "phát canh thu tô" là phổ biến.

Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất đã thu hồi bàn giao lại cho địa phương quản lý mới chỉ đạt gần 15%. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các tồn tại, vi phạm chưa thường xuyên, liên tục, chưa kiên quyết và xử lý không dứt điểm.

BNA_6798-01.jpeg
Các đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Trên cơ sở đó, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương quan tâm thực hiện 5 giải pháp. Trước hết, phải tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền một cách quyết liệt, hiệu quả hơn vì đây là việc khó.

Để tiếp tục sắp xếp có hiệu quả các nông, lâm trường, tổng đội TNXP nhằm tránh lãng phí, phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, tránh khiếu kiện, tránh tranh chấp, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý đề nghị thống nhất quan điểm, phải tiếp tục xem xét, rà soát lại công tác quản lý, hiệu quả sử dụng đất đai của các công ty nông lâm trường.

Nếu phát huy không hiệu quả, chưa đóng thuế, để hoang đất thì thu hồi để giao cho nhân dân có nhu cầu sản xuất, giao cho các chủ thể khác có điều kiện về năng lực tài chính, năng lực thị trường và các năng lực khác để phát triển, phát huy giá trị đất đai.

Chủ tịch HĐND tỉnh nghệ an Thái Thanh Quý

Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, đây là việc khó, cần nhiều nguồn lực nên UBND tỉnh cần cân đối, bố trí nguồn lực hợp lý để tiến hành đo đạc, cắm mốc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ thể để sớm đưa đất vào canh tác, sản xuất, tránh tranh chấp, khiếu kiện kéo dài.

BNA_6761-01.jpeg
Các đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Tiếp tục rà soát các khó khăn, vướng mắc, bất cập, nếu thuộc thẩm quyền của tỉnh thì họp liên ngành để giải quyết cố gắng dứt điểm. Nếu thuộc thẩm quyền của Trung ương và các cơ quan cấp trên thì đeo đuổi, bám sát, kiến nghị và giải quyết càng nhanh càng tốt.

Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý cũng đề nghị trong xử lý các công việc liên quan đến vấn đề này, các cấp, ngành, đơn vị liên quan phải công tâm, khách quan, minh bạch; đồng thời phải kiên quyết, quyết liệt, xử lý vi phạm rõ ràng, đảm bảo công bằng, không để tồn đọng, kéo dài.

Nhấn mạnh đây là vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý đề nghị UBND tỉnh đưa nội dung này vào báo cáo chuyên đề hàng năm cho HĐND tỉnh; HĐND tỉnh và các vị đại biểu theo dõi, giám sát thường xuyên vấn đề thực hiện sau phiên chất vấn.

Phạm Bằng